ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TÁC ĐỘNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU – THỰC TRẠNG VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO BÌNH DƯƠNG

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TÁC ĐỘNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU – THỰC TRẠNG VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO BÌNH DƯƠNG

 

Bình Dương được biết đến luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI trên cả nước (đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh). Trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), tập đoàn lớn toàn cầu và các tập đoàn lớn của Việt Nam đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do đó, mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% không chỉ ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp chịu tác động mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đòi hỏi chính sách thu hút đầu tư cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chiến lược mới.

 Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC)

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (ước tính 19,9 nghìn tỷ VND) trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Quy tắc thuế TTTC

(1)Quy tắc tổng hợp thu nhập tối thiểu chịu thuế (Income Iclusion Rule – IIR), quy định việc cho phép quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở được đánh thuế đối với thu nhập của các công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%. Khi đó, các công ty con tạo ra lợi nhuận công ty mẹ là chủ thể phải nộp thuế bổ sung thay cho công ty con đang hoạt động tại quốc gia khác nếu trong kì tính thuế , mức thuế áp dụng cho một công ty con thấp hơn 15%. Mức thuế suất bổ sung là chênh lệch giữa mức thuế suất TTTC và mức thuế suất thực tế của công ty con.

(2)Quy tắc thanh toán khi lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule – UTPR), quy định trong trường hợp quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở không áp dụng quy tắc IIR, thì quốc gia nơi công ty con thuộc tập đoàn đa quốc gia sẽ có quyền đánh thuế công ty con này đối với thu nhập của các công ty chi nhánh ở các quốc gia khác đang chịu mức thuế tối thiểu 15%. Công ty con bị đánh thuế này được gọi là công ty mẹ trung gian.

(3)Quy tắc thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (The Subject to Tax Rule – STTR), quy định khi các doanh nghiệp xuất hiện các khoản thu nhập phát sinh từ lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác phát sinh cho phép quốc gia nguồn nơi phát sinh thu nhập nêu trên được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với khoản thanh toán cho bên liên kết chịu thuế ở mức dưới 9%.

(4)Quy tắc thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top – up Tax – QDMTT), quy định các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn 15% được quyền ban hành quy định pháp luật để thu thuế bổ sung theo quy định QDMTT. Việc ban hành các quy định này phải đảm bảo “đạt tiêu chuẩn” theo hướng dẫn của OECD. QDMTT thường dành cho nước nhận đầu tư, được quyền ưu tiên thu thuế trước

Tại sao lại có mức thuế suất tối thiểu toàn cầu?

Từ trước đến nay, thuế doanh nghiệp luôn tồn tại một tình trạng phổ biến về cách đóng thuế của các công ty đa quốc gia. Các quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến hoạt động kinh tế bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế.

Để thu hút FDI, các quốc gia mở cửa thị trường, nhưng do các đối thủ cạnh tranh quốc tế nên họ muốn nới lỏng các quy định đầu tư, bao gồm cả thuế suất. Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua xuống đáy không thể tránh khỏi khi các quốc gia cắt giảm thuế ngày càng nhiều để duy trì một lựa chọn khả thi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi các công ty/nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại quốc gia nước ngoài, họ đã không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một cách công bằng, và từ đó tạo nên gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp địa phương.

Ngày càng có nhiều Chính phủ áp dụng chế độ thuế tối thiểu (GMT) như một phương tiện duy trì cơ sở thuế quốc gia. Giải pháp này đã được áp dụng từ những năm 1960, và được áp dụng theo cách đánh thuế các doanh nghiệp dựa trên nguồn thu nhập được tạo ra từ các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong lãnh thổ của họ. Mục đích của giải pháp này là để ngăn chặn sự xói mòn cơ sở thuế do việc sử dụng quá mức ưu đãi thuế (dưới dạng các khoản tín dụng, khoản khấu trừ, khoản miễn trừ, khoản trợ cấp, …).

Bằng cách thiết lập một mức thuế tối thiểu của doanh nghiệp, các chính phủ đảm bảo một mức sàn đối với sự đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách công, kết thúc cuộc đua xuống đáy của các quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài bằng chính sách thuế.

 

Thực trạng tại Bình Dương

Do chính sách ưu đãi thuế là một trong những công cụ hữu hiệu để thu hút vốn đầu tư FDI, như chính sách miễn thuế TNDN 2 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo khi đầu tư dự án mới tại Khu công nghiệp, chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao,… Vì vậy, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút nguồn vốn FDI tại Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của các Tập đoàn lớn trên thế giới. Đây là những doanh nghiệp đóng góp phát triển ngành công nghiệp tại Bình Dương.

Hiện nay tại Bình Dương có 39 dự án đầu tư có vốn đầu tư đăng kí từ 100 triệu USD trở lên, đặc biệt có 04 dự án có số vốn đầu tư đăng kí từ 1 tỷ USD. Đây là các dự án có khả năng chịu ảnh hưởng từ việc áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đã nêu trên.

Dù các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng chung của thuế suất tối thiểu toàn cầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương không nhiều, tuy nhiên, mức thuế suất toàn cầu đang thay đổi chiến lược đầu tư và tạo thành làn sóng chung của các Quốc gia đi đầu tư. Bình Dương tiên phong chủ động có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp, tăng hiệu quả lao động, các cơ chế chính sách về chỗ ở cho công nhân viên…. trong bối cảnh thuế suất toàn cầu, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2024, thể hiện vị thế chủ động hội nhập toàn cầu của Bình Dương trong bản đồ thu hút đầu tư Việt Nam.

Một số khuyến nghị nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư FDI vào Bình Dương sau khi áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu

Ngoài chính sách ưu đãi thuế, còn nhiều yếu tố có ảnh hưởng lớn tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương như: tình hình ổn định kinh tế, môi trường chính trị, an ninh, điều kiện tự nhiên của địa phương; quy hoạch phát triển và cơ chế phát triển của địa phương; kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội của địa phương; chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; chất lượng dịch vụ công, môi trường sống và làm việc cho các nhà đầu tư; liên kết vùng….

Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh trong việc thu hút vốn đầu tư FDI, chúng ta cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư như:

Thứ nhất, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp, trong đó đảm bảo môi trường chính trị, an ninh ổn định; xây dựng Bình Dương thành địa phương có nền kinh tế ổn định, quá đó tạo một môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi thực hiện các dự án FDI nhu cầu đối với nhân lực là tất yếu. Do đó, cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cần nhấn mạnh cụm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc chú trọng tăng cường kỹ năng và đào tạo năng lực thực hành. Việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực sẽ góp phần giảm đi các chi phí “ngầm” mà các nhà đầu tư phải gánh chịu như chi phí đào tạo, chi phí tuyển dụng … Do đó, việc sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ góp phần nâng cao khả năng thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm… giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ tư, đảm bảo, nâng cao hơn nữa về kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương tiếp nhận đầu tư là một trong những yếu tố cơ bản để thu hút nguồn vốn FDI và cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động FDI phát triển, các yếu tố này có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, để nâng cao khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bình Dương cần phải phải đảm bảo cho hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi thông qua việc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhà ga, hệ thống điện, nước, hệ thống thông tin, liên lạc trước khi tiếp nhận đầu tư.

Thứ năm, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; nắm tình hình, diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; ban hành “Sổ tay hướng dẫn đầu tư năm 2023” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chú trọng thu hút vốn “đầu tư xanh”, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững từ những doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn toàn cầu và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong bối cảnh thời điểm triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu đang cận kề, chiến lược thu hút đầu tư của các quốc gia và địa phương đều phải có những định hướng và giải pháp bền vững. Trong quý 4 năm nay, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ dữ liệu – Viện Quản trị Chính sách tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư năm 2023 – Chiến lược phát triển FDI Bình Dương bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu nhằm nâng cao hình ảnh năng lực cạnh tranh của Bình Dương trong tổng thể chiến lược phát triển Quốc gia và thích ứng với tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu, tăng cường thu hút nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước.

Mai Hương

Nguồn:

1. Kinh tế và dự báo, ấn phẩn số 23, tháng 8/2023: Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị cho Việt Nam;

2. Viện quản trị chính sách và chiến lược phát triển: Báo cáo tổng hợp Đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3824817 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]

Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *