Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại? Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung: Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại? Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung: Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại? Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại?

Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại? Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung: Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại? Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại?

Mục lục

    Khái niệm hợp đồng đại lý thương mại 

    Luật Thương mại 2005 không đưa ra khái niệm hợp đồng đại lý thương mại mà đưa ra khái niệm đại lý thương mại, theo đó: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”. Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra khái niệm hợp đồng, theo đó: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Từ các định nghĩa trên, có thể đưa ra khái niệm hợp đồng đại lý thương mại như sau: “Hợp đồng đại lý thương mại là sự thoả thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên đại lý) nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ cho bên kia (bên giao đại lý) để hưởng thù lao”. 

    Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại

    Hợp đồng đại lý thương mại mang các đặc trưng cơ bản sau:

    Thứ nhất: Chủ thể của hợp đồng đại lý thương mại phải là thương nhân 

    Điều 167 Luật Thương mại 2005 quy định: “Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ”.

    Như vậy, trong quan hệ đại lý thương mại, bên đại lý và bên giao đại lý đều phải là thương nhân. Bên giao đại lý là thương nhân chuyên kinh doanh hoạt động mua bán hàng hoá hoặc chuyên cung ứng dịch vụ thương mại; giao hàng hoá cho đại lý bán, giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc uỷ quyền cung ứng dịch vụ thương mại. Bên đại lý cũng phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với loại hàng hoá hoặc loại dịch vụ nhận đại lý, có tư cách thương nhân độc lập với bên giao đại lý. 

    Thứ hai: Bên đại lý dùng danh nghĩa của chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng. 

    Khi tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng, bên đại lý nhân danh chính mình chứ không nhân danh bên giao đại lý. Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ được bên đại lý ký với khách hàng mang lại quyền và nghĩa vụ pháp lý cho bên đại lý. Đây là đặc điểm quan trọng của hợp đồng đại lý thương mại, cho phép phân biệt hợp đồng đại lý thương mại với hợp đồng đại diện cho thương nhân.

    Thứ ba: Trong quan hệ hợp đồng đại lý thương mại, bên đại lý không phải là chủ sở hữu đối với hàng hoá, không phải là bên cung ứng dịch vụ mà chỉ là người được bên giao đại lý uỷ thác việc định đoạt hàng hoá hoặc uỷ quyền cung ứng dịch vụ cho khách hàng. 

    Theo Điều 170 Luật Thương mại 2005, bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý. Bên giao đại lý không chuyển quyền sở hữu hàng hoá (trong trường hợp đại lý bán) hoặc tiền (trong trường hợp đại lý mua), không chuyển giao dịch vụ (trong trường hợp đại lý cung ứng dịch vụ) cho bên đại lý. Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho khách hàng là sự uỷ nhiệm quyền mua bán hàng hoá hoặc uỷ quyền cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý. Đặc điểm này làm cho hợp đồng đại lý thương mại khác với hợp đồng mua bán hàng hoá, vì đặc trưng nổi bật nhất của hợp đồng mua bán hàng hoá là có sự chuyển quyền sở hữu hàng hoá từ người bán sang cho người mua, cùng với đó, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hoá thì rủi ro xảy ra đối với hàng hoá cũng được chuyển giao từ người bán sang người mua, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. 

    Thứ tư: Hợp đồng đại lý thương mại là một dạng của hợp đồng dịch vụ thương mại, theo đó bên đại lý bán hàng hoặc mua hàng hoá cho bên giao đại lý, hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. 

    Trong hợp đồng đại lý thương mại, lợi ích mà bên đại lý được hưởng chính là khoản thù lao đại lý. Xét dưới khía cạnh pháp lý, khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý do sử dụng dịch vụ đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ của bên đại lý; hay nói cách khác, hợp đồng này làm phát sinh quyền được hưởng thù lao của bên đại lý do đã cung ứng dịch vụ đại lý cho bên giao đại lý. Còn bên giao đại lý được thụ hưởng tiện ích từ việc sử dụng dịch vụ đại lý, đó là bán được hàng hoá, cung ứng được dịch vụ thương mại không dựa trên việc sử dụng nhân lực, vật lực của mình mà thông qua hệ thống đại lý. 

    Thứ năm: Về hình thức, hợp đồng đại lý thương mại phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương 

    Theo Điều 168 Luật Thương mại 2005, hình thức của hợp đồng đại lý thương mại là văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Như vậy, hợp đồng đại lý thương mại không chấp nhận hình thức bằng lời nói hay bằng hành vi vì những hình thức này dễ mang lại rủi ro cho các bên tham gia hợp đồng so với hình thức văn bản. Khi phát sinh tranh chấp, hình thức văn bản cũng là cơ sở xác thực để các cơ quan tố tụng giải quyết thuận lợi, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. 

    Những đặc điểm pháp lý nói trên của hợp đồng đại lý thương mại cho phép phân biệt hợp đồng này với một số quan hệ hợp đồng tương tự khác, như hợp đồng phân phối hàng hoá và hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá. Cụ thể: Hợp đồng phân phối hàng hoá được pháp luật nhiều nước quy định với ý nghĩa là một dạng hợp đồng mua sỉ, bán lẻ nhưng không được đề cập đến trong Luật Thương mại 2005.

    Hợp đồng phân phối hàng hoá được hiểu là sự thoả thuận giữa nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp hàng hoá, theo đó nhà phân phối nhân danh chính mình mua hàng hoá của người cung cấp để bán lại. Nhà cung cấp hàng hoá có thể chấp thuận chỉ giao hàng hoá cho duy nhất một nhà phân phối trong một khu vực địa lý xác định. Hợp đồng phân phối hàng hoá có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói hoặc bằng văn bản. Hợp đồng đại lý thương mại và hợp đồng phân phối hàng hoá khác nhau ở các điểm sau: 

    Một là: Trong hợp đồng đại lý thương mại, bên giao đại lý chỉ giao hàng hoá cho bên đại lý bán hàng, giao tiền để bên đại lý mua hàng hoặc chỉ uỷ quyền cung cấp dịch vụ mà không chuyển quyền sở hữu hàng hoá hoặc chuyển giao dịch vụ cho bên đại lý. Khi bên đại lý giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng, quyền sở hữu hàng hoá hoặc quyền thụ hưởng dịch vụ sẽ được chuyển từ bên giao đại lý sang cho khách hàng. Bên đại lý chỉ có vai trò của một người làm dịch vụ trung gian, làm cầu nối giữa bên giao đại lý với khách hàng.

    Với tư cách là chủ sở hữu hàng hoá, bên giao đại lý được toàn quyền định đoạt đối với hàng hoá của mình và phải chịu mọi rủi ro đối với hàng hoá cũng như phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của hàng hoá, trừ trường hợp hàng hoá hư hỏng do lỗi của bên đại lý. Ngược lại, trong hợp đồng phân phối hàng hoá, nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu hàng hoá của mình cho nhà phân phối để nhận tiền. Nhà phân phối mua hàng hoá với tư cách là khách hàng của nhà sản xuất để bán lại cho người tiêu dùng. Sau khi thực hiện việc mua bán hàng hoá với nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá, nhà phân phối trở thành chủ sở hữu hợp pháp của hàng hoá, được toàn quyền định đoạt số phận của hàng hoá, tự gánh chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. 

    Hai là: Trong hợp đồng đại lý thương mại, bên giao đại lý có quyền ấn định giá bán hàng hoá, ấn định giá cung ứng dịch vụ và bên đại lý bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ phải bán hàng hay cung ứng dịch vụ theo đúng giá mà bên giao đại lý đã quy định. Nhưng trong hợp đồng phân phối hàng hoá, nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá không được quyền ấn định giá bán hàng hoá cho nhà phân phối. Nhà phân phối là chủ sở hữu của hàng hoá, có quyền bán lại hàng hoá cho khách hàng với mức giá không phụ thuộc ý chí của nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá.

    Ba là: Quan hệ phân phối hàng hoá với tính chất là một quan hệ “mua đứt, bán đoạn, nhà phân phối không có trách nhiệm phải tuân thủ những chỉ dẫn của nhà cung ứng liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá cho khách hàng của mình. Còn trong quan hệ đại lý thương mại, bên đại lý có trách nhiệm phải tuân thủ những chỉ dẫn của bên giao đại lý khi thực hiện hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ. 

    – Hợp đồng đại lý thương mại cũng khác với hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá, mặc dù trong cả hai loại hợp đồng này, thương nhân làm đại lý hoặc thương nhân nhận uỷ thác đều thực hiện việc mua bán hàng hoá cho khách hàng bằng danh nghĩa của mình để được hưởng thù lao dịch vụ. Giữa hai loại hợp đồng này có một số điểm khác biệt sau: 

    Một là, chủ thể của hợp đồng đại lý thương mại, bao gồm bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân; còn chủ thể của hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá, bên uỷ thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân. 

    Hai là, bên đại lý thương mại được tự do hơn bên nhận uỷ thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng. Bên nhận uỷ thác khi thực hiện mua bán hàng hoá cho bên uỷ thác phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bên uỷ thác, trong đó có cả việc chỉ định khách hàng mà bên nhận uỷ thác phải giao kết hợp đồng. Còn bên đại lý trong hợp đồng đại lý thương mại được tự do trong việc tìm kiếm, giao kết hợp đồng với bên thứ ba mà không phải chịu sự kiểm soát của bên giao đại lý. 

    Ba là, quan hệ uỷ thác mua bán hàng hoá thường mang tính vụ việc, đơn lẻ còn quan hệ đại lý thương mại thường là quá trình hợp tác lâu dài giữa bên đại lý và bên giao đại lý, được thể hiện bằng việc bên đại lý thường làm đại lý cho bên giao đại lý trong một thời gian nhất định. Vì vậy, bên đại lý có sự gắn bó với bên giao đại lý hơn so với quan hệ của bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác. 

    Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *