Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật 2024?
Luật Hoàng Phi tư vấn về các Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để Quý vị tham khảo và nắm được qua nội dung bài viết này.
Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật 2024?
Để kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thì công ty, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thuốc bảo vệ thực vật là các chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc là hóa chất tổng hợp được sử dụng để bảo vệ nông sản, cây trồng chống lại sự phá hoại của những côn trùng, sinh vật gây hại đến thực vật.
Nước ta hiện nay vẫn là một nước có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu ngành của cả nước. Do đó để tăng năng suất và ngăn ngừa sâu bệnh thuốc bảo vệ thực vật được người nông dân sử dụng tương đối nhiều. Tuy nhiên không phải tổ chức, cá nhân nào cũng đáp ứng các điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Thuốc bảo vệ thực vật là gì?
Theo khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật thì Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
Thuốc bảo vệ thực vật có nhiều loại khác nhau và có nhiều cách để phân loại khác nhau.
– Phân loại theo đối tượng diệt trừ thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ vi khuẩn, thuốc trừ cỏ dại,…
– Phân loại theo cách xâm nhập của thuốc vào cơ thể dịch hại thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc vị độc (gây độc qua đường tiêu hóa); thuốc tiếp xúc (gây độc qua da, qua vỏ cơ thể),..
– Phân loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn gốc và thành phần hóa học gồm thuốc hóa học vô cơ, thuốc hóa học tổng hợp hữu cơ,…
Thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các dạng như dạng bột thấm nước, thuốc bột, thuốc dạng hạt, thuốc dạng dung dịch, thuốc dạng bột tan trong nước, thuốc dạng phun,…
Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng đúng thuốc bởi vì mỗi loại thuốc chỉ trừ được một số dịch hại nhất định, sử dụng đúng lúc, sử dụng đúng liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn sử dụng, sử dụng đúng cách và trang bị đồ bảo hộ.
Thuốc bảo vệ thực vật là những chất độc hại có khả năng gây độc cho con người và gia súc do vậy cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh thì cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
>>>>> Tham khảo: Thành lập Công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là những yêu cầu bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức khi thực hiện kinh doanh sản phẩm này.
Theo Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về Điều kiện Đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì:
Thứ nhất: Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 61 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết sau:
1. Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học, nông học; người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật.
2. Nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải được bố trí trong khu công nghiệp và đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.
3. Thiết bị, dây chuyền sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng quy trình, công nghệ sản xuất và đạt yêu cầu về an toàn theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.
4. Hệ thống xử lý chất thải rắn, khí thải, nước thải phải đáp ứng quy định pháp luật và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ; QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.
5. Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trường hợp không có phòng thử nghiệm thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với phòng thử nghiệm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
6. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương do các tổ chức chứng nhận đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp cấp.”
Thứ hai: Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết sau:
1. Người trực tiếp quản lý, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, hóa học, sinh học, nông học hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
2. Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tách biệt với khu vực dịch vụ ăn uống, trường học, bệnh viện; khi xây dựng phải cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m.
3. Kho thuốc bảo vệ thực vật
a) Đối với cơ sở bán buôn, kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
b) Đối với cơ sở bán lẻ, kho thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m và có kệ kê hàng cao tối thiểu 10 cm so với mặt sàn, cách tường tối thiểu 20 cm.
Quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định rõ ràng tại Điều 64 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;
c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;
b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;
c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;
d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;
e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;
i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;
k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;
l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trình tự xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Bước 1:Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định;
– Giấy phép khảo nghiệm đã được cấp (bản chụp);
– Mẫu của nhãn thuốc theo quy định;
– Bản chính của kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học, kết quả khảo nghiệm xác định thời gian cách ly và bản báo cáo tổng hợp kết quả khảo nghiệm theo mẫu.
Bước 2: Thời gian giải quyết hồ sơ
– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ gồm một bản giấy và một bản điện tử định dạng word hoặc định dạng excel hoặc power point đối với mẫu nhãn thuốc đăng ký.
– Trong thời gian là 06 tháng kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì Cục bảo vệ thực vật sẽ tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa thuốc bảo vệ thực vật vào trong danh mục và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
– Nếu không cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật thì Cục bảo vệ thực vật phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân trong đó có nêu rõ lý do không cấp.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Hoàng Phi về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có vấn đề khó khăn hoặc có những vướng mắc cần giải đáp quý khách vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số 0981.378.999 để được tư vấn chi tiết hơn.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc