Chế độ nghỉ ngày đèn đỏ: 4 quy định chị em cần lưu ý

Chế độ nghỉ ngày đèn đỏ: 4 quy định chị em cần lưu ý

Sau đây là những quy định đáng chú ý về chế độ nghỉ ngày đèn đỏ mà các chị em nên biết để tránh bỏ lỡ quyền lợi hoặc bị doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi mà không biết.

Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. Thời gian nghỉ chế độ ngày đèn đỏ
  • 2. Tiền lương chế độ nghỉ ngày đèn đỏ
  • 3. Thủ tục xin nghỉ chế độ ngày đèn đỏ
  • 4. Công ty vi phạm chế độ nghỉ ngày đèn đỏ bị phạt thế nào?
Mục lục

    1. Thời gian nghỉ chế độ ngày đèn đỏ

    Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ.

    Để hướng dẫn chi tiết quy định này, khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã làm rõ về thời gian nghỉ chế độ ngày đèn đỏ của lao động nữ như sau:

    – Về số ngày nghỉ: Trong những ngày đèn đỏ, lao động nữ có quyền được nghỉ 30 phút/ngày với số ngày do thỏa thuận nhưng tối thiếu là 03 ngày/tháng.

    Việc thỏa thuận về số ngày nghỉ đèn đỏ giữa lao động nữ và người sử dụng lao động phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người lao động.

    – Thời điểm nghỉ: Thời điểm nghỉ chế độ ngày đèn đỏ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. 

    Người lao động có thể xin đi muộn hoặc về sớm 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh cho thuận tiện việc đi lại làm việc hoặc nghỉ giữa giờ làm việc nếu tình trạng sức khỏe không đảm bảo.

    Lưu ý: Lao động nữ có thể nghỉ chế độ ngày đèn đỏ với thời gian linh hoạt hơn nếu đề xuất và được người sử dụng lao động đồng ý.

    Bởi điểm b khoản 3 Điều 80 Nghị định 145 quy định, trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người lao động đó.

    Chế độ nghỉ ngày đèn đỏ bao nhiêu phút?
    Chế độ nghỉ ngày đèn đỏ bao nhiêu phút? (Ảnh minh hoạ)

    2. Tiền lương chế độ nghỉ ngày đèn đỏ

    Theo quy định hiện hành, quyền lợi về tiền lương của chế độ nghỉ ngày đèn đỏ được xác định như sau:

    – Lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh:Được nhận đủ lương của ngày làm việc đó mà không phải làm bù cho thời gian đã nghỉ.

    Bởi khoản 4 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. Vì vậy, những ngày người lao động nghỉ chế độ ngày đèn đỏ vẫn được trả đủ lương cho ngày làm việc đó.

    – Lao động nữ không nghỉ trong thời gian hành kinh mà làm đủ số giờ làm việc mỗi ngày:Được trả thêm tiền lương tương ứng với khoản tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian đáng lẽ được nghỉ.

    Theo điểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để làm việc thì ngoài tiền lương của ngày làm việc đó, người lao động còn được trả thêm tiền lương như sau:

    Tiền lương trả cho thời gian không nghỉ khi hành kinh

    =

    Tiền lương theo công việc của ngày làm việc đó

    :

    Tống số giờ làm việc bình thường

    x

    0,5 giờ nghỉ mỗi ngày trong thời gian hành kinh

    x

    Số ngày được nghỉ khi hành kinh (*)

    (*) Số ngày nghỉ do các bên thỏa thuận nhưng ít nhất đảm bảo cho lao động nữ nghỉ 03 ngày/tháng.

    3. Thủ tục xin nghỉ chế độ ngày đèn đỏ

    Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc nghỉ chế độ ngày đèn đỏ khá đơn giản. Theo đó, lao động nữ gặp ngày đèn đỏ chỉ cần thông báo với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người đó.

    Về hình thức thông báo, Nghị định 145/2020/NĐ-CP không giới hạn hình thức nên lao động nữ có thể tùy chọn thông báo cho người sử dụng biết bằng một trong các cách như: Bằng lời nói, tin nhắn, gọi điện thoại, gửi email, viết đơn,…

    Để tránh tranh chấp về việc giải quyết quyền lợi sau này, người lao động nên lưu lại bằng chứng về việc mình đã gửi thông báo đến người sử dụng lao động.

    Thủ tục xin nghỉ ngày đèn đỏ?
    Thủ tục xin nghỉ ngày đèn đỏ thế nào? (Ảnh minh họa)

    4. Công ty vi phạm chế độ nghỉ ngày đèn đỏ bị phạt thế nào?

    Hiện nay có 02 vi phạm phổ biến nhất liên quan đến chế độ nghỉ ngày đèn đỏ mà nhiều công ty đang mắc phải đó là: (1) Không cho người lao động nghỉ ngày đèn đỏ; (2) Không trả thêm tiền lương cho người lao động làm đủ số giờ của những ngày đèn đỏ.

    Người sử dụng lao động mắc phải các lỗi trên đều sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động như sau:

    – Phạt 10 đến 20 triệu đồng: Nếu người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác (theo điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    Người sử dụng lao động trong trường hợp này còn bị buộc phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh.

    – Phạt 05 đến 10 triệu đồng: Người sử dụng lao động không trả đủ thêm tiền lương cho người lao động nữ không nghỉ ngày đèn đỏ(theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    Trên đây là những thông tin liên quan đến chế độ nghỉ ngày đèn đỏ. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải chi tiết.

    Đội hỗ trợ kê khai thuế, giấy phép và dịch vụ công: 0906.657.659 - Phí hỗ trợ online đăng ký chỉ từ 150 - 300k tùy loại. Liên hệ qua zalo A Vương để hỗ trợ nha!
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Ủng hộ dịch vụ Lộc Phát nha! Cảm ơn các bạn!