Cao học là gì? Cao học và thạc sĩ có khác nhau?
Cao học là gì? Cao học và thạc sĩ có khác nhau?
- 1. Cao học là gì?
- 1.1 Khái niệm cao học
- 1.2 Học cao học mấy năm?
- 2. Điều kiện cần đáp ứng có để học cao học
- 2.1 Đối với ứng viên dự tuyển
- 2.2 Đối với ứng viên dự tuyển là người nước ngoài
- 2.3 Đối với ứng viên học chương trình bằng tiếng nước ngoài
- 3. Học cao học và học thạc sĩ có khác nhau không?
- 4. Một số câu hỏi thường gặp về cao học
- 4.1 Các chuyên ngành nào nên học cao học?
- 4.2 Cần chuẩn bị những gì trước khi học cao học?
- 4.3 Mỗi năm có bao nhiêu đợt tuyển sinh cao học?
- 4.4 Phương thức tuyển sinh cao học thường là gì?
- 5. Kết luận
1. Cao học là gì?
1.1 Khái niệm cao học
Cao học là chương trình học tập sau đại học. Chương trình giáo dục này đào tạo các kiến thức học thuật và kỹ năng chuyên sâu hơn về một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.
Cao học thường dành cho những người đã hoàn thành chương trình đại học và muốn nâng cao kiến thức, bằng cấp để có cơ hội việc làm rộng mở hơn. Học viên cao học sẽ có cơ hội được tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu chuyên sâu, thực tế và thực hành trong lĩnh vực theo học.
1.2 Học cao học mấy năm?
Thời gian học cao học sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực mà bạn lựa chọn nghiên cứu. Thông thường, thời gian học cao học sẽ rơi vào khoảng 1 đến 2 năm. Trong đó, năm đầu tiên học viên sẽ tập trung vào việc học chuyên môn và nghiên cứu, thực hành dự án trong thực tế. Năm thứ hai sẽ chủ yếu dành để làm luận văn tốt nghiệp và hoàn thành chương trình học.
Quãng thời gian theo đuổi việc học cao học tuy không quá dài, nhưng bạn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức chuyên sâu và có cơ hội được ứng dụng thực tế. Đây cũng là một nền tảng quan trọng giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
2. Điều kiện cần đáp ứng có để học cao học
Để có thể theo học chương trình cao học, các ứng viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra theo Điều 5, Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, có 3 đối tượng ứng viên cao học với những yêu cầu khác nhau.
2.1 Đối với ứng viên dự tuyển
Để có thể theo đuổi chương trình cao học, ứng viên cần đáp ứng 3 yêu cầu: yêu cầu về bằng cấp, về trình độ ngoại ngữ và về đầu vào của chuẩn chương trình đào tạo.
Thứ nhất là yêu cầu về bằng cấp:
Người dự tuyển phải là người đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc có trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp;
Đối với các chương trình có định hướng về nghiên cứu, ứng viên phải có bằng tốt nghiệp từ loại khá trở lên hoặc có những công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Lưu ý: Ngành phù hợp ở đây chỉ chuyên ngành mà ứng viên đã học ở bậc đại học (hoặc tương đương) phải đáp ứng đầy đủ các nền tảng chuyên môn cần thiết cho việc học tiếp chương trình cao học. Điều này được quy định cụ thể trong chuẩn đầu vào của chương trình cao học.
Riêng với các ngành liên quan đến quản lý và quản trị, ngành phù hợp bao gồm những chuyên ngành có liên quan trực tiếp tới nghề nghiệp, chuyên môn trong lĩnh vực quản lý, quản trị.
Thứ hai là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ: Ứng viên phải đảm bảo năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam. Cụ thể ứng viên cần đáp ứng 1 trong các điều kiện như sau:
Ứng viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc chương trình học được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
Bằng đại học của ứng viên được cấp trong thời gian không quá 2 năm, trong đó chuẩn đầu ra của chương trình đảm bảo năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên;
Thứ 3 là yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo. Ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu được đưa ra của chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của chương trình và theo ban hành của Bộ giáo dục và Đào tạo.
2.2 Đối với ứng viên dự tuyển là người nước ngoài
Các ứng viên dự tuyển là người nước ngoài muốn theo học chương trình sau đại học bằng tiếng Việt cần phải đáp ứng 2 yêu cầu.
Thứ nhất là yêu cầu về trình độ Tiếng Việt, ứng viên cần đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
Ứng viên phải đáp ứng trình độ Tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên dựa theo Khung đánh giá trình độ tiếng Việt dành cho người nước ngoài;
Ứng viên đã tốt nghiệp đại học (hoặc có trình độ tương đương trở lên), trong đó chương trình đào tạo được thực hiện bằng tiếng Việt.
Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng Việt, ứng viên cũng cần đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai nếu như cơ sở đào tạo có quy định.
2.3 Đối với ứng viên học chương trình bằng tiếng nước ngoài
Để tham gia chương trình cao học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên cần phải đảm bảo trình độ ngoại ngữ của mình đáp ứng các yêu cầu sau:
Ứng viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy hoặc chương trình đào tạo đó được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;
Các văn bằng, chứng chỉ ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy của ứng viên phải còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Đồng thời, các văn bằng đó phải đạt trình độ từ bậc 4 trở lên theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo hoặc theo Khung đánh giá trình độ ngoại ngữ 6 bậc dành cho người Việt.
3. Học cao học và học thạc sĩ có khác nhau không?
Nhìn chung, hiện nay chương trình học cao học và thạc sĩ được hiểu là một. Cao học chính là chương trình học thạc sĩ bậc sau đại học để học viên có cơ hội được nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn của mình.
Thông thường, chương trình cao học sẽ do các trường đại học hoặc cao đẳng đào tạo. Người học sẽ được cấp bằng thạc sĩ hoặc một số bằng cấp chuyên nghiệp sau khi hoàn thành chương trình cao học.
4. Một số câu hỏi thường gặp về cao học
Sau khi đã tổng hợp các nội dung cơ bản liên quan đến cao học, bài viết sẽ tiếp tục tiến hành giải đáp một số câu hỏi mà độc giả thường gặp phải trong quá trình tìm hiểu về cao học.
4.1 Các chuyên ngành nào nên học cao học?
Cao học mang tính thực tế cao và hướng tới việc đào tạo các kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, bài viết sẽ gợi ý một số chuyên ngành phù hợp với tiêu chí trên:
Quản trị kinh doanh: Khi học chương trình cao học quản trị kinh doanh, bạn sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp như: tư duy quản lý bao quát, tư duy lãnh đạo, dự đoán, vận hành và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp…Đây là những lĩnh vực kiến thức rất thực tế và có giá trị cho sự nghiệp của bạn;
Quản lý dự án: Chương trình cao học quản lý dự án sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia trong việc quản lý, hoạch định thời gian, phân phối công việc và nhân sự, phân bổ ngân sách;
Kế toán: Khi theo học chương trình cao học kế toán, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để trở nên thành thạo trong việc phát triển, xử lý, đổi mới kế toán – kiểm toán, đồng thời có cơ hội được trau dồi về các nền tảng công nghệ;
Công nghệ thông tin: là một trong những ngành nghề được săn đón nhất hiện nay, việc học cao học công nghệ thông tin trang bị cho bạn các kỹ năng chuyên sâu trong các hoạt động phân tích dữ liệu, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…Từ đây sẽ thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp của bạn.
4.2 Cần chuẩn bị những gì trước khi học cao học?
Để quá trình học cao học được diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, trước khi bắt đầu học cao học, bạn cần lưu ý chuẩn bị cả về nhiều mặt. Cụ thể như sau:
Xác định mục tiêu và nền tảng của bản thân: Chỉ khi đã xác định được chính xác mục tiêu và năng lực, bạn mới có thể biết rằng việc học cao học có thực sự phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của bản thân hay không. Từ đây thì bạn mới đưa ra được quyết định chính xác;
Tìm hiểu và chọn cơ sở đào tạo: Bạn cần tìm hiểu các cơ sở đào tạo và cân nhắc lựa chọn nơi phù hợp nhất với nhu cầu học tập của bạn. Đồng thời, khi đã xác định được cơ sở đào tạo, bạn sẽ cần theo dõi các điều kiện, yêu cầu đầu vào và thời gian, phương thức tuyển sinh của cơ sở đó để đáp ứng đúng và kịp thời;
Chuẩn bị một kế hoạch ôn thi chi tiết và hiệu quả: Bạn nên tìm hiểu về các định dạng của bài thi, từ đó đưa ra chiến lược ôn tập hiệu quả;
Chuẩn bị đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần cho việc học: Khi đã xác định theo học cao học, bạn cần có sự chuẩn bị về học phí, sắp xếp thời gian và chuẩn bị một tinh thần kiên trì, nhiệt huyết với con đường này.
4.3 Mỗi năm có bao nhiêu đợt tuyển sinh cao học?
Theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và đào tạo, việc tuyển sinh cao học có thể tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm tùy thuộc vào quyết định của cơ sở đào tạo. Vì vậy, nếu muốn tham gia chương trình cao học, bạn cần theo dõi cơ sở đào tạo mà mình đã lựa chọn để biết được chính xác thời gian của các đợt tuyển sinh.
4.4 Phương thức tuyển sinh cao học thường là gì?
Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo, phương thức tuyển sinh được quy định như sau:
Phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp
Như vậy, phương thức tuyển sinh cao học sẽ do cơ sở đào tạo quyết định, bao gồm nhiều phương thức như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả 2 phương thức đó.
5. Kết luận
Như vậy, bài viết đã cung cấp toàn bộ các thông tin cũng như giải đáp các câu hỏi thường gặp về cao học. Hy vọng với những thông tin đó, bạn sẽ hiểu rõ cao học là gì và có định hướng rõ ràng hơn trong việc theo đuổi cao học. Khi đã có định hướng rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng đi đúng hướng và gặt hái được thành công.