Triệt sản là gì? Những chế độ hỗ trợ đối với người triệt sản

Triệt sản là gì? Những chế độ hỗ trợ đối với người triệt sản

Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. Triệt sản là gì?
  • 2. Những chế độ hỗ trợ đối với người triệt sản là gì?
  • 2.1. Thời gian nghỉ hưởng chế độ
  • 2.2. Mức trợ cấp khi nghỉ hưởng chế độ
  • 3. Quy định về hưởng chế độ triệt sản
  • 3.1. Quy định về hồ sơ
  • 3.2. Quy định về thủ tục
  • 4. Một số thắc mắc khác về chế độ dành cho người triệt sản
    • 5. Kết luận
    Hiển thị thêm
Triệt sản là một trong những giải pháp kế hoạch hóa gia đình rất hiệu quả và được Nhà nước khuyến khích trong thời gian qua. Vậy triệt sản là gì? Những chế độ hỗ trợ đối với người triệt sản ra sao? 
triet-san-la-gi
Mục lục

    1. Triệt sản là gì?

    Triệt sản (hay còn gọi là đình sản) là một thuật ngữ về một trong các phương pháp tránh thai hiệu quả với kỹ thuật tương đối đơn giản. Triệt sản chỉ thực hiện một lần nhưng có tác dụng tránh thai vĩnh viễn. Vì vậy khi nam giới hoặc nữ giới không còn nhu cầu sinh thêm con thì các cơ sở y tế sẽ tư vấn sử dụng phương pháp triệt sản để đảm bảo kế hoạch hóa gia đình.

    Hiện nay cách thức triệt sản đang được các cơ sở y tế áp dụng là thắt hoặc cắt ống dẫn trứng đối với nữ và thắt hoặc cắt ống dẫn tinh đối với nam.

    Đối với thắt hoặc cắt ống dẫn trứng ở nữ, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để làm gián đoạn ống dẫn trứng, ngăn không cho tinh trùng gặp noãn để thực hiện việc thụ tinh. Về bản chất quá trình rụng trứng vẫn diễn ra và không ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh nguyệt, tính cách hay sinh hoạt của người nữ.

    Đối với thắt hoặc cắt ống dẫn tinh ở nam, bác sĩ sẽ rạch và cắt đôi sau đó thắt nút ống dẫn tinh. Tinh trùng vẫn được sản xuất ở tinh hoàn, bị tắc khi đi đến chỗ cắt trên ống dẫn tinh sẽ tự tiêu đi. Việc làm này không ảnh hưởng đến hormone của nam nên hoàn toàn không có tác dụng phụ, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể hay cảm giác của người nam.

    Sau khi tiến hành kỹ thuật triệt sản, nếu muốn sinh con tiếp thì nam giới có thể nối lại ống dẫn tinh và tiếp tục sinh con bình thường. Tuy nhiên với nữ giới thì việc nối lại ống dẫn trứng sẽ phức tạp hơn và tỷ lệ có con tự nhiên là không cao. Vì vậy, những trường hợp đã triệt sản nhưng vẫn muốn có con sẽ được tư vấn thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

    2. Những chế độ hỗ trợ đối với người triệt sản là gì?

    Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thực hiện biện pháp triệt sản sẽ được hưởng chế độ như sau:

    nhung-che-do-ho-tro-triet-san
    (Ảnh minh hoạ)

    2.1. Thời gian nghỉ hưởng chế độ

    Tại điểm b khoản 1 điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người lao động (bao gồm cả lao động nam và lao động nữ) thực hiện biện pháp triệt sản được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền.

    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ tối đa là 15 ngày.

    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định có bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

    2.2. Mức trợ cấp khi nghỉ hưởng chế độ

    Căn cứ điểm a, điểm c khoản 1 điều 39 Luật bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp đối với người lao động (bao gồm cả lao động nam và lao động nữ) khi thực hiện biện pháp triệt sản sẽ là 100% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để triệt sản.

    Nghĩa là, khi thực hiện biện pháp triệt sản, người lao động sẽ được nghỉ việc tối đa 15 ngày với mức hưởng một ngày bằng mức hưởng tháng chia cho 30 ngày. Trong đó, mức hưởng tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc thực hiện biện pháp triệt sản.

    Ví dụ, lao động nữ thực hiện việc triệt sản và được nghỉ 9 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Vậy mức hưởng sẽ tính như sau:

    Mức hưởng 9 ngày = (Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 06 tháng trước khi triệt sản : 30 ngày) x 9 ngày

    3. Quy định về hưởng chế độ triệt sản

    3.1. Quy định về hồ sơ

    qui-dinh-ho-so-huong-che-do-triet-san
    (Ảnh minh hoạ)

    Theo điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH về Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ để người lao động được hưởng chế độ triệt sản bao gồm:

    Trường hợp điều trị nội trú:

    • Giấy ra viện (Bản sao)

    • Giấy chuyển tuyến hoặc Giấy chuyển viện (bản sao) trong trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh

    Trường hợp điều trị ngoại trú:

    • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

    • Hoặc Giấy ra viện (bản sao) có chỉ định của bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú

    3.2. Quy định về thủ tục

    Căn cứ điều 102 Luật bảo hiểm xã hội về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản thì quy định về thủ tục như sau

    • Đối với người lao động: nộp hồ sơ hưởng chế độ cho người sử dụng lao động trong vòng 45 ngày kể từ ngày người lao động trở lại làm việc

    • Đối với người sử dụng lao động: lập danh sách và gửi hồ sơ hưởng chế độ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị đóng bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ của người lao động. Nếu người lao động nhận chế độ thông qua người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán cho người lao động trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được tiền từ cơ quan bảo hiểm xã hội

    • Đối với cơ quản bảo hiểm: tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ thai sản và giải quyết chi trả cho người lao động trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động. Trường hợp không giải quyết phải nêu rõ lý do bằng văn bản trả lời.

    4. Một số thắc mắc khác về chế độ dành cho người triệt sản

    Triệt sản có được hưởng bảo hiểm y tế không?

    Theo quy định tại khoản 8 điều 23 Luật bảo hiểm y tế 2008 có quy định rõ việc sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai (trừ trường hợp phải đình chỉ thai do nguyên nhân bệnh lý từ thai nhi hoặc sản phụ) sẽ thuộc danh sách các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế.

    Do đó, người lao động khi thực hiện biện pháp triệt sản sẽ không được hưởng các chế độ chi trả nếu có tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hay tự nguyện.

    Sinh mổ kết hợp triệt sản có được hưởng thêm chế độ không?

    Một số lao động nữ có dự kiến sinh con bằng phương pháp mổ đẻ và không có ý định sinh tiếp thì cơ sở y tế thường tư vấn kết hợp thực hiện sinh mổ và phẫu thuật triệt sản cùng lúc.

    Vậy lao động nữ đó có được hưởng chế độ nghỉ việc khi thực hiện biện pháp triệt sản sau khi đã hưởng chế độ nghỉ việc 06 tháng do sinh mổ hay không?

    Trên thực tế, nếu người lao động nữ đó đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện biện pháp triệt sản sẽ trùng nhau.

    Nhà nước hiện nay chưa có quy định về việc sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản thì được tiếp tục nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện biện pháp triệt sản. Do đó, không có căn cứ để giải quyết nghỉ thêm cho trường hợp này.

    5. Kết luận

    Với bài viết trên, tin rằng quý bạn đọc đã hiểu triệt sản là gì và những chế độ dành cho người triệt sản. Việc chủ động tìm hiểu để lên kế hoạch thực hiện triệt sản là cách làm đúng đắn để để đảm bảo hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phát triển xã hội.

    Đội hỗ trợ kê khai thuế, giấy phép và dịch vụ công: 0906.657.659 - Phí hỗ trợ online đăng ký chỉ từ 150 - 300k tùy loại. Liên hệ qua zalo A Vương để hỗ trợ nha!
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Ủng hộ dịch vụ Lộc Phát nha! Cảm ơn các bạn!