Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
Sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo ra các sản phẩm ngày càng nhiều về số lượng và tốt về chất lượng, giúp cải thiện cuộc sống của con người. Nhưng mặt trái của nó là những hệ lụy nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng tất yếu của toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, Bình Dương đã quy hoạch được 33 khu công nghiệp (với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam; 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam) và 12 cụm công nghiệp (với tổng diện tích 789,91 ha). Trong đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962,81 ha, 01 khu công nghiệp đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha; 10 cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha, tỷ lệ lắp đầy bình quân của các CCN đi vào hoạt động khoảng 67,4%, qua đó đã đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo định hướng tương lai, Bình Dương sẽ thực hiện chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.
Ảnh: Một góc khu công nghiệp Vsip II
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Điển hình, một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai trên địa bàn tỉnh là tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.
Ảnh: Quang cảnh công trường nhà máy trung hòa carbon của Tập đoàn Lego
Tương tự, nhà máy bia AB InBev (VSIP II-A) cũng đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được 840.600kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện đang sử dụng mỗi năm.
Ảnh: Nhà máy biaAB Inbev Bình Dương tại Khu công nghiệp Vsip II-A
Mới đây, tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cần phải có một kế hoạch rõ ràng các mục tiêu cụ thể để thực hiện kỹ lưỡng và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế (Chính phủ, người dân và doanh nghiệp).
Trên tinh thần đó, Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian qua Bình Dương đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với môi trường như đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề hành động:
– Theo đó, Kế hoạch xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Mục đích của Kế hoạch là cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cụ thể trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh Bình Dương.
– Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân từ việc giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đưa Bình Dương hướng tới nền kinh tế xanh và đóng góp và mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Xanh hóa các ngành kinh tế qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
– Yêu cầu của Kế hoạch đặt ra là phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trên tinh thần triển khai đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề ra các bước cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của từng cấp, từng ngành và xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, kết hợp hài hòa giữa giải quyết vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn để thực hiện các mục tiêu đề ra; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời, tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cơ quan, công sở, trường học, các tổ chức xã hội, động đồng dân cư, doanh nghiệp; rà soát các quy định của tỉnh nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.
Đặc biệt, tỉnh luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Minh Triết
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3824817 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương