5 điều khác biệt khi làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024
5 điều khác biệt khi làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024
- 1. Trẻ em cũng được làm thẻ Căn cước
- 2. Thu nhận mống mắt khi làm thẻ Căn cước
- 3. Được tích hợp thêm giấy khai sinh, thẻ BHYT khi làm thẻ Căn cước
- 4. Người dân được cấp Căn cước điện tử
- 5. Rút ngắn thời gian cấp thẻ Căn cước
1. Trẻ em cũng được làm thẻ Căn cước
Trước đây, các loại Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân chỉ cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu. Trong đó. Điều 23 Luật này hướng dẫn:
Đối với người dưới 06 tuổi
Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Nếu người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
Đối với người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi
Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Người đại diện sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
2. Thu nhận mống mắt khi làm thẻ Căn cước
Theo khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước, thông tin tin sinh trắc học của Công dân trong cơ sở dữ liệu Căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước, cán bộ Công an sẽ thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước.
Riêng thông tin về ADN và giọng nói, Điều 16 Luật Căn cước quy định chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc.
3. Được tích hợp thêm giấy khai sinh, thẻ BHYT khi làm thẻ Căn cước
The Điều 22 Luật Căn cước, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa.
Thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước bao gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Người dân có thể đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.
4. Người dân được cấp Căn cước điện tử
Căn cước điện tử là Căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử VNeID.
Điều 31 Luật Căn cước quy định, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin về:
– Nơi sinh.
– Nơi đăng ký khai sinh.
– Quê quán.
– Dân tộc.
– Tôn giáo.
– Quốc tịch.
– Nhóm máu.
– Số chứng minh nhân dân 09 số.
– Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
– Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
– Nơi thường trú.
– Nơi tạm trú.
– Nơi ở hiện tại.
– Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
– Thông tin nhân dạng.
– Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
– Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác theo đề nghị tích hợp của công dân.
5. Rút ngắn thời gian cấp thẻ Căn cước
Trước đây, thời hạn làm thủ tục cấp Căn cước công dân được quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 như sau:
1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp…
Theo Điều 26 Luật Căn cước 2023, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước trong mọi trường hợp được quy định thống nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Như vậy trong một số trường hợp, thời gian cấp thẻ Căn cước đã được rút ngắn.
Trên đây là 5 điều khác biệt khi làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024. Nếu có vướng mắc, bạn đọc gọi ngay 19006192 để được hỗ trợ.