Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm hợp đồng thương mại?
Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm hợp đồng thương mại? sẽ được chúng tôi tư vấn trong nội dung bài viết sau đây.
Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm hợp đồng thương mại?
Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm hợp đồng thương mại? sẽ được chúng tôi tư vấn trong nội dung bài viết sau đây.
Hợp đồng và hợp đồng thương mại
Hợp đồng nói chung, trong đó có hợp đồng trong thương mạivà hợp đồng đầu tư nói riêng (sau đây gọi chung là hợp đồng thương mại) chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trong khoa học pháp lý và ngay cả trong tư duy con người. Hợp đồng cho phép chúng ta dự kiến nhiều hoạt động, kể cả những hoạt động mạo hiểm như đầu tư trong một tương lai không xác định.
Vì vậy, hợp đồng là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm trong khoa học pháp lý ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam; các nhà nghiên cứu về luật nói chung và các nhà làm luật nói riêng đều có xu hướng muốn tìm hiểu và hoàn thiện mảng pháp luật này nhằm bảo vệ thoả đáng lợi ích của các nhà đầu tư trong quan hệ hợp đồng. Luật về hợp đồng thương mại có thể được coi là “cẩm nang” cho các doanh nghiệp trong một thế giới cạnh tranh công bằng và tìm kiếm cơ hội.
Trước đây, khái niệm hợp đồng kinh tế được quy định tại Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, theo đó: “Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình. Việc nhận diện hợp đồng kinh tế là cơ sở pháp lý để phân biệt giữa hợp đồng kinh tế với các hợp đồng khác, đặc biệt là hợp đồng dân sự về chủ thể, về lĩnh vực ký kết và về mục đích của các bên tham gia hợp đồng.
Tuy nhiên, khái niệm hợp đồng kinh tế không được ghi nhận tại Luật Thương mại năm 1997. Luật Thương mại năm 1997 cũng không đưa ra khái niệm hợp đồng thương mại mà chỉ đề cập đến khái niệm về hoạt động thương mại. Theo đó, hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của thương nhân, bao gồm việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục đích lợi nhuận hoặc nhằm thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội.
Đây là một khái niệm mang tính “liệt kế” để xác định nội hàm của hoạt động thương mại một cách khá hẹp, chỉ bao gồm ba hoạt động: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại. Khái niệm trên không phản ánh hết nội dung và phạm vi của hoạt động thương mại. Thực tế, có nhiều hoạt động đã diễn ra trong đời sống thương mại nhưng không được xác định là hoạt động thương mại. Đồng thời, tinh thần của điều luật tại Luật Thương mại năm 1997 về hoạt động thương mại cũng thể hiện sự không tương thích với quy định của pháp luật quốc tế về hoạt động thương mại. Khắc phục những hạn chế đó về nội dung và hình thức của hoạt động thương mại, Luật Thương mại năm 2005 đã có cách tiếp cận “thông thoáng” hơn trong việc mở rộng phạm vi hoạt động thương mại và căn cứ xác định bản chất pháp lý của hoạt động thương mại. Theo đó, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Việc tham gia vào các lĩnh vực trong hoạt động thương mại của các chủ thể được thực hiện thông qua các giao dịch. Hình thức pháp lý của các giao dịch trong hoạt động thương mại là các hợp đồng thương mại. Và vì vậy, tùy thuộc vào các lĩnh vực trong hoạt động thương mại, các chủ thể có thể xác lập những hợp đồng ở các lĩnh vực đó, như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư hay hợp đồng dịch vụ,… Một điều đáng tiếc là hiện nay, pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại chưa đưa ra được một khái niệm chung nhất về hợp đồng thương mại.
Trong tương lai gần, khi sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 chúng ta có thể đưa ra được khái niệm về hợp đồng thương mại. Việc đưa ra khái niệm chung về hợp đồng thương mại là cơ sở pháp lý quan trọng để nhận diện hợp đồng trên các phương diện giữa cái chung và cái riêng; giữa nội dung và hình thức của hợp đồng thương mại. Việc nhận diện bản chất pháp lý đó là điều kiện và cơ sở quan trọng để xác định chuẩn sự khác biệt giữa các loại hợp đồng trong đời sống xác hội, hạn chế tối đa những rủi ro pháp lý về điều kiện hiệu lực, về thẩm quyền, về tranh chấp,…
Mặc dù pháp luật thương mại của Việt Nam hiện nay chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về hợp đồng thương mại, tuy nhiên nói đến hợp đồng người ta nghĩ ngay đến sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên nhằm mục đích xác lập, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng thương mại là một hành vi pháp lý, là sự thể hiện ý chí của các bên để làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận bằng các điều khoản hay cam kết trong hợp đồng thương mại.
Hợp đồng thương mại là một trong các loại hành vi pháp lý cơ bản và mang tính phổ biến trong giao dịch của đời sống xã hội, nhất là đối với doanh nghiệp. Từ nhận thức đến ý chí và đi đến hành động của thương nhân trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng là một quá trình mang tính logic và có giá trị to lớn khi đảm bảo rằng mục đích cao nhất trong hợp đồng là lợi nhuận tối ưu của các bên sẽ được thực hiện trên thực tế.
Từ góc độ như vậy, có thể hiểu: Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vị thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện các hoạt động thương mại.
Đặc điểm của hợp đồng trong thương mại và đầu tư
Hợp đồng thương mại có bản chất pháp lý chung của một hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung đó, hợp đồng thương mại sẽ có những điểm khác biệt riêng so với các loại hợp đồng khác. Sự khác biệt thể hiện trên những phương diện từ chủ thể, đối tượng, mục đích đến việc áp dụng cho từng loại hợp đồng trong nước và hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Hợp đồng được xác lập trên cơ sở sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các chủ thể kinh doanh về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại. Hợp đồng thương mại có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất: Về chủ thể thì hợp đồng thương mại được thiết lập chủ yếu giữa các chủ thể là thương nhân. Thương nhân bao gồm các tổ chức, cá nhân với tư cách là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các quy định về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân dự và năng lực hành vi thương mại’. Hợp đồng thương mại có thể cả hai bên có tư cách thương nhân như: hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng đại lý thương mại…; tuy nhiên, cũng có thể chỉ cần một bên có tư cách thương nhân, bên còn lại không phải là thương nhân, ví dụ: hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư như hợp đồng BOT, BTO,.. thì một bên chủ thể bắt buộc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không phải là thương nhân hoặc các hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ bán đấu giá hàng hóa,…thì bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ không nhất thiết phải là thương nhân. Như vậy, thực tế cho thấy có những chủ thể không phải là thương nhân nhưng vẫn có thể trở thành chủ thể của hợp đồng thương mại khi họ lựa chọn Luật Thương mại là căn cứ để ký kết hợp đồng, mục đích của hành vi ký kết có tính chất thương mại hoặc trong những tranh chấp có liên quan đến thương mại.
Thứ hai: Về hình thức của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung của nó dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định. Theo đó, những điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định, hay nói cách khác hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tùy thuộc vào nội dung và tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào uy tín, độ tin cậy lẫn nhau mà các bên có thể lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao kết hợp đồng đối với từng trường hợp cụ thể.
Hình thức hợp đồng có thể do các bên lựa chọn hoặc theo quy định của pháp luật hay theo quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về nguyên tắc chung, hình thức của hợp đồng thương mại do các bên lựa chọn có thể bằng một hình thức nào nó mà các bên cho là phù hợp như: bằng văn bản, bằng lời nói hay hành vi cụ thể”. Trong đó, hình thức văn bản có thể được thay thế bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cao tính chặt chẽ của hợp đồng, lợi ích của các bên và hạn chế những rủi ro có nguy cơ xảy ra, đối với một số hợp đồng, pháp luật quy định hình thức hợp đồng phải thể hiện dưới dạng văn bản; ví dụ như hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa hay hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài. Nguyên tắc về hình thức của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam về cơ bản thể hiện sự tương đồng với pháp luật quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), việc tham khảo những quy định của Công ước này có vị trí rất quan trọng khi các bên thiết lập quan hệ hợp đồng thương mại.
Theo đó, nguyên tắc mà CISG quan tâm đó là việc công nhận nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng, nghĩa là một hợp đồng mua bán hàng hóa không nhất thiết phải bằng văn bản mà có thể được thành lập bằng lời nói, bằng hành vi và có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng. Đây là một điểm khác biệt cơ bản giữa CISG và pháp luật Việt Nam về hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt này không cản trở việc Việt Nam tham gia CISG vì Việt Nam có quyền bảo lưu sự khác biệt đó.
“Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 đã quy định: “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc xác lập
bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hảo mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”. Điều 11 CISG.
Thứ ba: Về đối tượng của hợp đồng. Đối tượng hợp đồng thương mại có thể và không chỉ bao gồm là hàng hóa hay công việc mà các bên thực hiện tùy thuộc vào từng loại hợp đồng. Đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa hay công việc thực hiện trên thị trường phải hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo hộ. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng thương mại là những sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của con người. Hàng hóa có thể thể hiện ở các phương diện hữu hình hay vô hình như bất động sản, động sản, các quyền về tài sản, tài sản hình thành trong tương lại,…
Đối với các loại hợp đồng thương mại dịch vụ như hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng dịch vụ pháp lý thì đối tượng của hợp đồng là công việc mà các bên thỏa thuận, thống nhất để thực hiện trong hợp đồng. Một vấn đề cân được các bên quan tâm trong hợp đồng thương mại, đó là: trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng các bên có thể thay đổi đối tượng của hợp đồng hay không và việc thay đổi đó phải đáp ứng những quy định như thế nào?
Thứ tư: Mục đích của hợp đồng. Mục đích của hợp đồng mà các chủ thể hướng tới là sinh lợi. Sinh lợi ở đây được ghi nhận rằng: lợi nhuận mà các bên có thể đạt được không chỉ về vật chất, tài sản mà còn bao gồm cả những lợi ích phi tài sản như uy tín, thương hiệu doanh nghiệp hay niềm tin của khách hàng. Vụ Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã chi hơn 36 tỷ đồng để mời Nick Vujicic (chàng trai khuyết tật có nghị lực sống phi thường) về Việt Nam diễn thuyết đã minh chứng cho điều này. Đây cũng cũng có thể được coi là một hoạt động thương mại của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, tuy không thu được nhiều lợi nhuận những lợi ích từ việc mời Nick Vujicic là rất lớn, đó là sự tăng vọt về giá cổ phiếu so với trước khi chưa mời Nick Vujicic sang Việt Nam, sự quảng bá rộng lớn về thương hiệu”.
Mục đích của các bên trong hợp đồng thương mại là kinh doanh, lợi nhuận. Về nguyên tắc, mục đích lợi nhuận mà cả hai bên hướng tới hoặc ít nhất một bên phải có mục đích lợi nhuận, trong hợp đồng luật lựa chọn là Luật Thương mại. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng: pháp luật có thể xác định một số trường hợp thì hợp đồng được ký kết mà cả hai bên không phải là thương nhân nhưng vẫn có thể xác định đây là những giao dịch trong hoạt động thương mại vì xét về mục đích có tính chất sinh lợi và nếu tranh chấp xảy ra vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay Trọng tài; ví dụ: hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên công ty.
Thứ năm: Nội dung của hợp đồng. Nội dung của hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận, thống nhất hay cam kết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Thỏa thuận đó có thể bằng các điều khoản trong hợp đồng chính (hợp đồng ban đầu) hoặc điều khoản bổ sung tại hợp đồng phụ, phụ lục hợp đồng. Luật về hợp đồng thương mại không quy định cụ thể các loại điều khoản trong hợp đồng.
Điều này có thể nhằm đảm bảo phát huy tối đa quyền tự do lựa chọn hoặc tính “năng động của các bên trong quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, thông thường điều khoản trong hợp đồng thường gồm các điều khoản cơ bản như: điều khoản về đối tượng, điều khoản về giá cả, chất lượng,… và điều khoản không cơ bản là những điều khoản mà giá trị pháp lý của nó không ảnh hưởng nhiều tới hiệu lực hợp đồng, ví dụ điều khoản nhầm lẫn về trụ sở công ty, số tài khoản,…
Như vậy, luật hợp đồng thương mại không quy định cụ thể từng loại hợp đồng nhưng giá trị pháp lý của từng loại hợp đồng có ảnh hưởng tới hiệu lực hợp đồng. Đây cũng là một điểm khác biệt với các quy định về các điều khoản trong hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự thể hiện ba loại điều khoản khác nhau và sự ảnh hưởng của nó tới hiệu lực của hợp đồng cũng khác nhau. Ví dụ: sự vô hiệu của các điều khoản cơ bản có thể dẫn tới sự vô hiệu toàn bộ hợp đồng. Việc quy định như vậy cũng là một trong yêu cầu để các bên cẩn trọng hơn khi đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc