BÌNH DƯƠNG: ĐIỂM SÁNG THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỚI CÚ BỨT PHÁ CUỐI NĂM 2024
BÌNH DƯƠNG: ĐIỂM SÁNG THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỚI CÚ BỨT PHÁ CUỐI NĂM 2024
Khởi đầu năm 2024 với nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu chịu tác động từ suy thoái, lạm phát cao và bất ổn địa chính trị. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương chỉ thu hút được 824,6 triệu đô la Mỹ, giảm 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đưa tổng vốn FDI cả năm 2024 đạt hơn 1,9 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nguyên nhân chính của việc sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài là do số vốn đăng ký đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần (mua bán, sát nhập doanh nghiệp) giảm mạnh từ 545,4 triệu đô la Mỹ về 95,1 triệu đô la Mỹ. Việc sụt giảm lượng vốn theo hình thức mua bán sát nhập cho thấy trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trong xu thế chậm lại, các nhà đầu tư đang có tâm lý thăm dò thị trường trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dự án. Ngoài ra, thời điểm này năm ngoái thì Bình Dương đón nhận 02 lượt góp vốn của các nhà đầu tư Hà Lan vào Công ty TNHH Sao Mộc Toàn Quốc và Công ty Cổ phần Sao Thổ Toàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 324,1 triệu USD (chiếm 85% tổng vốn đầu tư theo hình thức GVMCP, 74% tổng vốn FDI toàn tỉnh).
Nhìn chung, hoạt động mua bán sáp nhập có chậm lại, tuy nhiên Bình Dương lại đón nhận dòng vốn mạnh từ các dự án đầu tư mới (với 96 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 464,6 triệu đô la Mỹ, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2023) và từ các dự án điều chỉnh tăng vốn (với 60 lượt điều chỉnh với tổng vốn đăng ký thêm là 275,8 triệu đô la Mỹ, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). Do đó, có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế lẫn chính trị nhưng Bình Dương vẫn đạt được sự ổn định về môi trường đầu tư cũng như niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đến cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương đã vượt mặt thành phố Hà Nội để đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch. Bao gồm: 206 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư là 906,4 triệu đô la Mỹ, bằng 147% so với cùng kỳ; 151 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 850,6 triệu đô la Mỹ, bằng 372% so với cùng kỳ; 13 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn đầu tư với tổng vốn giảm là 46,1 triệu đô la Mỹ, giảm 70% so với cùng kỳ; 127 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 182,7 triệu đô la Mỹ, bằng 22% về vốn so với cùng kỳ.
Hình 1: Biểu đồ so sánh tình hình thu hút đầu tư giữa năm 2023 và năm 2024
Theo địa bàn đầu tư, trong các khu công nghiệp, Bình Dương đã thu hút 157 dự án đầu tư đăng ký mới, 120 lượt điều chỉnh tăng vốn, 08 lượt điều chỉnh giảm vốn và 60 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,7 tỷ đô la Mỹ, tương đương 198% so với cùng kỳ, chiếm 89% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh. Bên ngoài các khu công nghiệp, tỉnh ghi nhận 49 dự án đầu tư mới, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn, 5 lượt điều chỉnh giảm vốn và 67 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 206,6 triệu đô la Mỹ.
Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 151 dự án đầu tư đăng ký mới, 135 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và 90 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 1,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 91,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 83,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 39,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 2,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, trong năm 2024, Bình Dương đã thu hút đầu tư từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 460,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 341,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 18%. Samoa xếp thứ ba với tổng vốn đăng ký đạt 304,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 16,1%. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp theo bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, BritishVirginIslands, Ấn Độ, Seychelles,…
Theo đối tác đầu tư, Bình Dương hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư. Trong đó, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Samoa, Hàn Quốc, B.V.I, Hồng Kông, Cayman Islands, Trung Quốc và Đan Mạch chiếm hơn 84% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký hơn 35,6 tỷ đô la Mỹ. Đài Loan dẫn đầu với 896 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 6,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm 20% về số dự án và 16% về số vốn. Nhật Bản đứng thứ hai với 357 dự án, tổng vốn đăng ký 5,99 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn. Singapore xếp thứ ba với 320 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 5,92 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7% về số dự án và 14% về số vốn.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau Thành phố Hồ Chí Minh) với 4.399 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lựcvới tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,4 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Quy mô trung bình mỗi dự án đạt khoảng 9,5 triệu đô la Mỹ.
Hình 2: Hình ảnh học tập công tác chuyển đổi số, IOC từ Trung Quốc (Đài Loan)
Để đạt được kết quả tích cực trên và trở thành một địa phương luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, Bình Dương đã nỗ lực không ngừng nghỉ với những cách làm mới, quyết liệt trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể như sau:
- Tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh của tỉnh
Bình Dương tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý. Trong đó, tỉnh đã triển khai các khu công nghiệp trọng điểm như Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp VSIP III, và Khu công nghiệp Cây Trường với hệ thống hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tỉnh đầu tư vào các dự án mở rộng quốc lộ 13, cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, giúp kết nối các khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn một cách thuận tiện.
Song song với đó, Bình Dương chú trọng phát triển các hạ tầng xã hội như hệ thống nhà ở, y tế và giáo dục, đặc biệt dành cho lực lượng lao động trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động mà còn tạo sức hút mạnh mẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu ổn định nhân lực. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính được xem là một ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã áp dụng mô hình “một cửa liên thông,” đồng thời đơn giản hóa và số hóa quy trình cấp phép đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng và đất đai, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, Bình Dương thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin và sự đồng hành giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
- Không ngừng đổi mới sáng tạo
Một trong những sáng kiến nổi bật của tỉnh là triển khai Đề án thành phố thông minh Bình Dương và xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo. Những dự án này không chỉ tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn và bền vững mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bình Dương trong việc đón đầu xu hướng phát triển toàn cầu, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế.
- Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Công tác xúc tiến đầu tư cũng được Bình Dương đổi mới toàn diện. Tỉnh thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện như hội chợ triển lãm công nghiệp, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tìm hiểu cơ hội đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các sự kiện giao lưu văn hóa và thể thao quốc tế cũng được lồng ghép với hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, góp phần xây dựng hình ảnh Bình Dương là một điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ nhằm mời gọi đầu tư mà còn tập trung vào việc củng cố vị thế và thương hiệu của tỉnh trên trường quốc tế.
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng lao động, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trong việc nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ năng quản lý và sáng tạo được triển khai đồng bộ, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Hoàng Phong
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương