Phòng tránh rủi ro pháp lý trong giao kết hợp đồng mua bán như thế nào?
Phòng tránh rủi ro pháp lý trong giao kết hợp đồng mua bán như thế nào? sẽ được luật Hoàng Phi tư vấn trong nội dung bài viết sau.
Phòng tránh rủi ro pháp lý trong giao kết hợp đồng mua bán như thế nào?
Phòng tránh rủi ro pháp lý trong giao kết hợp đồng mua bán như thế nào? sẽ được luật Hoàng Phi tư vấn trong nội dung bài viết sau.
Rủi ro pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa có thể phát sinh do thiếu sự thẩm định về năng lực tài chính, năng lực chủ thể của đối tác; rủi ro về điều khoản hợp đồng không chặt chẽ; rủi ro về không am hiểu thông lệ thương mại, tập quán mua bán hàng hóa. Hậu quả của rủi ro trong giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa là những thiệt hại không mong muốn về tài sản, thậm chí là những chế tài nghiêm khắc về hình sự mà các chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa chưa lường hết được. Vì thế, các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa cần nhận biết được các rủi ro mà họ có nguy cơ gặp phải để có các cách thức phòng tránh phù hợp.
Tuân thủ nguyên tắc vận dụng pháp luật để giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa
Nguồn luật điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến mua bán hàng hóa. Nguyên tắc áp dụng Luật Thương mại và pháp luật có liên quan được quy định tại Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 với cách áp dụng như sau:
– Bộ luật Dân sự chứa đựng những quy định chung, áp dụng cho mọi quan hệ hợp đồng như: Các nguyên tắc giao kết hợp đồng, điều kiện và thủ tục giao kết hợp đồng, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và các trường hợp hợp đồng vô hiệu… Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng với mọi quan hệ hợp đồng trong đó có hợp đồng mua bán hàng hóa. Có thể xem xét hợp đồng mua bán hàng hóa trong mối liên hệ với hợp đồng mua bán tài sản theo nguyên lý của mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Bộ luật Dân sự là luật gốc về hợp đồng. Mua bán hàng hóa trong thương mại được Luật Thương mại điều chỉnh.
Đó là các giao dịch mua bán hàng hóa được thiết lập chủ yếu giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với tổ chức, cá nhân khác. Mua bán hàng hóa trong thương mại như đã phân tích, có những đặc thù riêng so với mua bán tài sản nên trước hết hoạt động mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự với tính chất Bộ luật Dân sự là luật gốc về hợp đồng.
– Luật chuyên ngành thường quy định những vấn đề cụ thể như điều kiện chủ thể hợp đồng, hình thức hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể mua bán hàng hóa. Trong mối quan hệ với Luật Thương mại, luật chuyên ngành là luật riêng và được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh một quan hệ mua bán hàng hóa cụ thể. Vì tính chất đặc biệt của một số hàng hóa do vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường của bên bán hoặc loại hàng hóa đó có thể ảnh hưởng đến cộng đồng lớn người dân và tổng thể nền kinh tế nên Nhà nước đã ban hành những quy định mang tính riêng biệt (chuyên ngành) để điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa đó.
Những quy định đặc thù này có thể khác với quy định của Luật Thương mại nhưng để đạt hiệu quả điều chỉnh pháp luật, các quy định chuyên ngành đó vẫn được ưu tiên điều chỉnh quan hệ mua bán các loại hàng hóa đặc biệt. Ví dụ: pháp luật chuyên ngành về mua bán điện lực đưa ra quy định cụ thể về giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán với lý do được đưa ra là lĩnh vực này thuộc lĩnh vực cần được quản lý giá.
Hoặc quy định về điều kiện hình thức hợp đồng không chỉ là văn bản mà còn phải được đăng ký theo mẫu và các điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý chuyên ngành, ví dụ: hợp đồng cung cấp điện, cung cấp nước sạch sinh hoạt, mua bán căn hộ chung cư… Việc kiểm tra và vận dụng đúng đắn các nguyên tắc khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ giúp các chủ thể hợp đồng tránh những rủi ro do vận dụng không chính xác quy định của pháp luật dẫn đến việc phải xử lý những hậu quả vô hiệu về nội dung hợp đồng.
Thẩm định năng lực chủ thể giao kết hợp đồng
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân sẽ ghi cụ thể các ngành nghề kinh doanh mà thương nhân được hoạt động. Từ cơ sở pháp lý đó, thương nhân chỉ được giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phù hợp với các loại hàng hóa thuộc những ngành nghề kinh doanh ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với một số hàng hóa kinh doanh có điều kiện thì thương nhân là bên bán chỉ được giao kết hợp đồng khi có đủ điều kiện kinh doanh những ngành nghề đó.
Ví dụ: Công ty kinh doanh dược phẩm phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, về chứng chỉ hành nghề kinh doanh dược của chủ doanh nghiệp, điều kiện về cơ sở vật chất mới được tiến hành giao kết hợp đồng mua bán dược phẩm hoặc để mua bán nguyên liệu thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện về địa vị pháp lý: được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá; địa điểm kinh doanh, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, có hợp đồng nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá hoặc hợp đồng xuất khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp đủ điều kiện; điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay thế cho tên gọi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Từ sự đổi mới quy định đó dẫn đến việc vận dụng quy định pháp luật để thẩm định tư cách chủ thể khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, bên mua phải thẩm định về việc bên bán đã đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa? Bên mua có thể tìm hiểu ngành nghề kinh doanh của bên bán tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc tra cứu thông tin về bên bán trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Bên mua có thể yêu cầu bên bán cung cấp các bản sao đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kiểm tra thẩm quyền hợp pháp giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa của các bên chủ thể hợp đồng
Đại diện hợp pháp của thương nhân giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.
* Người đại diện theo pháp luật của thương nhân gồm:
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân
– Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể là một hoặc nhiều người. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty
Đối với công ty cổ phần nếu trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (Tổng Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty, trường hợp Điều lệ không quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng Giám đốc) đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là các thành viên hợp danh
– Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã là Chủ tịch Hội đồng quản trị của hợp tác xã.
– Người đại diện theo pháp luật của hộ kinh doanh là người được xác định trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
* Người đại diện theo pháp luật cũng có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình ký kết hợp đồng gọi là đại diện theo ủy quyền.
– Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên chủ thể hợp đồng phải lưu ý các vấn đề pháp lý sau để phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng:
– Trước khi giao kết hợp đồng các bên chủ thể hợp đồng phải kiểm tra thông tin về phạm vi thẩm quyền được giao kết hợp đồng của người đại diện theo pháp luật. Việc kiểm tra các thông tin này thông qua các căn cứ là Điều lệ doanh nghiệp
Thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần sẽ bị giới hạn”, bị kiểm soát bởi Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị trước khi giao kết các hợp đồng đó. Đó là các hợp đồng mua bán tài sản có giá trị lớn theo tỷ lệ Điều lệ quy định hoặc tỷ lệ do pháp luật quy định; hoặc hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp với một số đối tượng có liên quan.
Ví dụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên ký hợp đồng bán tài sản của công ty cho em ruột của mình. Đối với giao dịch này, trước khi ký kết hợp đồng phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên và một số chủ thể có liên quan và hợp đồng đó phải được Hội đồng thành viên chấp thuận. Nếu người đại diện theo pháp luật ký kết hợp đồng không thông qua sự chấp thuận của Hội đồng thành viên thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu và gây ra các rủi ro phát sinh từ hợp đồng đó.
