Thực trạng thúc đẩy đổi mới và sáng tạo tại Bình Dương
Thực trạng thúc đẩy đổi mới và sáng tạo tại Bình Dương
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đổi mới sáng tạo đã trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đổi mới sáng tạo không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mà còn là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội tri thức, năng động và sáng tạo. Tháng 3 năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, theo đó Bình Dương đạt 48.64 điểm, xếp hạng 8 trong tổng số 63 tỉnh thành.
Bình Dương với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và doanh nghiệp đã xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động chất lượng cao, tạo tiền đề lý tưởng cho việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Trong những năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thông qua việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho các công trình xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm,ban hành và triển khai nhiều chính sách, nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, xây dựng “Thành phố Thông minh Bình Dương” theo mô hình 4.0, kết nối và phát triển các khu công nghiệp hiện đại. Một trong những minh chứng cho thấy kết quả của tỉnh đối với việc khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế là tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập cao và tỷ lệ đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương đối lớn. (Tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 12 năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 80.243,9 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 8.214 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 50.695,4 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Bình Dương không ngừng tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, nghiên cứu để tạo cơ hội chia sẻ kiến thức và nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Hiện nay, tỉnh đã thiết lập hệ sinh thái giáo dục đào tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, huyện Bàu Bàng, khu công nghiệp khoa học công nghệ huyệnBàu Bàng, gần đây nhất là Đề án thành lập khu công nghệ thông tin tập trung đang được tỉnh triển khai thực hiện,… Cùng với đó chính sách thu hút nhân tài và chuyên gia công nghệ cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, đơn cử là Kế hoạch số 3745/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt nền tảng cho việc thu hút nguồn lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển lâu dài.
Nguồn từ Internet: Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương
Trước những chính sách và nỗ lực nêu trên, đến nay Bình Dương đã đạt được một số thành tích nổi bật như: được vinh danh 5 lần liên tiếp là Smart21, lọt vào danh sách Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh trong ba năm 2021, 2022, 2023, đạt danh hiệu cộng đồng thông minh của năm Top 1 ICF 2023.
Mặc dù có nhiều điểm mạnh, nhưng tỉnh vẫn đối diện với một số thách thức và hạn chế trong quá trình thúc đẩy đổi mới và sáng tạo tại địa phương. Một trong những thách thức lớn là thiếu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp, cá nhân trong việc thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Đây được xem là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển và áp dụng công nghệ mới. Tại Việt Nam hiện có rất ít các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn, điều này hạn chế khả năng huy động nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp đồng thời các nhà đầu tư trong nước thường ngần ngại rót vốn vào các lĩnh vực mới nổi và công nghệ cao do thiếu kiến thức, kinh nghiệm và nhận thức về các mô hình kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải dựa vào các nguồn tài chính sẵn có hoặc vay mượn từ bạn bè và gia đình, làm hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ, tận dụng cơ hội thị trường giúp duy trì sự khác biệt và mở rộng kinh doanh.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, phải đầu tư giàn trãi trên tất cả lĩnh vực của kinh tế xã hội, nhu cầu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng, tạo động lực, không gian phát triển cho tỉnh rất cấp bách và cần vốn lớn để cân đối nên việc bố trí vốn cho các dự án để phục vụ đổi mới, sáng tạo chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo là rất cần thiết, tạo nền móng cơ bản cho sự thúc đẩy đổi mới khi mà nguồn vốn tư nhân chưa thể đáp ứng được, do đó với nguồn vốn của tỉnh, cần tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo hướng khuyến khích hợp tác công tư (PPP), sau đó trên cơ sở những thành tựu đã đạt được thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia.
Thứ ba, khoa học và công nghệ không ngừng đổi mới, gây ra áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các khu vực lân cận và thị trường quốc tế đòi hỏi tỉnh phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và cải thiện năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.
Thứ tư, Bình Dương có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên chỉ có 32% là lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ, số còn lại phần lớn là lao động phổ thông từ các tỉnh thành khác đến, việc nguồn lao động thiếu kỹ năng và trình độ cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc xây dựng một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Ngoài ra, các hạn chế về chính sách và văn hóa doanh nghiệp cũng làm cản trở khả năng sáng tạo, khiến môi trường kinh doanh chưa thực sự linh hoạt. Những thách thức này không chỉ làm giảm động lực đổi mới mà còn kìm hãm tốc độ chuyển đổi của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để vượt qua các rào cản này, Bình Dương cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó việc hoàn thiện các khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài khi phát triển các sản phẩm và công nghệ; đơn giản hóa và số hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn trong chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; thúc đẩy văn hóa sáng tạo và khuyến khích đổi mới trong cộng đồng kinh doanh. Đồng thời, việc tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, tạo cầu nối nhằm học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo sẽ giúp tỉnh đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của một nền kinh tế hiện đại và hội nhập./.
Thảo Nhi
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương