Biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào? [Cập nhật]
Biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào? [Cập nhật]
Biên lai và hóa đơn được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Cụ thể, biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào, cùng theo dõi câu trả lời tại bài viết dưới đây.
Biên lai là gì? Hóa đơn là gì?
Biên lai là gì?
Hiểu đơn giản, biên lai là chứng từ dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thu thuế, phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Hiện nay, biên lai được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in. Trong đó,
Biên lai điện tử được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
Còn biên lai đặt in, tự in được thể hiện ở dạng giấy do cơ quan thuế, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí đặt in theo mẫu để sử dụng hoặc tự in trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các thiết bị khác khi thu thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
Theo điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2020, biên lai gồm:
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá;
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí in sẵn mệnh giá;
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí.
Hóa đơn là gì?
Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử.
Và hóa đơn điện tử bao gồm: Hóa đơn có mã/không có mã của cơ quan thuế/hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Cụ thể:
– Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
– Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
Biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào?
Biên lai và hóa đơn có điểm khác biệt cơ bản là hóa đơn dùng để ghi nhận thông tin bán hàng còn biên lai dùng để ghi nhận thông tin các khoản thuế, phí, lệ phí đã đóng.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
[…] 4. Chứng từ là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu thuế, phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Chứng từ theo quy định tại Nghị định này bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in. […]
Hóa đơn là một loại chứng từ kế toán được dùng để ghi nhận thông tin về việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn có 02 hình thức là hóa đơn điện tử và hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
Còn biên lai là tài liệu dùng để ghi nhận các thông tin về các khoản thu thuế, phí và lệ phí.
Như vậy, điểm khác nhau giữa hóa đơn và chứng từ là hóa đơn dùng để ghi nhận thông tin bán hàng còn chứng từ dùng để ghi nhận thông tin các khoản thuế, phí và lệ phí đã đóng.
Trên đây là giải đáp về vấn đề biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào, nếu cần thêm thông tin, độc giả vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.