Quy trình thành lập và giải thể hợp tác xã
Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Quy trình thành lập và giải thể hợp tác xã?
Quy trình thành lập và giải thể hợp tác xã
Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Quy trình thành lập và giải thể hợp tác xã?
Thành lập hợp tác xã
Bước 1: Khởi xướng việc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Sáng lập viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã. Sáng lập viên liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập liên hiệp hợp tác xã. Sáng lập viên vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo Điều lệ; thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác
Hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do các sáng lập viên tổ chức. Thành phần tham gia hội nghị thành lập hợp tác xã bao gồm: sáng lập viên, người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập hợp tác xã. Thành phần tham gia hội nghị thành lập liên hiệp hợp tác xã bao gồm người đại diện hợp pháp của các sáng lập viên và của các hợp tác xã có nguyện vọng gia nhập liên hiệp hợp tác xã. Hội nghị thảo luận về dự thảo Điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và dự kiến danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên. Hội nghị quyết định, biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số các nội dung sau:
– Điều lệ hợp tác xã;
– Phương án sản xuất, kinh doanh;
– Bầu Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn Giám đốc (Tổng giám đốc) trong số thành viên hoặc thuê Giám đốc (Tổng giám đốc);
– Bầu Ban kiểm soát, trưởng Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
– Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.
Bước 3: Đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Trước khi hoạt động, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính. Người đại diện hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Điều lệ;
– Phương án sản xuất, kinh doanh;
– Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
– Nghị quyết hội nghị thành lập.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh và chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hại trường hợp là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
Một là: Giải thể tự nguyện
Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, Ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
– Thông báo việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;
– Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012.
Hai là: Giải thể bắt buộc
Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ra quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012 trong 12 tháng liên tục;
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được Đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
– Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký theo quy định tại Điều 56 Luật Hợp tác xã 2012;
– Theo quyết định của Tòa án. Thủ tục giải thể bắt buộc hợp tác xã như sau:
– Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký, ủy viên khác là đại diện của cơ quan nhà nước chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là thành viên của liên minh), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng trụ sở, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên;
– Hồ sơ giải thể bắt buộc gồm quyết định giải thể bắt buộc và giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký trong 03 số liên tiếp về quyết định giải thể bắt buộc; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012.
Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hội đồng giải thể phải nộp 01 bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc xử lý các tài liệu khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải xóa tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sổ đăng ký.
Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải thể bắt buộc, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật.
Trình tự xử lý vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể:
– Thu hồi các tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; – Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia;
– Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
– Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;
– Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;
– Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;
– Thanh toán các khoản nợ không có bảo đảm;
– Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.
Việc xử lý tài sản thực hiện theo thứ tự ưu tiên trên. Trường hợp giá trị tài sản côn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.
->>>>> Tham khảo thêm: Thành lập doanh nghiệp
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc