CSGT có được kiểm tra CCCD của người vi phạm?

CSGT có được kiểm tra CCCD của người vi phạm?

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thường yêu cầu người dân phải xuất trình Căn cước công dân (CCCD) trong những đợt ra quân tuần tra, kiểm soát. Vậy theo quy định của pháp luật, lực lượng CSGT có quyền này hay không?

Mục lục

    CSGT có được kiểm tra CCCC của người vi phạm không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT có quyền kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát.

    Hiện nay, giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam gồm 03 loại là Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu và thẻ CCCD.

    Như vậy, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát có quyền kiểm tra CCCD của người lái xe, người ngồi trên xe. Vì thế, đương nhiên lực lượng này có quyền yêu cầu người vi phạm xuất trình CCCD.

    Ngoài giấy tờ tùy thân, CSGT còn kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32 bao gồm:

    • Giấy phép lái xe;

    • Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

    • Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);

    • Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);

    • Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.

    Người dân có thể xuất trình thông tin của các giấy tờ trên trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

    CSGT có được kiểm tra CCCD của người vi phạm?
    CSGT có được kiểm tra CCCD của người vi phạm? (Ảnh minh họa)

     

    Không xuất trình được CCCD, giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu?

    Mức phạt lỗi không có CCCD

    Theo quy định của pháp luật, công dân có nghĩa vụ xuất trình giấy tờ nhân thân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

    Người không xuất trình được CCCD khi được yêu cầu kiểm tra có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

    Mức phạt lỗi không có đăng ký xe

    – Đối với ô tô: Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP;

    – Đối với xe máy: Phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

    Mức phạt lỗi không có Giấy chứng nhận kiểm định xe ô tô

    Phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

    Mức phạt lỗi không có Giấy phép lái xe

    – Đối với xe ô tô: Bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng.

    – Đối với xe máy:

    • Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi dưới 175 cm3;

    • Phạt tiền từ 04 – 05 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

    Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

    Mức phạt lỗi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:

    • Ô tô: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng;

    • Xe máy: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.

    Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

    Trên đây là thông tin về: CSGT có được kiểm tra CCCD của người vi phạm? Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *