Gỡ nút thắt nguồn vốn cho công nghiệp hỗ trợ
Bài viết của tanthueviet.com “Gỡ nút thắt nguồn vốn cho công nghiệp hỗ trợ” được đại lý thuế gia lộc chia sẽ lại cho cộng đồng. Mọi người có thể liên hệ trực tiếp bên Tân Thuế Việt nha. Chúc cả nhà may mắn thành công!
(TCT online) – Mặc dù đã và đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn còn rất thiếu và yếu. Theo đó, cùng với những trở ngại về thị trường, nguồn lực, đất đai, công nghệ thì khó khăn về nguồn vốn đang được coi là “nút thắt” chính, kìm hãm sự phát triển ngành CNHT.
Tại diễn đàn “Các giải pháp về nguồn vốn phát triển ngành CNHT” do Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương tổ chức ngày 31/5, ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN cho biết, đến nay mới chỉ có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm khoảng 0,3% DN trên cả nước. Phần nhiều trong số này là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và chi phí hợp lý theo yêu cầu của các đơn đặt hàng.
Về bài toán vốn cho CNHT, theo ông Quang, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tài trợ cho CNHT, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa thông qua thành lập các quỹ để trợ giúp. Theo đó, đến hết năm 2015, đã có khoảng 40 quỹ tài chính các loại được thành lập và hoạt động với nguồn vốn khá đa dạng và có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính, kế toán. Tuy nhiên, do quy định và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các quỹ này đều chỉ được mở tài khoản tại kho bạc vì thế không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng. Trong khi đó, nguồn NSNN được bố trí cho quỹ để thực hiện hỗ trợ theo hình thức cho vay lại phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng. Đây chính là vướng mắc lớn nhất đã và đang hạn chế khả năng tiếp cận và làm mất cơ hội đầu tư của các DN CNHT.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) bổ sung, lý do dư nợ tín dụng CNHT còn chưa nhiều, là vì chính sách phát triển CNHT còn chậm ban hành và nhiều bất cập, trong khi có quá ít dự án CNHT đề nghị vay vốn, đã thế lại thiếu dự án khả thi; chưa kể tài sản thế chấp cũng như thủ tục xác nhận dự án và vay vốn còn rườm rà. Do đó, để khơi thông các giải pháp về vốn, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển ngành CNHT thông qua việc ban hành chương trình phát triển CNHT 2016 – 2025 và sớm thành lập Quỹ phát triển CNHT. Ngoài ra, cần hoàn thiện quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, các cụm công nghiệp để đẩy mạnh liên kết vùng, kết hợp chỉ đạo phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính theo hướng giảm áp lực vốn trung và dài hạn từ hệ thống ngân hàng; tăng các nguồn cung vốn khác từ thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho CNHT.
Đối với các định chế tài chính, cần thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho DN ngành CNHT; tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng và hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, thị trường; đặc biệt là cần phải đơn giản hóa thủ tục vay vốn và nâng cao trình độ nhân viên thẩm định dự án CNHT.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, các DN ngành CNHT cần nghiên cứu kỹ thị trường và chuỗi cung ứng ngành nghề. Đồng thời chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với các DN trong và ngoài nước, nhất là các DN FDI để nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng. “Kinh nghiệm từ Thái Lan, Hàn Quốc đều cho thấy, các DN CNHT, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô chỉ thực sự phát triển và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng khi liên doanh, liên kết được với DN nước ngoài” – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: https://tanthueviet.com/go-nut-that-nguon-von-cho-cong-nghiep-ho-tro.html