Công chứng passport ở đâu? Cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Công chứng passport ở đâu? Cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Công chứng passport ở đâu?
Hộ chiếu hay passport là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước cấp cho công dân Việt Nam dùng để xuất nhập cảnh hoặc chứng minh quốc tịch và nhân thân (căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019).
Theo điểm c khoản 1 Điều 2 mẫu hộ chiếu tại Thông tư 73/2021/TT-BCA, mẫu hộ chiếu được sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, giấy tờ này do Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an – cơ quan của Việt Nam cấp.
Đồng thời, theo Công văn số 3086/HTQTCT-CT ngày 13/6/2014, những văn bản, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp có xen tiếng nước ngoài nhưng không thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ thì có thể chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thuận tiện nhất.
Do đó, câu trả lời cho câu hỏi chứng thực hộ chiếu hay thường được người dân gọi là công chứng passport ở đâu, là các cơ quan sau đây:
– Phòng Tư pháp cấp huyện (gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
– Uỷ ban nhân dân cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn).
– Cơ quan đại diện (gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài).
– Tổ chức hành nghề công chứng (gồm hai tổ chức là phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng).
Lưu ý: Người yêu cầu công chứng có thể lựa chọn công chứng tại một trong các cơ quan nêu trên tại địa phương thuận tiện nhất cho mình.
(căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)
Cần chuẩn bị gì để công chứng passport?
Sau khi đã xác định công chứng passport ở đâu, người yêu cầu cần mang đến một trong các cơ quan, tổ chức nêu tại Điều 5 Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ các loại giấy tờ sau đây:
– Bản chính passport. Trong đó, passport này phải không bj tẩy xoá, sửa chữa, thêm/bớt nội dung không hợp lệ; không bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung; không bị đóng dấu mật/ghi không được sao chụp…
– Bản photo (nếu có). Trong đó, người yêu cầu công chứng chỉ cần mang theo bản photo nếu cơ quan có thẩm quyền chứng thực passport không có đủ điều kiện, phương tiện để thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính.
Khi đến chứng thực, thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính gồm các bước sau đây:
Bước 1: Người có thẩm quyền chứng thực của các tổ chức, cơ quan nêu trên kiểm tra, đối chiếu hoặc thực hiện sao chụp, photo bản chính để xác định nội dung bản sao và nội dung bản chính là trùng khớp với nhau.
Bước 2: Người có thẩm quyền thực ký tên, đóng dấu, ghi số chứng thực vào bản sao và sổ chứng thực.
Bước 3: Trả lại bản chính cùng bản sao passport đã chứng thực cho người yêu cầu. Đồng thời, thực hiện việc thu lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính passport.
Số tiền lệ phí chứng thực mà người yêu cầu chứng thực passport cần phải nộp cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được quy định tại Thông tư 226/2016/TT-BTC hoặc Thông tư số 264/2016/TT-BTC tuỳ vào việc chứng thực tại cơ quan, tổ chức nào.
Cụ thể:
Tên thủ tục chứng thực |
Cơ quan thực hiện |
Mức thu phí |
Chứng thực bản sao từ bản chính passport |
– Uỷ ban nhân dân cấp xã – Phòng Tư pháp cấp huyện – Phòng/Văn phòng công chứng |
2.000 đồng/trang; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. (Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC) |
Tại cơ quan đại diện |
10 USD/bản (Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư số 264/2016/TT-BTC) |
Trên đây là giải đáp thắc mắc: Công chứng passport ở đâu? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tại số tổng đài 19006192 .