Bỏ thi thăng hạng viên chức: Giáo viên xét thăng hạng thế nào?

Bỏ thi thăng hạng viên chức: Giáo viên xét thăng hạng thế nào?

Theo dõi bài viết để biết giáo viên xét thăng hạng thế nào khi bỏ thi thăng hạng viên chức theo quy định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 07/12/2023.
Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, giáo viên chỉ xét thăng hạng
  • 2. Giáo viên xét thăng hạng thế nào?
  • 2.1. Tiêu chuẩn xét thăng hạng giáo viên
  • 2.2. Hồ sơ đăng ký xét thăng hạng giáo viên
  • 2.3. Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên
  • 2.4. Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng giáo viên
  • 2.5. Xác định người trúng tuyển
Mục lục

    1. Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, giáo viên chỉ xét thăng hạng

    Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 07/12/2023, Chính phủ đã chính thức bãi bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ còn quy định về xét thăng hạng viên chức từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

    Theo đó, giáo viên là viên chức từ nay cũng sẽ chỉ thực hiện xét hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề và không tổ chức thi thăng hạng nữa.

    Giáo viên xét thăng hạng thế nào khi bỏ thi thăng hạng viên chức?
    Giáo viên xét thăng hạng thế nào khi bỏ thi thăng hạng viên chức? (Ảnh minh họa)

    2. Giáo viên xét thăng hạng thế nào?

    2.1. Tiêu chuẩn xét thăng hạng giáo viên

    Theo Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

    – Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

    – Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt;

    – Không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức.

    – Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

    – Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký xét thăng hạng.

    Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự xét thăng hạng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở hạng đăng ký.

    2.2. Hồ sơ đăng ký xét thăng hạng giáo viên

    Căn cứ Điều 36 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Hồ sơ đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:

    – Sơ yếu lý lịch viên chức được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức.

    – Bản nhận xét, đánh giá của hiệu trưởng về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định.

    – Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng.
    Trường hợp yêu cầu về ngoại ngữ ở hạng chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng không có sự thay đổi so với yêu cầu ở hạng chức danh nghề nghiệp đang giữ thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ.

    2.3. Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên

    * Xét thăng hạng giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I:

    –  Xét thăng hạng giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học.

    – Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm.

    – Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn:

    + Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm:

    • Thời gian thực hiện bài thi trắc nghiệm là 60 phút, nội dung gồm các câu hỏi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học, tối đa không quá 60 câu hỏi.

    • Bài trắc nghiệm được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính.

    + Đối với hình thức phỏng vấn:

    • Thời gian thực hiện bài phỏng vấn không quá 15 phút/người dự xét, nội dung phỏng vấn liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học.

    • Bài phỏng vấn được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trực tiếp đối với từng người.

    * Xét thăng giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: Thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo tiêu chuẩn giáo viên hạng II của mỗi cấp học.

    Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT

    2.4. Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng giáo viên

    Theo Điều 6 Thông tư 34, hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần:

    – Nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm

    – Nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.

    2.5. Xác định người trúng tuyển

    Người được xác định trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên phải có đủ các điều kiện tại Điều 7 Thông tư 34 bao gồm:

    – Có đủ hồ sơ kèm các minh chứng theo quy định;

    – Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm và điểm kiểm tra, sát hạch phải đạt từ 15 điểm trở lên.

    – Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm.

    Lưu ý: Trường hợp số lượng hồ sơ xét thăng hạng giáo viên đáp ứng yêu cầu trên nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao thì thực hiện như sau:

    – Xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Lấy điểm kiểm tra, sát hạch theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao;

    – Xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Sử dụng quy định về nhiệm vụ của hạng II để làm căn cứ xét thăng hạng.

    Lấy điểm chấm minh chứng về nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.

    – Trường hợp có từ 02 người trở lên có điểm bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng cuối cùng thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: giáo viên là nữ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên nhiều tuổi hơn, giáo viên có thời gian công tác nhiều hơn.

    – Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý để quyết định người trúng tuyển.

    – Giáo viên không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng không được bảo lưu kết quả cho các kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lần sau.

    Trên đây là thông tin về: Giáo viên xét thăng hạng thế nào khi bỏ thi thăng hạng viên chức? Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *