Nhà, đất đã được tặng cho, liệu đòi được không?

Nhà, đất đã được tặng cho, liệu đòi được không?

Hợp đồng tặng cho nhà, đất là sự thỏa thuận giữa các bên khi bên tặng cho chuyển quyền sử hữu cho bên nhận tặng cho mà không yêu cầu đền bù. Vậy đòi lại nhà đất đã tặng cho người khác được không?

Mục lục

    Đòi lại nhà đất đã tặng cho người khác được không?

    Nếu việc tặng cho nhà đất đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết và đúng quy định của pháp luật thì không thể đòi lại được trừ trường hợp khi thực hiện hợp đồng tặng cho có điều kiện.

    Cụ thể, việc tặng cho tài sản có điều kiện được quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự mới nhất năm 2015 có nội dung như sau:

    – Bên tặng cho được yêu cầu bên nhận nhà, đất tặng cho thực hiện một/nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trong đó, điều kiện, yêu cầu này phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    – Nghĩa vụ được thực hiện sau khi đã tặng cho mà bên nhận tặng cho không hoàn thành nghĩa vụ này thì bên tặng cho có quyền đòi lại nhà, đất và yêu cầu bên nhận tặng cho phải bồi thường thiệt hại.

    Như vậy, chỉ trong trường hợp các bên có thỏa thuận trước về điều kiện tặng cho và được ghi trong hợp đồng thì khi người nhận tặng cho không thực hiện theo thỏa thuận, người tặng cho mới được đòi lại tài sản.

    Ngoài ra, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu bên tặng cho chứng minh được Hợp đồng tặng cho nhà, đất vô hiệu:

    – Do không tuân thủ quy định về hình thức như không lập thành văn bản, không công chứng, chứng thực.

    – Do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép…

    Đòi lại nhà đất đã tặng cho người khác được không?
    Đòi lại nhà đất đã tặng cho người khác được không? (Ảnh minh họa)

    Thủ tục tặng cho nhà, đất mới nhất

    Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

    Theo đó, Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Và lưu ý rằng, hợp đồng tặng cho chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu hoặc kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

    Ngoài ra, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất thì việc tặng cho đất, nhà phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

    Như vậy, khi thực hiện việc tặng cho nhà, đất phải lập thành văn bản, thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực và đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai. Cụ thể thủ tục này như sau:

    – Chuẩn bị hồ sơ:

    • Phiếu yêu cầu công chứng (có mẫu sẵn của tổ chức hành nghề công chứng)
    • Dự thảo hợp đồng tặng cho nhà, đất (nếu có). Trong trường hợp các bên chưa có dự thảo thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ soạn thảo và các bên sẽ đọc lại, đồng ý với các điều khoản và ký vào hợp đồng.
    • Giấy tờ tùy thân (bản sao): Gồm các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu của cả hai bên; giấy tờ chứng minh quan hệ để được miễn thuế như giấy khai sinh; giấy tờ xác định quan hệ hôn nhân nếu các bên đã có vợ/chồng và tài sản là tài sản chung vợ chồng…
    • Sổ đỏ (bản chính để đối chiếu)

    – Cơ quan thực hiện: Tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng nơi có nhà, đất tặng cho).

    – Thời gian giải quyết: Thông thường trong thực tế, thời gian này không mất quá nhiều thời gian, có thể chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 43 Luật Công chứng thì thời gian không quá 02 ngày và nếu tình tiết phức tạp thì không quá 10 ngày.

    – Phí và thù lao công chứng: Phí công chứng căn cứ theo giá trị của nhà, đất và thù lao công chứng do các bên thỏa thuận mà không vượt quá mức trần do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

    Trên đây là các quy định mới nhất về việc đòi lại nhà đất đã tặng cho người khác. Để tìm hiểu thêm về các loại giao dịch dân sự khác, có thể đọc tại đây hoặc liên hệ 19006192 để được tư vấn, giải đáp.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *