Sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra thuế và thanh tra thuế
Kiểm tra và thanh tra thuế không phải là những khái niệm quá xa lạ hiện nay vậy sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra thuế và thanh tra thuế là gì?
Sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra thuế và thanh tra thuế
Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Kiểm tra và thanh tra thuế không phải là những khái niệm quá xa lạ hiện nay. Tuy nhiên một số doanh nghiệp gần đây bất ngờ khi nhận được thông báo kiểm tra, thanh tra thuế, trong khi doanh nghiệp vừa mới được cơ quan thuế kiểm tra trong năm trước liền kề.
Trong bài viết lần này chúng tôi sẽ cung cấp cho quý bạn đọc một số nội dung xoay quanh vấn đề sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra thuế và thanh tra thuếtheo quy định hiện nay.
Khái niệm kiểm tra thuế và thanh tra thuế
Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp.
Chủ thể tiến hành
Chủ thể kiểm tra thuế bao gồm các cơ quan, bộ phận và công chức quản lý thuế nhà nước.
Chủ thể thanh tra thuế bao gồm tổ chức thanh tra chuyên trách của nhà nước trong lĩnh vực thu, chỉ có tổ chức thanh tra mới có quyền thực hiện hoạt động thanh tra.
Do đó, có thể thấy được chủ thể tiến hành kiểm tra thuế rộng hơn chủ thể tiến hành thanh tra thuế.
Nội dung kiểm tra thuế, thanh tra thuế
Nội dung kiểm tra thuế là những vấn đề trong hiện tại dễ nhận biết thực chất của chúng hơn. Nội dung kiểm tra bao gồm những nội dung cụ thể của kiểm tra trước, trong và sau khi các hoạt động kinh tế – xã hội phát sinh cũng như kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật, chế độ pháp lý của nhà nước nhưng chủ yếu là kiểm tra thường xuyên trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội. Vì vậy dễ nhận biết được thực chất của vấn đề mà không đòi hỏi phải có những nghiệp vụ phức tạp để xác minh tài liệu chứng cứ mà vẫn có thể đánh giá đúng đắn và kết luận chính xác.
Thanh tra thuế thường là những vấn đề phức tạp bao gồm những hành vi thuộc về quá khứ, hoạt động thanh tra là kiểm tra ở giai đoạn sau khi các hoạt động kinh tế – xã hội phát sinh. Vì thế hoạt động thanh tra phải giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quản lý, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp với khách thể kiểm tra vi phạm pháp luật. Nội dung của thanh tra thường là những vấn đề phức tạp, có những vấn đề bề nổi, song rất nhiều vấn đề bị che đậy bởi những bề ngoài khác nhau, dễ gây những nhận định khác nhau và khó nhận biết được bản chất.
Phạm vi tiến hành kiểm tra và thanh tra thuế
+ Đối với kiểm tra thuế
Được tiến hành với bất kỳ người nộp thuế nào. Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện với các trường hợp:
Người nộp thuế không giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc giải trình, khai bổ sung không đúng, không chứng minh được số thuế phải nộp, số thuế miễn, giảm, hoàn đúng.
Các trường hợp kiểm tra sau thông quan gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế.
+ Đối với thanh tra thuế
Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tr nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Thời hạn kiểm tra thuế và thời hạn thanh tra thuế
+ Thời hạn kiểm tra thuế
Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá mười ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế (thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra); trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn một lần nhưng không quá mười ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế.
Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.
+ Thời hạn thanh tra thuế
Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá sáu mươi ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá chín mươi ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Trên đây là những sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra thuế và thanh tra thuế mà quý độc giả có thể tham khảo.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc