Về công tác tạo cơ chế phù hợp để phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Về công tác tạo cơ chế phù hợp để phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP)


Đề án Phát triển Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt ngày 25 tháng 12 năm 2020. Kể từ thời điểm Đề án được phê duyệt đến nay, tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng đã trải qua những giai đoạn có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường nhất trong thập niên vừa qua như
đại dịch Covid – 19, tình hình xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh đó ngành TDTT tỉnh Bình Dương vẫn hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Điều này là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân nhân; đồng thời thể hiện tính đúng đắn và giá trị thực tiễn mà Đề án mang lại.

Một trong những yếu tố cơ bản và là điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển lĩnh vực TDTT đó chính là nguồn vốn đầu tư. Trong các năm thực hiện Đề án vừa qua, cơ cấu nguồn kinh phí dành cho các hoạt động TDTT của tỉnh hầu như không có sự thay đổi nhiều, ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Trong khi đó, việc phân bổ ngân sách cũng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid 19 cũng như khó khăn chung của tình hình kinh tế. Để có thể tận dụng tối đa nguồn lực của xã hội và đa dạng hoá cơ cấu nguồn vốn đầu tư dành cho TTDT của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo của Đề án thì hiện nay cần phải tạo hành lang pháp lý và cơ chế phù hợp để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực TDTT, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong tình hình mới. Một trong những giải pháp có tính khả thi và đang được rất nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia về chính sách quan tâm đó chính là phát triển TDTT thông qua phương thức đối tác công – tư (PPP).

Những quy định pháp luật về đầu tư bằng phương thức PPP hiện nay đang có một sự giới hạn nhất định về lĩnh vực cũng như quy mô nguồn vốn đầu tư. Trong đó, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực được cho là trọng tâm, trọng điểm của quốc gia và đang có yêu cầu lớn về quy mô vốn. Lĩnh vực TDTT vẫn chưa được đưa vào nhóm lĩnh vực cho phép đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sự thay đổi rõ rệt của các điều kiện kinh tế xã hội cũng như xu thế tất yếu của việc tận dụng nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong mọi lĩnh vực cho thấy việc áp dụng phương thức đầu tư PPP vào lĩnh vực TDTT là phù hợp xu thế phát triển.

Tại Khoản 3 Mục A Chương II Phần thứ hai của Đề án Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu TDTT có mục tiêu chiến lược nâng cao thể trạng tầm vóc, thể chất người Việt Nam, phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT, xã hội hóa thể thao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ trong việc đào tạo nguồn nhân lực TDTT chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đầu tư ngân sách phát triển các loại hình dịch vụ TDTT, thể thao giải trí…, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Những mục tiêu này đều cần sự đầu tư, chuẩn bị một cách có hệ thống, đồng bộ nhưng lại rất đa dạng về các loại hình TDTT. Điều này đặt ra những yêu cầu không chỉ về nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên mà còn cả về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các dịch vụ liên quan. Nguồn lực Nhà nước là có giới hạn không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao do sự đa dạng và phong phú các loại hình TDTT, môn thi đấu, cấp độ luyện tập khác nhau.

Tham khảo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 06 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Theo đó tại điểm a và điểm b khoản 5 Nghị quyết quy định:

“Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định”.

Tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất áp dụng phương thức PPP đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn Thủ đô. Điều 38 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo pháp luật về PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo. Trong thời gian tới, căn cứ vào những kết quả đạt được của hai thành phố này khi triển khai phương thức PPP thì các tỉnh thành khác sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cũng như giúp Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện Luật và các văn bản dưới luật liên quan.

Việc đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực TDTT là một việc cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng, luyện tập, giải trí tại các cơ sở, công trình TDTT được quản lý chuyên nghiệp, có chất lượng đồng thời giảm áp lực cho nguồn ngân sách Nhà nước. Bình Dương đã cơ bản trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều thành tựu nổi bật về đổi mới và hội nhập quốc tế. Với nguồn nhân lực dồi dào kết hợp với cơ cấu dân số trẻ thì bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bình Dương vẫn là địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển TTDT. Tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bình Dương đang có đầy đủ những điều kiện về quy mô dân số, quy mô và mức độ phát triển của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, hệ thống cơ sở hạng tầng cơ bản hoàn thiện. Bên cạnh đó, ngành TDTT tỉnh Bình Dương thời gian qua luôn thuộc nhóm các tỉnh thành đạt nhiều tiêu chí về phát triển TDTT phong trào cũng như nằm trong nhóm đầu các tỉnh thành về thể thao thành tích cao. Đây là lợi thế cho tỉnh Bình Dương khi mà Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo phương thức PPP.

Các cấp, các ngành và doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương có sự tâm huyết và nỗ lực đối với việc phát triển TDTT tỉnh nhà. Đây là yếu tố quan trọng trong việc quyết định tính khả thi của phương thức PPP. Để đạt được các nhiệm vụ, mục tiêu chung trong phát triển TDTT ngoài yêu cầu về khung pháp lý, sự chỉ đạo điều hành của các ngành các cấp thì thành phần kinh tế tư nhân đóng vai then chốt. Khi trở thành nhà đầu tư PPP thì doanh nghiệp phải vừa đảm bảo thực hiện được những yêu cầu của Hợp đồng PPP để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ công đã được Nhà nước nhượng quyền, đồng thời đảm bảo được yếu tố lợi nhuận cũng như tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng với quá trình phát triển TDTT tỉnh Bình Dương cho thấy các doanh nghiệp tại địa phương mặc dù chưa nhận được hiệu quả kinh tế tương xứng nhưng luôn có sự đầu tư đúng mức và duy trì ổn định trong thời gian dài. Ngay khi khung pháp lý được hoàn thiện, chắc chắn sẽ là nền tảng tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Bên cạnh những thuận lợi, để có thể xây dựng chính sách hoàn thiện hơn trong việc tạo cơ chế phù hợp để phát triển TDTT tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP), cần đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, kiến nghị sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 theo hướng bổ sung thêm lĩnh vực TDTT vào nhóm lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP. Do đặc thù đa dạng về loại hình thể thao, môn thi đấu cũng như cấp độ đào tạo nên đối với Quy mô vốn tối thiểu đầu tư cho TDTT nên quy định theo hướng tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tương tự như Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 06 năm 2023 đang áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, nghiên cứu rà soát các Luật và văn bản dưới luật để giảm bớt sự chồng chéo và tinh gọn các thủ tục khi thực hiện đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực TDTT. Hiện nay đầu tư theo phương thức PPP ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và Luật Thể dục thể thao thì còn chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công …
Thứ ba, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 hiện đã có quy định và hướng dẫn cụ thể cho các loại hợp đồng khi triển khai. Mỗi dự án và lĩnh vực có tính chất và đặc điểm khác nhau, do đó Chính phủ cần sớm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định về hợp đồng mẫu dành cho lĩnh vực TDTT./.

Thảo Nhi

Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đội hỗ trợ kê khai thuế, giấy phép và dịch vụ công: 0906.657.659 - Phí hỗ trợ online đăng ký chỉ từ 150 - 300k tùy loại. Liên hệ qua zalo A Vương để hỗ trợ nha!
Dịch vụ kế toán Lộc Phát
Dịch vụ kế toán Lộc Phát
Ủng hộ dịch vụ Lộc Phát nha! Cảm ơn các bạn!