Giao dịch dân sự của người chưa thành niên thực hiện thế nào?

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên thực hiện thế nào?

Người chưa thành niên là người thế nào? Giao dịch dân sự của người chưa thành niên sẽ được thực hiện như thế nào? Cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây để nắm rõ các quy định này.
Mục lục

    Người chưa thành niên là ai?

    Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa thành niên được định nghĩa là người chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi.

    Như vậy, người chưa thành niên có bao gồm trẻ em và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đồng nghĩa, trẻ em chắc chắn là người chưa thành niên.

    Ngược lại, theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

    Đồng thời, người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp người thành niên mà bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người thành niên có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

    Hiện nay, việc xác định người chưa thành niên hay thành niên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các thủ tục, giao dịch dân sự.

    Ví dụ: Điều kiện để được đăng ký kết hôn nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Khi đó, cả nam và nữ đều là người đã thành niên, đã nhận thức đầy đủ về việc kết hôn của mình và hoàn toàn tự nguyện, không bị ai can thiệp hay ép buộc… kết hôn. Đồng thời, điều kiện kết hôn cũng khẳng định, nam nữ được phép kết hôn nếu không bị mất năng lực hành vi dân sự.

    Pháp luật quy định thế nào về giao dịch dân sự của người chưa thành niên?
    Pháp luật quy định thế nào về giao dịch dân sự của người chưa thành niên? (Ảnh minh họa)

    Giao dịch dân sự của người chưa thành niên như thế nào?

    Tùy vào từng độ tuổi của người chưa thành niên để xác định giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Cụ thể như sau:

    Với người chưa đủ 6 tuổi

    Giao dịch dân sự của người chưa thành niên trong trường hợp này sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân là con chưa thành niên là cha, mẹ.

    Như vậy, giao dịch dân sự của người chưa thành niên dưới 6 tuổi sẽ do cha, mẹ của người này thực hiện. Tuy nhiên, nếu giao dịch đó được thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó thì sẽ không bị vô hiệu theo quy định của khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015.

    Với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi

    Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ các loại giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi.

    Với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi

    Với đối tượng này, người chưa thành niên từ đủ 15 – 18 tuổi có thể tự mình thực hiện, xác lập giao dịch dân sự trừ các loại giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký và các loại giao dịch khác mà quy định của pháp luật yêu cầu người đại diện phải đồng ý.

    Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch dân sự thì giao dịch dan sự phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

    • Chủ thể có năng lực hành vi dân sự phải phù hợp với các loại giao dịch được xác lập;
    • Việc tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện;
    • Nội dung, mục đích của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
    • Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của loại giao dịch mà người chưa thành niên thực hiện thì giao dịch dân sự này phải đáp ứng điều kiện đó.

    Trên đây là thông tin về giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.