Kinh tế tri thức và quyền sở hữu trí tuệ
Kinh tế tri thức và quyền sở hữu trí tuệ, Nền kinh tế tri thức đặt tri thức và sự đổi mới sáng tạo là trung tâm cho sự phát triển kinh tế – xã hội
Kinh tế tri thức và quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, kinh tế toàn cầu phát triển nhanh và mạnh là dựa trên nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế ấy, tri thức – nguồn lực trí tuệ và năng lực đổi mới là hai nhân tố then chốt…
Trong nền kinh tế ấy, tri thức – nguồn lực trí tuệ và năng lực đổi mới là hai nhân tố then chốt để đánh giá khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển của nền kinh tế và sự thịnh vượng cho xã hội; còn quyền sở hữu trí tuệ được xác định là quyền “bảo hộ kinh tế” dành cho chủ thể (con người) đối với tri thức đã chuyển hóa vào hàng hóa, dịch vụ lưu thông trong đời sống dưới sự điều chỉnh của luật pháp về sở hữu trí tuệ.
Xu thế phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức đã trở thành chính sách, chiến lược ưu tiên hàng đầu đối với phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xu thế này đã khẳng định các tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng; Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xem là một nguyên tắc cơ bản trong sự vận động và phát triển của nền kinh tế thế giới, và là cột sống cho thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết: Các đối tượng bảo vệ của quyền Sở hữu trí tuệ được thừa nhận trên toàn thế giới như là những tài sản thương mại có giá trị lớn. Đây là động lực quan trọng cho đổi mới công nghệ, tạo ra những giá trị mới để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế. Sự bảo hộ mạnh mẽ và có hiệu quả đối với các tài sản trí tuệ là một yếu tố quyết định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế tri thức.
Đây cũng là yếu tố khuyến khích sự sáng tạo khoa học và công nghệ, hỗ trợ sự phổ biến và sử dụng kỹ thuật mới, cũng như tạo ra môi trường thuận lợi cho sự trao đổi có trật tự trên thị trường của hàng hoá và dịch vụ dựa trên quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sự phát triển nền kinh tế tri thức đang “phôi thai” tại Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, khi việc “bảo hộ kinh tế” đối với tri thức không được đảm bảo.
Hay nói cách khác: việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, cộng thêm tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn hơn, nền kinh tế tri thức phát triển chậm hơn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty Luật Cường và Cộng sự, không phải dễ dàng hoặc tự dưng chúng ta (doanh nghiệp) có được “thương hiệu”; mà đây là quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của doanh nghiệp chân chính. Đó là tài sản, là tâm huyết, là giá trị, là niềm tin và là linh hồn của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trên thực tế việc ăn cắp, làm nhái, giả mạo quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra một cách phổ biến và rộng khắp; bất chấp pháp luật, công luận và lợi ích chính đáng của người chủ sở hữu. Hành vi này dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại là làm khủng hoảng niềm tin, đồng thau lẫn lộn, xáo trộn thị trường, gây thiệt hại cho môi trường đầu tư, gây hại cho nền kinh tế, làm xấu hình ảnh quốc gia, gây thiệt hại lợi ích của những doanh nghiệp. Và đặc biệt, làm thui chột động lực lao động sáng tạo của toàn xã hội.
Trong bối cảnh như vậy, ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, vai trò tư vấn của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng. Ngoài việc hướng dẫn doanh nghiệp và cả người tiêu dùng hiểu được các quy định pháp luật về phòng, chống vi phạm bản quyền, hàng gian, hàng giả đã được ban hành; các tổ chức hội, hiệp hội cũng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và truyền tải một cách hữu hiệu đến công chúng (không chỉ là tên gọi, logo, mà còn các thông tin về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm cách phân biệt hàng hóa chính hiệu,…); cũng như cách thức tạo lập, quản lý, bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp một cách có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Huy, Chánh Văn phòng – Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam nhấn mạnh: Doanh nghiệp phải chọn lọc đối tượng là khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng (kể cả nhân viên, cổ đông, đối tác) để truyền thông một cách có hiệu quả.
Tóm lại, kinh tế tri thức và quyền Sở hữu trí tuệ luôn đi song hành với nhau. Nền kinh tế tri thức đặt tri thức và sự đổi mới sáng tạo là trung tâm cho sự phát triển kinh tế – xã hội; còn quyền sở hữu trí tuệ là sự đảm bảo pháp lý cho tri thức và sự đổi mới sáng tạo đó sẽ tiếp tục được tạo ra, duy trì và phát triển
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc