Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại tại tòa án
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại tại tòa án
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại tại tòa án
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại tại tòa án
Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án là hình thức giải quyết hiệu quả nhất nhưng cần phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Vậy nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Tòa án là gì?
Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự
Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của BLTTDS.
Đây là nguyên tắc rất quan trọng và cơ bản của tố tụng dân sự. Trước hết, mọi hoạt động tố tụng dân sự, trong đó có giải quyết tranh chấp trong thương mại của tòa án phải tuân thủ đúng pháp luật nói chung, pháp luật về tố tụng dân sự nói riêng, cụ thể là tuân theo các quy định của BLTTDS.
Ngoài ra, các chủ thể khi tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tố tụng dân sự như cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải tuân theo quy định pháp luật, không loại trừ áp dụng cho bất kỳ một ai.
Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia
Việc xét xử sơ thẩm có Hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Khi biểu quyết về quyết định giải quyết, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.
Đây là nguyên tắc Hiến định, được quy định tại khoản 1, Điều 103 Hiến pháp 2013. Quy định sự tham gia của Hội thẩm nhân dân đã có từ những ngày đầu thành lập tòa án nhân dân, đây là nguyên tắc mang tính dân chủ đại diện cho tố tụng dân sự, nhằm bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia xác định thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án phải có Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm nhân dân cùng thẩm phán quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, không kể vấn đề về nội dung hay thủ tục tố tụng.
Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dưới bất kỳ hình thức nào.
Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử phải gắn liền với việc tuân theo pháp luật. Độc lập hoàn toàn không phải là tùy tiện, áp đặt suy nghĩ và quyết định cá nhân của mình vào vụ án. Độc lập là chỉ tuân theo pháp luật, độc lập trên cơ sở lấy pháp luật để đánh giá, xem xét chứng cứ, áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, để đảm bảo cho nguyên tắc này được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và có hiệu quả, BLTTDS 2015 quy định tại Điều 496 về việc xử lý hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ việc dân sự”, theo đó, tùy theo tính chất của hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…
Nguyên tắc xét xử công khai
Xét xử công khai phát huy được dân chủ trong tố tụng dân sự, tạo điều kiện cho mọi người giám sát được hoạt động xét xử, bảo đảm cho việc xét xử giải quyết vụ án dân sự nói chung, thương mại nói riêng được minh bạch, đúng pháp luật. Với tư tưởng thực hiện xét xử kín của tòa án chỉ là trường hợp ngoại lệ, BLTTDS đề cao việc xét xử công khai của tòa án. Việc xét xử kín chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của những chủ thể này. Tuy nhiên, dù xét xử công khai hay kín thì thủ tục tuyên án, tòa phải tiến hành công khai.
Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
Thực tế xét xử cho thấy, việc xét xử không chỉ dừng lại ở sơ thẩm, phúc thẩm mà việc xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chiếm một tỷ lệ không nhỏ các vụ việc dân sự. Nói như vậy, không có nghĩa là ở nước ta có nhiều cấp xét xử. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ, luôn tạo điều kiện tố tụng cho những người có quyền kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định để yêu cầu xét xử lại bản án, quyết định sơ thẩm.
Nguyên tắc giám đốc việc xét xử
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.
Hoạt động xét xử của tòa án cũng như các hoạt động khác muốn thực hiện tốt thì đều cần phải có sự quản lý, giám sát, đôn đốc của người có thẩm quyền, tức là giám đốc việc xét xử. Giám đốc việc xét xử không những bảo đảm cho hoạt động xét xử được đúng đắn mà còn đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Nội dung của nguyên tắc giám đốc việc xét xử xác định tòa án cấp trên thực hiện giám đốc xét xử đối với tòa án cấp dưới; tòa án nhân dân tối cao thực hiện giám đốc xét xử đối với tất cả các tòa án các cấp.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc