Thông cáo báo chí là gì? Yêu cầu cần có của một thông cáo báo chí
Thông cáo báo chí là gì? Yêu cầu cần có của một thông cáo báo chí
- 1. Thông cáo báo chí là gì?
- 2. Ai có quyền ra thông cáo báo chí?
- 3. Thông cáo báo chí được viết khi nào?
- 4. Thông cáo báo chí cần đáp ứng những yêu cầu gì?
- 5. Yêu cầu với thông cáo báo chí trong những trường hợp đặc biệt
- 5.1 Với cơ quan đại diện nước ngoài
- 5.2 Với cơ quan/pháp nhân có yếu tố nước ngoài
- 5.3 Với các đoàn đại biểu nước ngoài
- 5.4 Với hội nghị quốc tế
- 6. Kết luận
1. Thông cáo báo chí là gì?
Thông cáo báo chí là bản thông báo chính thức sự thật của một vấn đề, một sự kiện hay một chương trình, hoạt động mà một cá nhân, tổ chức muốn các nhóm công chúng quan tâm.
Các nhóm công chúng mà cá nhân, tổ chức hướng tới có thể bao gồm giới: giới truyền thông, người tiêu dùng, khách hàng. Chủ thể xuất bản thông cáo báo chí nhằm mục đích thông báo hoặc tác động tới nhận thức, hành vi của các nhóm này.
Nội dung bản thông cáo báo chí về cơ bản phải trả lời được 5 câu hỏi:
Chủ thể được nhắc đến là ai?
Sự kiện được thông báo là gì?
Sự việc diễn ra ở đâu
Sự việc diễn ra khi nào?
Tại sao công chúng cần quan tâm tới sự kiện này?
2. Ai có quyền ra thông cáo báo chí?
Cá nhân có quyền phát hành thông cáo báo chí là người được cơ quan, tổ chức cử ra để làm người đứng đầu, đại diện xuất bản thông cáo. Đồng thời, người này phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước và trước pháp luật Việt Nam về nội dung thông tin và mọi hoạt động liên quan.
Ví dụ như, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2021/TT-BTP: Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, biên tập nội dung, xây dựng và ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
3. Thông cáo báo chí được viết khi nào?
Phần lớn thông cáo báo chí được dùng khi muốn công bố một sự kiện đến giới truyền thông. Các sự kiện có thể thuộc những dạng sau:
Khi công bố ra mắt một sản phẩm hoặc dịch vụ
Khi công bố về việc tổ chức sự kiện
Khi công bố một thành tựu khoa học hoặc công trình nghiên cứu
Khi tổ chức một cuộc thi, chương trình có sức ảnh hưởng
Khi cá nhân, tổ chức đạt một giải thưởng danh giá
Khi công bố liên kết với một cá nhân/tổ chức khác
…
4. Thông cáo báo chí cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Hoạt động báo chí chịu sự quản lý của Luật báo chí Việt Nam. Vì vậy, thông tin cung cấp cho báo chí phải chịu những quy định chung của Điều 38 Luật Báo chí:
– Thông tin được cung cấp dưới các hình thức: văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn hoặc các hình thức khác.
– Thông tin được sử dụng phải chuẩn xác và nêu rõ nguồn tin.
– Thông tin thuộc những trường hợp từ chối cung cấp:
Thông tin của Đảng, nhà nước thuộc diện bí mật;
Thông tin đời tư cá nhân;
Những vụ án chưa/đang được điều tra, xét xử, trừ trường hợp được yêu cầu từ cơ quan điều tra nhằm phục vụ cho vụ án;
Cơ quan báo chí có quyền thông tin với nguồn tài liệu của những vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nhưng chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm pháp luật tự chịu trách nhiệm về thông tin đăng tải;
Không tiết lộ thông tin của người cung cấp, trừ trường hợp nhận được yêu cầu bằng văn bản từ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan cấp tương đương trở lên.
5. Yêu cầu với thông cáo báo chí trong những trường hợp đặc biệt
Căn cứ vào khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2014/TT-BTTTT, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam khi muốn phát hành thông cáo báo chí phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
5.1 Với cơ quan đại diện nước ngoài
Cơ quan đại diện nước ngoài đại diện cho Ngoại giao, Lãnh sự và các tổ chức quốc tế liên Chính Phủ tại Việt Nam muốn phát hành thông cáo báo chí phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có người đại diện chịu trách nhiệm phát hành thông cáo báo chí.
– Xác định rõ nội dung và mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của thông cáo báo chí.
– Có trụ sở chính thức.
– Có các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc phát hành thông cáo báo chí.
5.2 Với cơ quan/pháp nhân có yếu tố nước ngoài
Cơ quan nước ngoài và các pháp nhân có yếu tố nước ngoài (có vốn đầu tư nước ngoài) muốn phát hành thông cáo báo chí phải đáp ứng đủ các điều kiện:
– Hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Có người chịu trách nhiệm phát hành thông cáo báo chí và có nghiệp vụ quản lý thông tin.
– Xác định rõ nội dung và mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của thông cáo báo chí.
– Có trụ sở chính thức.
– Có các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc phát hành thông cáo báo chí.
5.3 Với các đoàn đại biểu nước ngoài
Các đoàn đại biểu nước ngoài là đoàn đại biểu tới thăm và làm việc tại đất nước Việt Nam từ lời mời của các cơ quan có thẩm quyền dại Việt Nam. Các đoàn đại biểu nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau khi phát hành thông cáo báo chí:
– Có người đại diện đảm đương trách nhiệm phát hành thông cáo báo chí.
– Xác định rõ nội dung và mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của thông cáo báo chí phù hợp với chức năng và nhiệm vụ hoạt động của đoàn đại biểu nước ngoài trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam.
5.4 Với hội nghị quốc tế
Các hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam muốn phát hành thông cáo báo chí phải đáp ứng đủ các điều kiện:
– Được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam chấp thuận và phê duyệt việc tổ chức hội nghị.
– Có người đại diện đảm đương trách nhiệm phát hành thông cáo báo chí.
– Xác định rõ nội dung và mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của thông cáo báo chí phù hợp với chức năng và nhiệm vụ hoạt động, phạm vi của hội nghị quốc tế đã được chấp thuận trước đó.
Như vậy, hoạt động thông tin, báo chí của cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định về hồ sơ, thủ tục và các biểu mẫu liên quan tại thông tư trên của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đồng thời, trường hợp cơ quan, đại diện nước ngoài muốn phát hành thông cáo báo chí có tổ chức họp báo cần gửi đơn đề nghị họp báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp không tổ chức họp báo nhưng có nhu cầu phát hành, cần gửi đơn theo mẫu số 01 ban kèm thông tư đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam nếu gặp bất cứ vướng mắc gì cần kịp thời phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để được giải quyết kịp thời.
6. Kết luận
Đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu được thông cáo báo chí là gì cũng như khi nào phải sử dụng thông cáo báo chí và các yêu cầu cần có ở một bản thông cáo. Hy vọng những nội dung cơ bản bên trên đã cung cấp cho bạn một nền kiến thức hữu ích phục vụ cho những công việc sau này!