Chính sách BHXH 2024: Những thay đổi quan trọng

Chính sách BHXH 2024: Những thay đổi quan trọng

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2024, điều người lao động quan tâm ngoài lương, thưởng Tết là các chính sách sẽ được hưởng trong năm 2024 trong đó có chính sách BHXH 2024. Cùng điểm qua các chính sách ở bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
  • 2. Cải cách tiền lương: Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH
  • 2.1 Lương hưu
  • 2.2 Trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng
  • 3. Hệ số trượt giá BHXH 2024
Mục lục

    1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

    Đây là một trong những chính sách BHXH 2024 đáng chú ý nhất. Cụ thể, căn cứ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động được nêu tại Điều 169 và Điều 219 của Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2024 như sau:

    STT

    Đối tượng người lao động

    Độ tuổi nghỉ hưu

    Nam

    Nữ

    1

    Làm việc trong điều kiện lao động bình thường

    Từ đủ 61 tuổi

    Từ đủ 56 tuổi 04 tháng

    2

    Đã đóng đủ 20 năm BHXH và có 1 trong các điều kiện:

    – Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

    – Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trong đó tính cả thời gian làm ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trước 01/01/2021.

    – Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% – dưới 81%.

    – Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân (QĐND); Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan kỹ thuật công an nhân dân (CAND); người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ QĐND; hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí (gọi tắt người làm trong quân đội, công an).

    Từ đủ 56 tuổi

    Từ đủ 51 tuổi 04 tháng

    3

    Đã đóng đủ 20 năm BHXH và có 01 trong các điều kiện sau:

    – Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

    – Bị suy giảm khả năng lao động ≥ 81%.

    – Người làm trong quân đội, công an:

    • Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Hoặc
    • Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, tính cả thời gian làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trước 01/01/2021.

    Từ đủ 51 tuổi

    Từ đủ 56 tuổi 04 tháng

    4

    Người đã đóng đủ 20 năm BHXH và có một trong các điều kiện sau:

    – Có ít nhất 15 năm làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động ≥ 61%.

    – Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

    Không xét tuổi, chỉ cần đóng đủ 20 năm BHXH thì được nghỉ hưu

    5

    Người lao động có thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường.

    Tối đa 66 tuổi

    Tối đa 61 tuổi 04 tháng

    Do đó, căn cứ quy định trên và hướng dẫn tại Nghị định 135 năm 2020 của Chính phủ, năm 2024, những đối tượng sau đây sẽ được nghỉ hưu:

    STT

    Trường hợp nghỉ hưu

    Ngày, tháng, năm sinh của người được nghỉ hưu năm 2024

    Nam

    Nữ

    1

    Thông thường

    Từ 3/1963 – 11/1963

    Từ 12/1967 – 7/1968

    2

    Sớm hơn 5 tuổi

    Từ 3/1968 – 11/1968

    Từ 12/1972 – 7/1973

    3

    Sớm hơn 10 tuổi

    Từ 3/1973 – 11/1973

    Từ 12/1977 – 7/1978

    Xem thêm: Cách tính lương hưu hàng tháng đơn giản, dễ hiểu nhất

    Chính sách BHXH 2024 mọi lao động không thể bỏ qua
    Chính sách BHXH 2024 mọi lao động không thể bỏ qua (Ảnh minh họa)

    2. Cải cách tiền lương: Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH

    Ngoài các quy định liên quan đến lương hưu, chính sách BHXH 2024 còn bị ảnh hưởng bởi chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

    Cụ thể, tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước 2024, Quốc hội chính thức thông qua cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

    Đồng thời, cũng trong Nghị quyết này, Quốc hội khẳng định:

    điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

    Cụ thể, các loại chính sách BHXH 2024 gắn với lương cơ sở sẽ thay đổi như sau:

    2.1 Lương hưu

    Lương hưu hiện nay đang tính theo số năm và khoản tiền đóng BHXH hằng tháng. Trong đó, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là tổng số tiền nhận theo ngạch, bậc, cấp bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề.

    Do đó, số tiền này được tính theo mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

    Tuy nhiên, khi cải cách tiền lương, đồng nghĩa bỏ hệ số và mức lương cơ sở. Đồng thời, xây dựng mức lương mới theo cơ cấu là lương cơ bản, các khoản phụ cấp và tiền thưởng bằng số tiền cụ thể.

    Như vậy, khi cải cách tiền lương đồng nghĩa với cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cũng sẽ thay đổi.

    Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, cải cách tiền lương vẫn phải đảm bảo mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

    Do đó, khi chính thức cải cách tiền lương từ 01/7/2024 thì nhiều khả năng, lương hưu 2024 sẽ không thấp hơn hiện nay, thậm chí có thể có chiều hướng tăng so với hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết 104/2023/QH15.

    Cải cách tiền lương: Hàng loạt chế độ BHXH sẽ tăng?
    Cải cách tiền lương: Hàng loạt chế độ BHXH sẽ tăng? (Ảnh minh họa)

    2.2 Trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng

    Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các khoản trợ cấp hiện nay được hưởng gắn với mức lương cơ sở gồm: Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc khi nhận con nuôi, trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau hoặc sau thai sản, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng.

    Do cải cách tiền lương dẫn đến không còn hệ số lương và mức lương cơ sở nên theo lẽ dĩ nhiên, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội đang gắn với lương cơ sở ở trên cũng sẽ thay đổi. Và theo Nghị quyết 104, các khoản này từ sau 01/7/2024 sẽ được tăng.

    Mới đây, tại Tờ trình số 527, Chính phủ đang đề xuất sửa các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức tuyệt đối của hiện hành bằng số tiền cụ thể.

    Và tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đề xuất mức hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội gồm:

    • Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau hoặc sau khi sinh: 540.000 đồng/ngày
    • Trợ cấp 1 lần khi sinh con: 3,6 triệu đồng/con
    • Trợ cấp mai táng: 18,0 triệu đồng…

    3. Hệ số trượt giá BHXH 2024

    Thông thường, cuối mỗi năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đều sẽ công bố một hệ số trượt giá BHXH hay chính là mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng BHXH cho năm sau.

    Theo đó, năm 2023, hệ số trượt giá BHXH được thực hiện theo Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH áp dụng cho trường hợp tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. So với năm 2022, hệ số trượt giá 2023 đã tăng từ 0,03 cho đến 0,16.

    Hiện nay, chưa có thông tin cụ thể về hệ số trượt giá BHXH 2024 tuy nhiên, nếu hệ số này tăng so với năm 2023 thì tiền BHXH 1 lần, mức hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp 1 lần khi về hưu, trợ cấp tuất 1 lần năm 2024 sẽ tăng.

    Trên đây là tổng quan về chính sách BHXH 2024. Hiện chưa có thông tin cụ thể về các chính sách được đề cập đến trong bài, hãy theo dõi LuatVietnam để cập nhật thông tin mới nhất hoặc liên hệ 19006192 để được giải đáp.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *