Hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên
Hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên
- 1. Thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên trực tiếp
- 1.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
- 1.2. Cơ quan nộp hồ sơ
- 2. Thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên online
- 3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
- 3.2. Hướng dẫn các bước thực hiện
- 3. Sinh viên phải đăng ký tạm trú khi nào?
- 4. Sinh viên viên hay chủ trọ phải đăng ký tạm trú?
- 5. Sinh viên không đăng ký tạm trú có sao không?
1. Thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên trực tiếp
Căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Cư trú, thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên thực hiện như sau.
1.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
Hồ sơ đăng ký tạm trú cho sinh viên bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Cụ thể, Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP đã chỉ ra một số tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như:
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở;
- Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
1.2. Cơ quan nộp hồ sơ
Sinh viên nộp hồ sơ đăng ký tạm trú trực tiếp tại Công an cấp xã nơi dự kiến tạm trú.
1.3. Thời gian giải quyết
Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú, thời hạn tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú.
Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản, trong đó có nêu rõ lý do.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên online
3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
Tương tự như thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú trực tiếp.
3.2. Hướng dẫn các bước thực hiện
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/
Đăng nhập bằng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia sau đó chọn mục Tạm trú để thực hiện thủ tục.
Trường hợp sinh viên chưa có tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia, tham khảo bài viết: Cách đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để được hướng dẫn đăng ký.
Bước 2: Khai báo thông tin theo hướng dẫn
Sau khi điền đầy đủ thông tin và tải lên giấy tờ, tài liệu đính kèm thì gửi hồ sơ để hoàn thành.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết
Sau khi gửi hồ sơ đi, người dân cũng cần đợi giải quyết thủ tục trong 03 ngày làm việc.
Nếu được yêu cầu đến trực tiếp để xuất trình các giấy tờ bản chính, người dân cần chấp hành để được đăng ký tạm trú.
3. Sinh viên phải đăng ký tạm trú khi nào?
Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú quy định:
Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Như vậy, sinh viên khi chuyển đến địa phương khác nơi thường trú sinh sống, học tập từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú.
4. Sinh viên viên hay chủ nhà trọ phải đăng ký tạm trú?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú, sinh viên thuê trọ là bên có nghĩa vụ khai báo, đăng ký tạm trú.
Riêng với trường hợp sinh viên là người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam thì người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú cho bên thuê nhà người nước ngoài theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
5. Sinh viên không đăng ký tạm trú có sao không?
Sinh viên đi thuê trọ hoặc ở nhà nhà người thân, nếu đủ điều kiện đăng ký tạm trú nhưng không thực hiện có thể bị phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
Người không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới (chuyển chỗ trọ mới…), đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú thì cũng bị phạt từ 01 – 02 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trên đây là hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú cho sinh viên. Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.