– Kiểm tra các căn cứ pháp lý để xác định phạm vi giao kết hợp đồng của người đại diện theo ủy quyền
Mặc dù pháp luật không quy định việc ủy quyền bắt buộc phải bằng văn bản nhưng để tránh nguy cơ rủi ro khi giao kết và thực hiện hợp đồng nên được xác lập bằng văn bản trong đó xác định rõ phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Có hai hình thức ủy quyền là ủy quyền theo vụ việc và ủy quyền thường xuyên. Ủy quyền theo vụ việc là hình thức ủy quyền để giao kết và thực hiện một hoặc một số hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể.
Ủy quyền thường xuyên là hình thức ủy quyền để giao kết và thực hiện nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra trong một thời gian dài. Việc ủy quyền thường xuyên được ghi nhận trong Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của thương nhân. Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp thiếu hiểu biết về người có thẩm quyền ký kết hợp đồng và dẫn đến những rủi ro cho các bên chủ thể hợp đồng, nên để phòng tránh rủi ro đó, các chủ thể hợp đồng nên kiểm tra giấy ủy quyền hoặc Điều lệ, quy chế hoạt động của đối tác trước khi giao kết hợp đồng.
Xác định rõ đối tượng của hợp đồng là những hàng hóa không bị cấm kinh doanh
Nếu hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa bị cấm kinh doanh mà các bên vẫn giao kết hợp đồng thì hợp đồng mua bán hàng hóa đó sẽ bị vô hiệu và các bên chủ thể hợp đồng phải gánh chịu thiệt hại phát sinh từ hợp đồng vô hiệu về đối tượng.
Những hàng hóa bị cấm kinh doanh có thể thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau. Do vậy, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các chủ thể của hợp đồng có thể tự mình kiểm tra các văn bản pháp luật hiện hành về danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các dịch vụ tư vấn pháp lý kiểm tra danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Hiện nay, danh mục ngành nghề bị cấm kinh doanh được quy định trong Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014.
Nên xác lập hợp đồng bằng hình thức văn bản
Ưu điểm của hình thức hợp đồng bằng văn bản so với hình thức hợp đồng bằng lời nói là:
– Ghi nhận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng,
– Là cơ sở pháp lý rõ ràng để các bên xem xét thực hiện đúng, đầy đủ hợp đồng đồng thời là tài liệu pháp lý quan trọng để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó.
đ, Thỏa thuận cụ thể về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Trong thực tế việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu cần phải rõ ràng. Bởi vì nếu quyền sở hữu hàng hóa đã được chuyển từ người bán sang người mua thì người mua sẽ trở thành chủ sở hữu hàng hóa và mọi rủi ro liên quan đến hàng hóa do người mua chịu cho dù người mua chưa nhận hàng. Để phòng tránh những rủi ro về thời điểm chuyển quyền sở hữu và chuyển rủi ro với hàng hóa, luật pháp các nước thường phải đưa ra những quy định tương đối cụ thể để hướng dẫn các bên.
Không chỉ luật pháp mà cả các bên – người bán và người mua- cũng nên có những quy định cụ thể về vấn đề chuyển quyền sở hữu đối với hàng từ người bán sang người mua trong hợp đồng. Và vì vậy, thông thường, pháp luật bao giờ cũng dành quyền cho các bên về vấn đề này bằng quy định như: “trừ khi các bên quy định khác”, “trừ khi các bên có thỏa thuận khác”. Các bên có thể thỏa thuận về thời điểm chuyển quyền sở hữu như sau:
– Quyền sở hữu đối với tài sản được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.
* Ý nghĩa của quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa:
– Xác định chủ sở hữu mới đối với hàng hóa;
– Xác định bên phải chịu rủi ro và thời điểm chịu rủi ro đối với hàng hóa. Về nguyên tắc thì chủ sở hữu hàng hóa phải chịu rủi ro đối với hàng hóa, thông thường thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa là thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa đó trừ hai trường hợp rủi ro về hàng hóa có thể được chuyển cho bên mua trước khi chuyển quyền sở hữu hàng hóa quy định tại Điều 59, Điều 60 Luật Thương mại năm 2005.
Thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa
Thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được quy định từ Điều 57 đến Điều 61 Luật Thương mại năm 2005, theo đó các bên được thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được chia thành các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật: .
Một là: Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được ủy quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa.
Hai là: Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.
Ba là: Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên
mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa
– Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua
Bốn là: Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Năm là: Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác.
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:
– Trong trường hợp không được quy định tại các Điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Thời điểm chuyển rủi ro đối với tài sản trong giao dịch mua bán tài sản được quy định tại Điều 441 Bộ luật Dân sự năm 2015:
– Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định chuyển rủi ro đối với hàng hóa/tài sản trong trường hợp các bên chủ thể của hợp đồng không có thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro giữa Luật Thương mại năm 2005 và Điều 441 Bộ luật Dân sự có sự khác nhau. Cụ thể:
– Luật Thương mại đã quy định chi tiết hơn so với Bộ luật Dân sự về các thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa;
– Luật Thương mại không phân biệt về các thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa phải đăng ký quyền sở hữu hay không phải đăng ký quyền sở hữu, trong khi đó Bộ luật Dân sự có sự phân biệt về các thời điểm chuyển rủi ro tùy thuộc vào loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hay không phải đăng ký quyền sở hữu.
Nhìn chung Luật Thương mại quy định về các trường hợp chuyển rủi ro cụ thể, chi tiết và có sự tương thích với quy định chuyển rủi ro theo quy định của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Lý do có sự tương thích này vì trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại năm 2005, các nhà làm luật đã tham khảo nhiều quy định của Công ước. Tuy nhiên, so với quy định của Luật Thương mại, Công ước Viên có quy định cụ thể hơn về từng trường hợp.
Phòng tránh rủi ro pháp lý trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại nói riêng có bản chất là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể. Tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng nên các nhà lập pháp khi thiết kế các điều luật về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đã thể hiện quan điểm:
– Trước hết, các bên được tự do thỏa thuận quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trên cơ sở không trái với nguyên tắc chung của pháp luật và đạo đức xã hội.
– Nếu các bên không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì quyền, nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Khi các bên chủ thể hợp đồng không thỏa thuận về một số nội dung nghĩa vụ thực hiện hợp đồng thì để phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng, các bên mua bán phải lưu ý các quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp không có thỏa thuận như sau:
Thứ nhất, trường hợp không có thỏa thuận về giá
Điều 52 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Trường hợp không có thỏa thuận về giá hàng hóa, không có thỏa thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hóa được xác định theo giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hóa, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá. và So với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 quy định cách xác định về giá khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng cụ thể hơn, chi tiết hơn.
Thứ hai, trường hợp không có thỏa thuận về chất lượng của hàng hóa
Điều 39 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
– Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thuộc các trường hợp trên.
Khoản 2, 3 Điều 432 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chất lượng của vật mua bán trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng không có thỏa thuận như sau:
– Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 39 Luật Thương mại năm 2005 đưa ra những quy định chung chung để xác định chất lượng của hàng hóa/tài sản khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng. Với những cụm từ như: mục đích sử dụng thông thường, cách thức thích hợp, cách thức bảo quản thông thường sẽ gây khó khăn trong việc xác định chất lượng của hàng hóa và giải quyết tranh chấp về chất lượng hàng hóa khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khắc phục những nhược điểm về kỹ thuật lập pháp của Luật Thương mại năm 2005 khi quy định về việc xác định chất lượng hàng hóa trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản. Theo đó, chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề hoặc được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng
Điều 35 Luật Thương mại năm 2005 quy định trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
– Trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó;
– Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
– Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hóa, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
– Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Thứ tư, trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm, thời hạn thanh toán
Khoản 2 Điều 42 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng | Điều 54 Luật Thương mại năm 2005 quy định về địa điểm thanh toán: Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:
– Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;
– Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Điều 55 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thời hạn thanh toán: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn thanh toán được quy định như sau:
– Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hóa;
– Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hóa trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc