TỔNG CỤC THUẾ CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 3705/CT-PC V/v Xử lý trường hợp Người nộp thuế không ký vào Biên bản kiểm tra. |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 06 năm 2010 |
Kính gửi:
– Các Chi cục Thuế quận, huyện;
– Các Phòng thuộc Cục Thuế TP.
Qua khảo sát các Phòng và Chi cục Thuế thì hiện nay phát sinh nhiều trường hợp Người nộp thuế không ký vào Biên bản thanh tra, kiểm tra thuế sau khi kết thúc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại trụ sở Người nộp thuế.
Để thống nhất việc xử lý đối với trường hợp này theo đúng quy định pháp luật, Cục Thuế hướng dẫn như sau:
1. Trường hợp Người nộp thuế có mặt khi Đoàn kiểm tra thông qua Biên bản kiểm tra nhưng không ký vào Biên bản (từ chối ký vào Biên bản).
a) Căn cứ pháp lý để giải quyết:
– Tại khoản 5, Điều 1- Nghị định số 13/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định:
Sửa đổi Điều 22 như sau:
“… Biên bản phải có đầy đủ chữ ký theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã ghi trong biên bản”.
– Tại khoản 1, Mục III, Phần E-Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế quy định như sau:
“… Trường hợp cá nhân, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến từ chối ký biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và cá nhân, cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra vẫn thực hiện những kiến nghị, quyết định tại biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết luận, kiến nghị đó”.
– Tại điểm 3.2, khoản 3, Mục II, Phần II- Quyết định số 528/QĐ-TCT ngày 29/5/2008 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình kiểm tra thuế hướng dẫn:
“Trường hợp người nộp thuế không ký biên bản kiểm tra thuế thì chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, thuế để ra thông báo yêu cầu người nộp thuế ký biên bản kiểm tra. Nếu người nộp thuế vẫn không ký biên bản kiểm tra thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố công khai biên bản kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thuế ra quyết định xử lý truy thu thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc kết luận kiểm tra thuế theo nội dung biên bản kiểm tra”.
– Tại khoản 22, Điều 1- Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/4/2008 của UBTVQH sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh XLVPHC năm 2002.
Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. … Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản”.
b) Trình tự giải quyết:
– Lập tờ trình về việc NNT có mặt nhưng không ký vào Biên bản kiểm tra.
– Dự thảo Thông báo yêu cầu Người nộp thuế ký vào Biên bản kiểm tra.
– Tống đạt hợp lệ Thông báo đến Người nộp thuế.
– Lập Biên bản làm việc với Bộ phận Bảo vệ/Tiếp tân về việc Người nộp thuế không đến làm việc theo thông báo (nếu cần thiết).
– Ghi nhận sự việc vào Biên bản kiểm tra thuế nếu Người nộp thuế không đến làm việc theo thông báo.
– Lập tờ trình và dự thảo quyết định xử lý theo quy định.
– Tống đạt hợp lệ Biên bản kiểm tra và Quyết định xử lý đến NNT.
2. Trường hợp Người nộp thuế cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại trụ sở doanh nghiệp để ký Biên bản kiểm tra.
a) Căn cứ pháp lý để giải quyết:
Ngoài các quy định pháp lý nêu tại mục 1, chúng ta còn có:
– Tại khoản 22, Điều 1 – Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/4/2008 của UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh XLVPHC năm 2002.
Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”.
– Tại khoản 2, Điều 22- Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh XLVPHC 2002, sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định như sau:
” …. Việc lập biên bản vi phạm hành chính thuộc trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh được hiểu là trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng”.
b) Trình tự giải quyết:
– Lập tờ trình về việc Người nộp thuế không có mặt để ký vào Biên bản.
– Cùng chính quyền địa phương (UBND Phường/Xã nơi Người nộp thuế đặt trụ sở) để lập Biên bản ghi nhận sự việc theo quy định của pháp luật.
– Dự thảo Thông báo yêu cầu Người nộp thuế ký vào Biên bản kiểm tra.
– Tống đạt hợp lệ thông báo đến Người nộp thuế.
– Lập Biên bản làm việc với Bộ phận Bảo vệ/Tiếp tân về việc Người nộp thuế không đến làm việc theo thông báo (nếu cần thiết).
– Ghi nhận sự việc vào Biên bản kiểm tra nếu Người nộp thuế không đến làm việc theo thông báo.
– Lập tờ trình và dự thảo quyết định xử lý theo quy định.
– Tống đạt hợp lệ Biên bản kiểm tra và Quyết định xử lý đến NNT.
3. Mẫu áp dụng
Để thống nhất trong quá trình xử lý khi Người nộp thuế không ký vào Biên bản kiểm tra, Phòng Pháp chế đã dự thảo các mẫu đính kèm như sau:
– Mẫu 1: Tờ trình về việc Người nộp thuế không ký vào Biên bản kiểm tra.
– Mẫu 2: Biên bản ghi nhận sự việc cùng chính quyền địa phương.
– Mẫu 3: Thông báo yêu cầu Người nộp thuế ký vào Biên bản kiểm tra.
– Mẫu 4: Nội dung ghi nhận vào Biên bản kiểm tra về việc Người nộp thuế không ký vào Biên bản.
Lưu ý:
+ Nội dung trong mẫu được cấu trúc để đảm bảo các yếu tố quy phạm theo quy định pháp luật nên phải được tuân thủ triệt để.
+ Thông báo yêu cầu Người nộp thuế ký vào Biên bản bắt buộc phải được gửi bằng “chuyển phát nhanh có ký xác nhận” và có thể kết hợp với việc giao Thông báo trực tiếp cho Người nộp thuế (hoặc đại diện hợp pháp) có ký nhận.
+ Trường hợp NNT không ký vào Biên bản thanh tra thuế, Biên bản vi phạm pháp luật về Thuế, Biên bản VPHC cũng được thực hiện theo hướng dẫn này.
4. Xử phạt vi phạm hành chính đối với Người nộp thuế
Ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên, cơ quan thuế phải tiến hành xử lý hành vi không ký vào biên bản kiểm tra quyết toán thuế theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 11- Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ. Cụ thể:
“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
…..d) Không ký vào Biên bản kiểm tra, thanh tra trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, thanh tra; …”
Lưu ý: Việc xử lý hành vi không ký vào biên bản kiểm tra thuế phải được lập Biên bản VPHC và ban hành Quyết định xử phạt riêng theo đúng quy định.
Cục Thuế hướng dẫn để các Phòng, các Chi cục Thuế biết và thực hiện.
Nơi nhận: – Như trên; – Lãnh đạo Cục Thuế (để báo cáo); – Lưu: HCLT, PC. |
KT. CỤC TRƯỞNG PHÓ CỤC TRƯỞNG
Lê Xuân Dương |