Hậu sản là gì? Bị hậu sản có được hưởng chế độ gì không?

Hậu sản là gì? Bị hậu sản có được hưởng chế độ gì không?

Vậy hậu sản là gì? Bị hậu sản có được hưởng chế độ gì không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về vấn đề này!
Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. Hậu sản là gì?
  • 2. Các dấu hiệu thường gặp và cách khắc phục hậu sản
  • 2.1 Vấn đề về thể chất
  • 2.2 Vấn đề về tâm lý
  • 3. Có chế độ BHXH dành cho người hậu sản không?
  • 4. Lời kết
Mục lục

    1. Hậu sản là gì?

    Xét về góc độ y học, hậu sản là giai đoạn sau sinh, bắt đầu từ sau khi sinh và kéo dài cho đến khi trở về trạng thái sức khỏe như trước thời kỳ mang thai. Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ cần có thời gian để phục hồi sau quá trình mang thai và sinh nở.

    Hậu sản là gì?
    Hậu sản là gì? (Ảnh minh hoạ)

    Hậu sản thường được chia thành 03 giai đoạn rõ rệt:

    • Giai đoạn đầu sau sinh hoặc cấp tính: 6-12 giờ sau khi sinh.

    • Giai đoạn tiếp theo: kéo dài từ 2 đến 6 tuần đầu tiên. Đây là khoảng thời gian các cơ quan sinh dục dần trở lại bình thường như thời gian trước khi mang thai. Ngoại trừ tuyến vú phát triển để thích nghi với quá trình nuôi con.

    • Giai đoạn hậu sản muộn: có thể kéo dài từ 6 tuần đến 6 tháng.

    Theo thống kê, có từ 87% –  94% phụ nữ có ít nhất một vấn đề về sức khỏe sau khi sinh. Các vấn đề về sức khỏe lâu dài (dai dẳng sau thời kỳ hậu sản muộn) có ảnh hưởng đến 31% phụ nữ.

    2. Các dấu hiệu thường gặp và cách khắc phục hậu sản

    Sau khi sinh con, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ. Việc được chăm sóc đúng cách, sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh về hậu sản. Những dấu hiệu thường gặp đối với phụ nữ bị hậu sản như sau:

    2.1 Vấn đề về thể chất

    Băng huyết

    Băng huyết sau sinh là hiện tượng thường xảy ra sau trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới tử vong của các sản phụ.

    Nếu thấy hiện tượng ra máu liên tục sau khi sinh con kèm theo các triệu chứng: mạch đập nhanh, hạ huyết áp, choáng váng,… cần liên hệ ngay với bác sĩ để được cấp cứu kịp thời. 

    Ra máu âm đạo 

    Sau sinh, tử cung của sản phụ sẽ tiết ra sản dịch. Tuy nhiên, nếu lượng máu ra nhiều bất thường, kéo dài trên một tháng, có màu đen sẫm cần phải tới bệnh viện thăm khám và điều trị. 

    Tắc tia sữa, áp xe vú

    Tắc tia sữa thuộc nhóm bệnh hậu sản sau sinh. Đây là tình trạng sữa nhiều bị tích tụ hoặc không được vắt ra ngoài trong thời gian dài dẫn đến tắc tia sữa. Việc chủ quan với các triệu chứng này và không được xử lý kịp thời khiến sản phụ có nguy cơ bị áp xe.

    Để ngăn ngừa tình trạng trên, sản phụ nên cho con bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra ngoài khi con không bú. Nếu bị áp xe vú, cần đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

    tắc tia sữa
    Tình trạng tắc tia sữa (Ảnh minh hoạ)

    Đau bụng sau sinh

    Nếu đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng như: sốt, buồn nôn, nôn,… thì cần tới bệnh viện ngay.

    đau bụng sau sinh
    Tình trạng đau bụng sau sinh (Ảnh minh hoạ)

    Táo bón

    Táo bón là hiện thường thường xảy ra đối với các sản phụ sau sinh. Việc mắc phải triệu chứng này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người mẹ. Để khắc phục tình trạng trên, phụ nữ sau sinh cần uống nhiều nước ấm, ăn nhiều rau xanh, trái cây và bổ sung các chất xơ.

    Đi tiểu không tự chủ

    Đây là hiện tượng thường xảy ra ở giai đoạn đầu sau sinh hoặc cấp tính do ảnh hưởng của thuốc gây tê và giảm đau. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài kèm triệu chứng tiểu đau, tiểu rát,… gia đình cần đưa sản phụ tới cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

    Tăng hoặc giảm cân mất kiểm soát

    Tăng hoặc giảm cân mất kiểm soát phụ thuộc vào quá trình chăm sóc người mẹ  sau sinh. Việc bổ sung quá nhiều hoặc quá ít chất dinh dưỡng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Do đó, phụ nữ sau sinh cần có chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục.

    Mệt mỏi và thiếu ngủ thường xuyên

    Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến sau sinh do bị mất sức trong quá trình sinh nở. Hiện tượng này xảy ra do sự thay đổi lịch sinh hoạt. Khi được hỗ trợ và có sự quan tâm chăm sóc từ gia đình, sản phụ sẽ cân bằng lại trạng thái và không còn mệt mỏi nữa.

    Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài kèm theo dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.

    2.2 Vấn đề về tâm lý

    Thay đổi tâm trạng

    Thay đổi tâm trạng sau sinh thường là do sự thay đổi nội tiết tố và cuộc sống sau sinh. Nếu tâm trạng không ổn định kéo dài hoặc có kèm theo các triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, giảm hứng thú với cuộc sống,… thì cần được tư vấn tâm lý hoặc điều trị bằng thuốc.

    Lo lắng, căng thẳng

    Sau sinh, phụ nữ thường bị căng thẳng vì không đủ thời gian nghỉ ngơi. Cần sắp xếp thời gian hợp lý, chia sẻ với người thân bạn bè những cảm xúc của mình. Nếu để lo lắng, căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và cuộc sống.

    Mất ngủ

    Đây là tình trạng xảy ra thường xuyên đối với sản phụ sau sinh. Mất ngủ có thể được cải thiện bằng cách tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, các loại trà trước khi ngủ. Nếu mất ngủ kéo dài, cần đưa sản phụ đi gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp cải thiện giấc ngủ.

    mất ngủ sau sinh
    Tình trạng mất ngủ sau sinh (Ảnh minh hoạ)

    Trầm cảm sau sinh

    Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý tâm thần nghiêm trọng và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Bệnh lý này gây nên những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống dẫn tới hành động mất kiểm soát. Trầm cảm sau sinh thường gây những hậu quả xấu nên cần được điều trị kịp thời.

    Nếu có các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, phụ nữ cần đến bệnh viện hoặc tìm tới bác sĩ tâm lý để được khám và điều trị. Gia đình nên có những quan tâm, chia sẻ để giúp cho sản phụ thoải mái về tâm lý.

    3. Có chế độ BHXH dành cho người hậu sản không?

    Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa quy định về chế độ BHXH dành cho người bị hậu sản. Tuy nhiên, để ngăn ngừa hậu sản ngay sau thời gian nghỉ thai sản, trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc, người lao động tiếp tục được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

    Căn cứ tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

    Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày

    chế độ dưỡng sức sau sinh
    Chế độ dưỡng sức sau sinh ngăn ngừa nguy cơ hậu sản (Ảnh minh hoạ)

    Thời gian nghỉ dưỡng sức được tính bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hàng tuần.

    Về thời gian nghỉ dưỡng sức được quy định như sau: 

    • Tối đa 10 ngày nếu lao động nữ sinh một lần từ 02 con trở lên.

    • Tối đa 07 ngày nếu lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

    • Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp còn lại.

    Thời gian được nghỉ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng tuần. 

    Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động nữ có thêm thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Do đó, người lao động sẽ làm đơn xin nghỉ dưỡng sức gửi tới doanh nghiệp

    Sau khi người lao động nghỉ hết chế độ, người sử dụng lao động sẽ lập danh sách nghỉ hưởng theo mẫu 01B-HSB kèm giấy ra viện gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho người lao động.

    Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở.

    Kể từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh áp dụng là: 1.800.000 đồng. Do đó, số tiền nghỉ dưỡng sức một ngày lao động nữ được hưởng bằng: 1.800.000 * 30% = 540.000 đồng.

    4. Lời kết

    Tới đây, chắc hẳn bạn đã hiểu hậu sản là gì? Có chế độ BHXH dành cho người bị hậu sản hay không? Sau sinh là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với các sản phụ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích để có chế độ chăm sóc phù hợp, giúp chị em phụ nữ không bị hậu sản.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *