Khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước ra đời khá sớm và luôn được xác định đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vậy doanh nghiệp nhà nước là gì?
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước ra đời khá sớm và luôn được xác định đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vậy doanh nghiệp nhà nước là gì?
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Theo nhà kinh tế học người Mỹ Paul Samuelson – người đã đạt giải Nobel về kinh tế, ông cho rằng nền kinh tế hiện đại muốn phát triển phải dựa vào cơ chế thị trường và phải có sự can thiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên, sự can thiệp không chỉ thể hiện qua những mệnh lệnh hành chính, qua việc quản lý vĩ mô nền kinh tế mà Nhà nước phải là một thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, Nhà nước phải tham gia một số lĩnh vực sản xuất thông qua các doanh nghiệp nhà nước.
Lý do của việc nhà nước sở hữu doanh nghiệp thương mại rất khác nhau giữa các quốc gia và thường bao gồm sự pha trộn giữa lợi ích xã hội, kinh tế và chiến lược, ví dụ bao gồm chính sách phát triển ngành nghề, vùng miền, đảm bảo cung cấp dịch vụ công và sự tồn tại của cái gọi là độc quyền “tự nhiên”. Do đó, hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới đều có sự tồn tại của kinh tế Nhà nước mà cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước cũng như tiêu chí xác định khái niệm doanh nghiệp nhà nước không hoàn toàn giống nhau giữa các nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước ra đời khá sớm và luôn được xác định đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, trong từng giai đoạn khác nhau, quan điểm về doanh nghiệp nhà nước cũng có những thay đổi nhất định, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước lần đầu được quy định tại Sắc lệnh số 104-SL ngày 01/01/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với tên gọi doanh nghiệp quốc gia – là doanh nghiệp thuộc sở hữu của quốc gia và do quốc gia điều khiển.
Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” được sử dụng chính thức trong Nghị định 388/HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước. Theo Nghị định này, doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh doanh do Nhà nước thành lập, đầu tư vốn và quản lý với tư cách chủ sở hữu (Điều 1 Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước). Cách quy định này tương tự với quan niệm về doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995).
Năm 2003, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra quan điểm mới về doanh nghiệp nhà nước. Theo Điều 1 luật này, doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối. Cách hiểu trên vẫn tồn tại trong một thời gian dài, ngay cả khi Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003) hết hiệu lực.
Năm 2005 đánh dấu mốc quan trọng trong tư duy về doanh nghiệp nhà nước. Lần đầu tiên doanh nghiệp nhà nước không được quy định trong một văn bản luật riêng mà được quy định chung trong Luật Doanh nghiệp, điều này không chỉ làm cho doanh nghiệp nhà nước trở nên bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước mà còn thể hiện sự không phân biệt đối xử của Nhà nước giữa các thành phần kinh tế.
Luật Doanh nghiệp (2005) vẫn giữ nguyên cách tiếp cận về doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp (2003) khi quy định “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” (khoản 22 Điều 4).
Sau gần mười năm thi hành, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như không rõ ràng về tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, chưa có quy định riêng về chế độ công khai thông tin tại doanh nghiệp nhà nước,… Luật Doanh nghiệp 2014 thay thế đã có những quy định cụ thể hơn.
Thay vì quy định Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ như trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2014 khẳng định “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014). Thực tế, quan niệm trên về doanh nghiệp nhà nước không phải là quan niệm mới mà đã từng tồn tại ở nước ta trước đây (trước thời điểm Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 có hiệu lực).
Cách xác định tiêu chí “nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không hoàn toàn tương đồng với pháp luật các nước nhưng với quy định như trên, số lượng và phạm vi hoạt động doanh nghiệp nhà nước trên thực tế sẽ giảm đáng kể; đồng thời, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động độc lập, chỉ chịu sự tác động của quy Luật Kinh tế thị trường mà không phụ thuộc các mệnh lệnh hành chính.
Chính vì lẽ đó, Luật Doanh nghiệp (2014) được đánh giá là “thay đổi lớn về tư duy lập chính sách” bởi Nhà nước chấp nhận về sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, chấp nhận hạn chế lại quy mô và phạm vi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước”
Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, “doanh nghiệp” được hiểu là “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Bởi vì doanh nghiệp nhà nước mang những đặc điểm của doanh nghiệp nói chung nên doanh nghiệp nhà nước hoạt động cũng vì mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận không phải lý do duy nhất để thành lập các doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước không đầu tư ồ ạt hay tràn lan vào mọi lĩnh vực mà chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, viễn thông, hàng không… ví dụ như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành nghề quan trọng hoặc những ngành nghề, khu vực mà tư nhân không đầu tư, do đó ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành một công cụ thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước, ổn định thị trường và giải quyết những vấn đề xã hội.
Bên cạnh những đặc điểm chung của doanh nghiệp như thành lập hợp pháp, có tài sản riêng, thực hiện hoạt động kinh doanh,… pháp luật hiện hành cũng quy định những đặc điểm cơ bản khác để nhận diện doanh nghiệp nhà nước.
– Về chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước. Đây cũng là đặc điểm đặc trưng nhất để nhận diện doanh nghiệp nhà nước. Do sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nên Nhà nước có toàn quyền quyết định với mọi hoạt động của doanh nghiệp như vấn đề hoạt động, chiến lược kinh doanh hay việc tổ chức quản lý và các quyết định khác của doanh nghiệp.
Lúc này, Nhà nước sẽ đóng đồng thời hai vai trò: vừa là chủ sở hữu duy nhất tại doanh nghiệp, vừa là cơ quan quản lý vĩ mô toàn bộ nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước.
Do đó việc tách bạch hoàn toàn giữa chức năng sở hữu và trách nhiệm điều tiết thị trường là điều kiện tiên quyết để bảo đảm môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Bởi vậy trong doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước không trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp mà quyền sở hữu của Nhà nước được thực hiện thông qua những cơ quan đại diện chủ sở hữu.
– Về hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Trước thời điểm Luật Doanh nghiệp (2014) có hiệu lực, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có thể tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần; số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm đáng kể với những lĩnh vực hoạt động đa dạng. Khi
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chỉ được tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu. Với những quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập như tỷ lệ vốn, ngành nghề kinh doanh,… dẫn đến số lượng doanh nghiệp nhà nước không nhiều và chỉ được tồn tại với tự cách là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ.
Ví dụ như trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam – là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, là công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hoặc doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập, ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam, Công ty sổ xố điện toán,…
– Tư cách pháp lý và trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, theo khoản 2 Điều 73 Luật Doanh nghiệp (2014) quy định “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, do đó, doanh nghiệp nhà nước cũng có tư cách pháp nhân.
Doanh nghiệp nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh độc lập, tham gia vào các giao dịch, chịu trách nhiệm riêng bằng tài sản của doanh nghiệp (bao gồm tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước).
Do có tư cách pháp nhân, khi tham gia thực hiện các giao dịch, doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng giống như chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác, nhà nước – với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn Nhà nước cam kết góp vào doanh nghiệp.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc