Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở tỉnh Bình Dương – Một số thành tựu và giải pháp giảm nghèo bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở tỉnh Bình Dương – Một số thành tựu và giải pháp giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, Bình Dương là một trong những điểm sáng của cả nước thực hiện thành công về công tác giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo ở Bình Dương đã thực sự đi vào lòng dân, nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng từ các chủ trương chính sách mới của tỉnh và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Đây là thành quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai.
Theo thống kê, đầu năm 2024, toàn tỉnh có 5.499 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,37%. Trong năm 2024, toàn tỉnh giảm được 1.361 hộ nghèo, phát sinh mới 168 hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2024 còn lại 4.306 hộ nghèo/404.832 hộ nhân dân, chiếm tỷ lệ 1,06% (trong đó có: 1.717 hộ nghèo theo chuẩn trung ương và 2.589 hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh). Đạt vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra (hộ nghèo dưới 1,2%).
Tổng số hộ cận nghèo đầu năm 2024 là 1.739 hộ, chiếm tỷ lệ 0,43 %. Trong năm 2024, toàn tỉnh giảm được 378 hộ cận nghèo, phát sinh 266 hộ cận nghèo. Cuối năm 2024 còn lại 1.627 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,40% (trong đó có 110 hộ cận nghèo theo chuẩn trung ương và 1.517 hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh).
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương năm 2024 là: 250 tỷ 859 triệu đồng, trong đó: Ngân sách địa phương: 173 tỷ 659 triệu đồng và nguồn xã hội hóa: 77 tỷ 200 triệu đồng. Trong đó, nổi bật là Chính sách về tín dụng ưu đãi, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho 31.702 lượt hộ nghèo và 77.290 lượt người vay vốn tín dụng ưu đãi gần 130 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ giáo dục cũng được quan tâm thực hiện, đã thực hiện như miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho 4.910 hồ sơ học sinh, với tổng kinh phí là 10 tỷ 166 triệu đồng, tặng học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 2 tỷ đồng, trao 375 suất học bổng cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí là 400 triệu đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ giáo dục thì tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ về y tế như cấp phát 18.803 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thoát nghèo và người cận nghèo với tổng số tiền là 17 tỷ 954 triệu đồng; trong đó có 14.101 thẻ BHYT cho người nghèo, người thoát nghèo với tổng số tiền là 14 tỷ 126 triệu đồng và 4.702 thẻ BHYT cho người cận nghèo với tổng số tiền là 3 tỷ 819 triệu đồng, hỗ trợ 100 suất viện phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 500 triệu đồng; chính sách hỗ trợ nhà ở cũng được thực hiện, đã vận động xây dựng và sửa chữa 101 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 6 tỷ 124 triệu đồng cho người nghèo khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, đã thực hiện chi hỗ trợ tiền điện cho 6.243 hộ nghèo, hộ thoát nghèo, với tổng kinh phí là 3 tỷ 870 triệu đồng.
(Bí thư Tỉnh ủy thăm và tặng quà cho hộ nghèo, trẻ em khó khăn và công nhân lao động xa quê có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán quý Mão năm 2023 Hình ảnh trích nguồn từ Báo Dân Trí: https://dansinh.dantri.com.vn)
Đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo trước tiên là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, địa phương.
Song song đó, Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế thực hiện các dự án: Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 quy định về nội dung, định mức hỗ trợ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định 27/2024/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2024 của UBND tỉnh quy định mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2024-2025; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Hướng dẫn số 14927/HD-SLĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2024 về hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách đặc thù trong hỗ trợ giảm nghèo như: Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương trong đó có quy định về trợ giúp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi, trẻ em dưới 03 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, người thường xuyên ốm đau bệnh tật không còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ người cao tuổi nghèo và hộ nghèo có con nhỏ giảm bớt khó khăn; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ đối với hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương với thời gian 03 năm kể từ thời điểm thoát nghèo đã tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo được tiếp tục thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và các dịch vụ xã hội cơ bản,có đủ điều kiện, thời gian để ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững.
Công tác truyền thông, tuyên truyền và tập huấn cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, trong năm đã tổ chức 09 lớp tập huấn cho 2.242 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp huyện, cấp xã và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở khu, ấp; 11 đợt tuyên truyền các chính sách và quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngành nghề nông thôn; chính sách pháp luật về kinh tế tập thể; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho các đối tượng là doanh nghiêp, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ thể OCOP, cá nhân sản xuất nông nghiệp và đại diện lãnh đạo, chuyên viên phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, giảm nghèo của Phòng Kinh tế; thành viên Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cấp huyện, cấp xã và ấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với 1.138 lượt người tham dự.
Nhìn chung, Công tác giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị – xã hội và được sự đồng thuận của cộng đồng nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài các chính sách theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương. Chương trình, chính sách giảm nghèo đã có tác dụng thiết thực với người nghèo, phù hợp với thực tế hiện nay, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh. Do đó, công tác giảm nghèo năm 2024 đã đạt hiệu quả rõ rệt: đạt vượt mức kế hoạch chỉ tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch năm 2024 (chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%; thực hiện đạt 1,08%).
Một là,tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa.
Hai là,hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững
Phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ. Xác định nguồn ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí vốn đối ứng hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Ba là, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trên địa bàn có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được vay từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý với lãi suất ưu đãi theo quy định;
Quan tâm thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; tạo điều kiện hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật để nông dân thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có vốn sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn hộ nghèo về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành các ngành có liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức từ thiện xã hội trong việc tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận nguồn viện trợ, triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả hiện có trên địa bàn cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, trợ cấp thường xuyên cho người nghèo.
Bốn là, nâng cao khả năng tiếp các dịch vụ xã hội cơ bản
Ngoài việc tiếp tục áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo, tỉnh cần chú trọng các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Theo đó, các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, có chiều sâu các chính sách giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh. Thông qua các chương trình này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng lên, theo đó, người nghèo sẽ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản tại cộng đồng.
Năm là, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo
Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia các cấp; tăng cường phân cấp gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo. Nâng cao năng lực đội ngũ làm giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Sáu là, huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo.
Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác giảm nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện mô hình “Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo”, huy động nguồn lực từ các tập thể, cá nhân ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, góp phần thực hiện phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo – không ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.
Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác giảm nghèo ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ nghèo, cận nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai./.
Nhị Hà
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương