Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết 19
Bài viết của tanthueviet.com “Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết 19” được đại lý thuế gia lộc chia sẽ lại cho cộng đồng. Mọi người có thể liên hệ trực tiếp bên Tân Thuế Việt nha. Chúc cả nhà may mắn thành công!
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký quyết định số 1134/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Cải cách toàn diện
Mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính (CCHC), với trọng tâm là: Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện TTHC, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các nhiệm vụ, hành động được nêu ra nhằm đật được các mục tiêu, yêu cầu sau: Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm chỉ số mức độ sẵn có và đầy đủ dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.
Phối hợp hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Các nhiệm vụ đều tập trung liên quan tới lĩnh vực thuế, hải quan
Kế hoạch hành động ban hành kèm theo quyết định đã được cụ thể hóa thành 35 nhóm nhiệm vụ, 73 nhóm giải pháp chính, với hơn 100 sản phẩm đầu ra, đồng thời đã phân công chi tiết cho các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp gắn với tiến độ hoàn thành.
Hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm đầu ra đều liên quan tới lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực hải quan có 4 nhóm nhiệm vụ với 39 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra, cụ thể như sau: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa, container tại các cảng biển;giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ; Xây dựng Cơ chế kiểm soát về xuất xứ, bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hoá, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình; triển khai cung cấp 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong năm 2016. Đến cuối năm 2017, bảo đảm 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Còn trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã đề ra 7 nhiệm vụ với 21 giải pháp. Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất là, ngành Thuế phải thực hiện ứng dụng CNTT tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoàn thuế điện tử; Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra; nghiên cứu thực hiện thí điểm giao dịch thuế điện tử đối với hoạt động đăng ký xe ô tô, xe gắn máy.
Nhiệm vụ thứ hai là, bảo đảm 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật; công khai, minh bạch theo quy định của Luật quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế GTGT qua việc Hoàn thiện phần mềm và cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại.
Ba là, tiếp tục triển khai cấp mã số thuế tự động và phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Bốn là, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế.
Năm là, trình Chính phủ để trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016. Xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều).
Sáu là, bảo đảm tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền (UBTVQH, CP) ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật phí, lệ phí. Rà soát, sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp và minh bạch trách nhiệm trả phí.
Bảy là, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng quy trình liên thông giữa cơ quan thuế và văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan công an. Phối hợp với Bộ GTVT rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước.
Ngoài lĩnh vực thuế, hải quan, căn cứ mục tiêu theo lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 13 giải pháp thuộc các lĩnh vực tài chính khác./.
Thoibaotaichinh
Nguồn: https://tanthueviet.com/bo-tai-chinh-ban-hanh-ke-hoach-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-19.html