Tóm tắt Nội dung phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tóm tắt Nội dung phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 03/08/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại, bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Vị trí Bình Dương trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh

I.Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch

Quy hoạch tỉnh Bình Dương bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64 km². Các đơn vị hành chính cấp huyện gồm 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 4 huyện (Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).

 


Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng

II.Quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn phát triển
  1. Quan điểm phát triển

Bình Dương hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa, liên kết phát triển với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, nhằm xây dựng khu vực này trở thành vùng văn minh, hiện đại, và năng động, là trung tâm hàng đầu về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới.

Các huyện thành phố trong tỉnh Bình Dương

Phát triển văn hóa, con người Bình Dương, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương.

Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa. Đẩy mạnh hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Giải quyết các vấn đề quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông, ngập úng đô thị, ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh.

  1.  Mục tiêu cụ thể

Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm phát triển năng động, dẫn đầu về khoa học công nghệ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Hạ tầng đô thị phát triển thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, yêu cầu:

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD;

+ Cơ cấu kinh tế năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%;

+ Tỷ lệ đô thị hóa 88-90%;

+ Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.

– Về xã hội:

+ Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người);

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%;

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%;

+ Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân;

+ Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%;

+ Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1,0%.

– Về tài nguyên và môi trường:

+ Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 99% và tại nông thôn đạt 95%;

+ Chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%;

+ Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt 60%; tỷ lệ nước thải các khu, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý đạt 100%;

+ Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% đối với đô thị, phấn đấu đạt 80% đối với nông thôn.

– Mạng di động thế hệ mới được triển khai đảm bảo chất lượng phủ sóng 4G, 5G tại 100% khu, cụm dân cư và triển khai một số vùng phủ sóng di động thế hệ tiếp theo.

– Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh.

  1. Tầm nhìn phát triển

Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, và là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp. Là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.​  

  1. Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển
          1. Liên kết hợp tác phát triển Vùng

Bình Dương sẽ phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia và Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là mở rộng các kết nối về giao thông, khoa học công nghệ, và nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ tập trung vào việc mở rộng các kết nối giao thông tới cảng biển, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo động lực cho sự chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài – Tây Ninh, Hoa Lư – Bình Phước);

Kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.

          1. Đổi mới hệ sinh thái phát triển

Tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.

Bình Dương sẽ phát triển hệ sinh thái mới, tập trung cho đổi mới sáng tạo, với sự chuẩn bị đầy đủ về quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chú trọng phát triển các ngành lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, và chủ động xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

          1. Phát triển xã hội và nguồn nhân lực

Bình Dương sẽ đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, và xây dựng cơ chế đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài​. Xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn kết giữa nhà nước – nhà trường và doanh nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái khởi nguồn từ giáo dục phổ thông theo các mô hình, phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến. Xây dựng môi trường học tập cấp phổ thông, đại học gắn liền với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và thị trường.

Đào tạo kiến thức gắn với hỗ trợ phát triển bản thân, nghiên cứu, xây dựng doanh nghiệp, ươm tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo. Tăng cường đầu tư phát triển văn hóa thành động lực phát triển kinh tế và đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa – xã hội tiên tiến, hiện đại.

          1. Phát triển Bình Dương xanh

Phát triển xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường…) nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội. Phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương. Quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải…

          1. Phát triển các không gian động lực

– Phân vùng phát triển toàn tỉnh thành 03 khu vực không gian động lực:

+ Khu vực 1 (gồm thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An): thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao;

+ Khu vực 2 (gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bàu Bàng): phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh;

+ Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị – công nghiệp – dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính…, tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.

– Phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 – vùng Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển đô thị, khu phức hợp và khu công nghiệp mới ở các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam dịch chuyển lên phía Bắc của tỉnh. Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh tại Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bàu Bàng, Bến Cát để tạo không gian động lực về khoa học công nghệ, dịch vụ và văn hóa sáng tạo.

– Phát triển mạng lưới giao thông công cộng Vùng, tỉnh và đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Xây dựng các trung tâm chức năng như: trung tâm thương mại dịch vụ (CBD), trung tâm chuyên ngành khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đô thị văn hóa và nghệ thuật sáng tạo, các trung tâm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí …

– Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các khu, cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng tối ưu hóa sử dụng đất, xử lý triệt để các vấn đề môi trường, chuyển đổi sang mô hình phát triển công nghiệp xanh – sạch, thông minh, giá trị gia tăng cao.

– Bảo tồn chức năng sinh thái, đa dạng sinh học của các không gian sông suối chính (Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Tính, Sông Bé…), xác lập khu vực bảo vệ mặt nước. Các sông đi qua đô thị được khai thác tối ưu cảnh quan sinh thái, kết hợp với mạng lưới không gian xanh đô thị hình thành hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị, tạo ra hiệu quả tối ưu cho phát triển du lịch, dịch vụ.

III.Phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực quan trọng
  1. Ngành công nghiệp

Công nghiệp sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Bình Dương sẽ chú trọng hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ, và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy móc thiết bị công nghiệp, thiết bị điện tử viễn thông, điều khiển từ xa, thiết bị vi mạch tích hợp, chip điện tử, vật liệu mới, công nghiệp hóa học và kỹ thuật hóa học, dược phẩm và hóa mỹ phẩm… Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Hiện đại hóa và tối ưu hiệu quả thương mại cho các ngành công nghiệp hiện hữu: tập trung các nhóm ngành Bình Dương đã có thể làm chủ được sản phẩm, cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua các giải pháp hiện đại hóa công nghiệp và các giải pháp tối ưu hiệu quả thương mại.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dựa trên các cơ chế đột phá về phương pháp thu hút nhà đầu tư, thể chế chính sách ưu đãi và hạ tầng hỗ trợ. Hướng tới mục tiêu ngày càng có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Bình Dương, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

  1. Ngành dịch vụ

Tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ các dịch vụ chất lượng cao, bao gồm dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, dịch vụ du lịch, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực và mô hình khu phức hợp quy mô lớn. Bình Dương cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các khu cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng tối ưu hóa sử dụng đất và xử lý triệt để các vấn đề môi trường.

– Phát triển các dịch vụ đô thị chất lượng cao để cung cấp các dịch vụ tiện ích, hiện đại cho người dân, lao động, chuyên gia tại tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận. Đảm bảo bán kính tiếp cận thuận lợi theo từng địa bàn huyện, thành phố. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển mạng lưới các loại hình dịch vụ mang đặc trưng của đô thị công nghiệp, bố trí theo cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, lao động hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển cao trong tương lai.

  1. Ngành thông tin, truyền thông

Đến năm 2030, Bình Dương thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, đảm bảo an toàn thông tin. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ dùng chung, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thử nghiệm các công nghệ số mới, mô hình mới. Ứng dụng công nghệ số mới vào cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Phát triển kinh tế số, hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phần mềm, nội dung số, sản phẩm điện tử, chíp bán dẫn, các sản phẩm Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu, nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các sản phẩm công nghệ số mới. Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng số lượng và chất lượng cho công nghiệp công nghệ thông tin, chip bán dẫn.

  1. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp của Bình Dương sẽ phát triển theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. Tỉnh sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu – nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.

  1. Ngành giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa – xã hội

Giáo dục và đào tạo tập trung cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đồng thời có các chương trình giáo dục thường xuyên để cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động ở các độ tuổi.

Phát triển hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ, đồng đều, cân đối giữa y tế dự phòng và y tế điều trị, chú trọng y tế cơ sở, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao cho mọi người dân, nhất là công nhân lao động, đối tượng yếu thế. Khuyến khích phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao, xã hội hóa đầu tư một số bệnh viện với dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực; xây dựng Bình Dương trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của Vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao của tỉnh được đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở vật chất, mang tầm vóc của đô thị loại I, hiện đại, văn minh của cả nước. Bình Dương trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và là một trong những Trung tâm thể thao mạnh của cả nước.

  1. Quốc phòng, an ninh

Phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bố trí không gian các khu vực có vị trí địa hình trọng yếu phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Nâng cao hiệu quả, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ và không để trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo trật tự xã hội.

IV.Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội

Bình Dương sẽ tổ chức không gian kinh tế – xã hội theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển, cụ thể:

Cấu trúc mô hình phát triển

  1. Trục phát triển: Trục đổi mới sáng tạo lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh và đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng làm trục liên kết phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ theo từng phân đoạn​.

 

 


Trục phát triển Bắc Nam

 

  1. Hành lang sinh thái: (gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng) phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

 


Hành lang sinh thái sông Sài Gòn và hành lang sinh thái sông Đồng Nai

  1. Vành đai liên kết: Tỉnh sẽ phát triển các vành đai liên kết, tạo kết nối giữa các khu công nghiệp, khu đô thị, và khu vực nông thôn, nhằm phát triển đồng bộ và bền vững. Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai (gồm: Vành đai 3; Vành đai 4; Vành đai 5 của vùng Thành phố Hồ Chí Minh). Mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, và một số tuyến đường quan trọng khác…

 


Vành đai 3, 4, 5

 

  1. Trung tâm động lực: Bình Dương sẽ xây dựng 4 trung tâm động lực gồm: trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; khu phức hợp Bàu Bàng; trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.

 

 

 


Các trung tâm động lực của tỉnh

 

  1. Phân vùng phát triển: Tỉnh sẽ chia thành 5 phân vùng phát triển, mỗi vùng có chức năng và nhiệm vụ riêng, đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững gồm (1) Vùng đô thị phía Nam (thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An); (2) Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Bến Cát, thành phố Tân Uyên); (3) Vùng đô thị Bàu Bàng; (4) Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo); (5) Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).

 

 

 


Năm phân vùng phát triển

Với định hướng phát triển rõ ràng và tầm nhìn dài hạn, Bình Dương đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhân tài, các nhà đầu tư và chuyên gia hàng đầu. Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành một biểu tượng của sự phát triển bền vững, thông minh và hiện đại.
Nội dung đính kèm:
1. Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
2. Video Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trung Hiếu

Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đội hỗ trợ kê khai thuế, giấy phép và dịch vụ công: 0906.657.659 - Phí hỗ trợ online đăng ký chỉ từ 150 - 300k tùy loại. Liên hệ qua zalo A Vương để hỗ trợ nha!
Dịch vụ kế toán Lộc Phát
Dịch vụ kế toán Lộc Phát
Ủng hộ dịch vụ Lộc Phát nha! Cảm ơn các bạn!