Quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh như thế nào? Quy trình xử lý vi phạm ra sao? sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh như thế nào? Quy trình xử lý vi phạm ra sao? sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm
– Theo pháp luật cạnh tranh hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm bao gồm: Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam là một cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành pháp, cụ thể là Cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương, có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số chức năng khác theo quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực cạnh tranh, cụ thể là trong việc xử lý hành vị hạn chế cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh chỉ có thẩm quyền điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh mà không có thẩm quyền giải quyết và xử lý vụ việc. Kết quả điều tra vụ việc phải được gửi lên Hội đồng cạnh tranh để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài thẩm quyền điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh còn có nhiệm vụ tổ chức điều tra và xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật; Thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo quy định của pháp luật để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế; Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trị trường, các doanh nghiệp độc quyền, về quy tắc cạnh tranh trong hiệp hội, về các trường hợp miễn trừ.
Hội đồng cạnh tranh là cơ quan có vị trí đặc thù. Khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2015/NĐ-CP ngày 16/1/2015 của Chính phủ quy định Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập. Cơ cấu của Hội đồng cạnh tranh bao gồm 11 đến 15 thành viên, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh. Quyết định của Hội đồng cạnh tranh được thực hiện ở giai đoạn cuối của vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Hoạt động của Hội đồng cạnh tranh được thực hiện trên cơ sở báo cáo điều tra của Cục quản lý cạnh tranh. Tuy được xếp vào hệ thống cơ quan hành pháp song hoạt động của Hội đồng cạnh tranh lại mang tính chất của cơ quan tài phán do hội đủ những yếu tố cần thiết như: áp dụng pháp luật để ra phán quyết; thủ tục xử lý mang tính chất tranh tụng; quyết định của Hội đồng cạnh tranh chỉ bị xét lại bởi hệ thống tòa án.
Là cơ quan hành pháp nhưng hoạt động của Hội đồng cạnh tranh lại được tổ chức xử lý theo chế độ tập thể chứ không theo chế độ thủ trưởng như các cơ quan hành pháp khác. Cụ thể, theo pháp luật hiện hành, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh sẽ chọn ít nhất 05 thành viên trong số thành viên Hội đồng cạnh tranh tham gia Hội đồng xử lý một vụ việc cạnh tranh. Hội đồng xử lý một vụ việc cạnh tranh sẽ quyết định vụ việc theo nguyên tắc đa số,
Trình tự thủ tục xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh
Trình tự thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh gồm ba giai đoạn cơ bản, đó là: điều tra vụ việc cạnh tranh; xem xét, giải quyết vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Tuy nhiên trình tự thủ tục xử lý vụ đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh là khác nhau.
Đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
Cơ quan quản lý cạnh tranh có thể tự mình quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hoặc thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc canh tranh không lành mạnh. Thời hạn điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh không lành mạnh không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ”. Trong thời gian này, điều tra viên được phân công điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh phải hoàn thành điều tra sơ bộ và kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh ra quyết định mở cuộc điều tra chính thức hoặc đình chỉ điều tra.
Sau điều tra sơ bộ là đến giai đoạn điều tra chính thức, đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, thời hạn điều tra chính thức là 90 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn một lần không quá 60 ngày. Điều tra viên phải xác định căn cứ chứng minh rằng bên bị điều tra đã hoặc đang thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở nội dung báo cáo điều tra, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ (nếu có) theo quy định tại Điều 85 Nghị định 116/2005/NĐ-CP, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ xem xét, ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không có khiếu nại. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nếu không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì các bên có quyền khiếu nại. Khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công thương. Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền.
Đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh
Trình tự thủ tục xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cũng bao gồm ba bước cơ bản kể trên, tuy nhiên khác với cạnh tranh không lành mạnh, trình tự thủ tục xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có phần phức tạp hơn. Cụ thể, đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh, thời hạn điều tra chính thức được kéo dài hơn so với thời hạn áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kéo dài 180 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Nội dung điều tra bao gồm: Xác minh thị trường liên quan; Xác minh thị phần trên thị trường liên quan của bên bị điều tra; Thu nhập và phân tích chứng cứ về hành vi vi phạm. Kết thúc điều tra chính thức, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh phải chuyển báo cáo điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh đến Hội đồng cạnh tranh. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để xem xét, giải quyết vụ việc. Việc xem xét, xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành thông qua phiên điều trần.
Về nguyên tắc, phiên điều trần được mở công khai. Nếu không đồng ý với quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh các bên có quyền khiếu nại trong thời hạn 30 ngày. Khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Hội đồng cạnh tranh. Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hình thức xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau:
– Cảnh cáo
– Phạt tiền
Ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền và cảnh cáo, Luật Cạnh tranh còn có quy định các hình thức phạt bổ sung như: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Các biện pháp khắc phục hậu quả như: cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; cải chính công khai, loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm.
Về mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm cũng có sự khác nhau. Đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, do tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm gây ra đối với môi trường cạnh tranh, nên mức tiền phạt được xác định theo tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của hàng hóa dịch vụ liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp.
Trường hợp không thể xác định được doanh thu hoặc doanh số trong khoảng thời gian thực hiện hành vi vi phạm thì mức tiền phạt được xác định theo tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền có thể phạt tiền tối đa lên tới 10% doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh là đối thủ cạnh tranh. Cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường quy định theo khung hình phạt cố định, tùy từng hành vi mà mức xử phạt khác nhau, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ khác nhau.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc