4 tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ và cách ghi trong sổ

4 tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ và cách ghi trong sổ

Tài sản trên đất gồm nhiều loại khác nhau nhưng không phải loại tài sản nào cũng được ghi trong Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng). Theo quy định thì chỉ có 04 loại tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ nếu đủ điều kiện.
Mục lục bài viết[Ẩn]
  • 1. 4 loại tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ
  • 2. Điều kiện tài sản được chứng nhận quyền sở hữu
  • 3. Ghi tài sản gắn liền với đất trong Sổ đỏ như thế nào?
  • 3.1. Cách ghi thông tin nhà ở
  • 3.2. Cách ghi thông tin công trình xây dựng không phải là nhà ở
  • 3.3. Cách ghi thông tin tài sản là cây lâu năm
  • 3.4. Cách ghi thông tin tài sản là rừng sản xuất
Mục lục

    1. 4 loại tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ

    Căn cứ khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 và Điều 31, 32, 33, 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tài sản gắn liền với đất được chứng nhận quyền sở hữu và được ghi tại trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận) gồm:

    (1) Nhà ở;

    (2) Công trình xây dựng khác (công trình xây dựng không phải là nhà ở);

    (3) Rừng sản xuất là rừng trồng;

    (4) Cây lâu năm.

    Lưu ý: Để được chứng nhận quyền sở hữu thì điều kiện trước tiên là những loại tài sản trên tồn tại tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận.

    Như vậy, ngoài quyền sử dụng đất thì người dân còn được chứng nhận quyền sở hữu đối với các loại tài sản gắn liền với đất nếu có đủ điều kiện, gồm: Nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm.

    2. Điều kiện tài sản được chứng nhận quyền sở hữu

    * Đối với tài sản là nhà ở

    Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu.

    Giấy tờ dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gồm có nhiều loại, như: Giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực,…

    Xem chi tiết: Điều kiện chứng nhận quyền sở hữu cho nhà ở

    * Đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở

    Căn cứ Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, để được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở thì phải có các loại giấy tờ như: Giấy phép xây dựng, giấy tờ mua bán hoặc thừa kế hoặc tặng cho công trình xây dựng theo quy định pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực,…

    Xem chi tiết: Cấp Sổ đỏ cho công trình xây dựng

    * Đối với rừng sản xuất là rừng trồng

    Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mà vốn để trồng rừng, tiền đã trả để nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp cho Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách và có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 33 Nghị định này thì được chứng nhận quyền sở hữu.

    Xem chi tiết: Cấp Sổ đỏ cho rừng sản xuất là rừng trồng

    * Đối với cây lâu năm

    Theo Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu khi có một trong các giấy tờ theo quy định.

    Xem chi tiết: Cấp Sổ đỏ cho cây lâu năm

    Mặc dù pháp luật quy định tới 04 loại tài sản gắn liền với đất được chứng nhận quyền sở hữu và được ghi vào Giấy chứng nhận nhưng trên thực tế chỉ có nhà ở là loại tài sản mà người dân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận nhiều nhất, riêng tài sản là cây trồng lâu năm và rừng sản xuất là rừng trồng thì rất ít trường hợp có nhu cầu cấp sổ.

    Nếu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mà không có tài sản gắn liền với đất hoặc có tài sản gắn liền với đất nhưng chưa có nhu cầu chứng nhận quyền sở hoặc có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc có đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhưng không đủ điều kiện chứng nhận thì tại phần ghi về tài sản gắn liền với đất trên trang 2 của Giấy chứng nhận được thể hiện bằng dấu “-/-”.

    Ví dụ:

    2. Nhà ở:                                        -/-

    3. Công trình xây dựng khác:      -/-

    4. Rừng sản xuất là rừng trồng:  -/-

    5. Cây lâu năm:                              -/-

    tai san gan lien voi dat duoc cap so do

    3. Ghi tài sản gắn liền với đất trong Sổ đỏ như thế nào?

    Căn cứ Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, với mỗi loại tài sản gắn liền với đất sẽ có cách ghi thông tin trong Giấy chứng nhận khác nhau, cụ thể:

    3.1. Cách ghi thông tin nhà ở

    Xem chi tiết tại: Cách xem thông tin trong Sổ đỏ, Sổ hồng

    3.2. Cách ghi thông tin công trình xây dựng không phải là nhà ở

    Công trình xây dựng khác khi được chứng nhận quyền sở hữu thì thông tin ghi trong Giấy chứng nhận theo quy định như sau:

    – Loại công trình: Ghi tên công trình theo dự án đầu tư hoặc quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền.

    – Thông tin chi tiết về công trình xây dựng được thể hiện dưới dạng bảng sau:

    Hạng mục công trình

    Diện tích xây dựng (m2)

    Diện tích sàn (m2) hoặc công suất

    Hình thức sở hữu

    Cấp công trình

    Thời hạn sở hữu

    Trong đó:

    – Hạng mục công trình: Ghi theo tên hạng mục chính trong quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, giấy phép xây dựng hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư của cấp có thẩm quyền.

    – Diện tích xây dựng: Ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của công trình tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao công trình, bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân.

    – Diện tích sàn (hoặc công suất) được ghi theo quy định sau:

    + Công trình dạng nhà thì ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Đối với công trình một tầng thì ghi diện tích mặt bằng sàn xây dựng của công trình đó. Đối với công trình nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng.

    + Công trình kiến trúc khác thì ghi công suất của công trình theo quyết định đầu tư hoặc dự án đầu tư được duyệt hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư.

    – Hình thức sở hữu: Hạng mục công trình thuộc sở hữu của một chủ thì ghi “Sở hữu riêng”; trường hợp hạng mục công trình thuộc sở hữu chung của nhiều chủ thì ghi “Sở hữu chung”; trường hợp hạng mục công trình có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt “Sở hữu riêng”, “Sở hữu chung” ở các dòng dưới kế tiếp; đồng thời ghi diện tích thuộc sở hữu riêng và diện tích thuộc sở hữu chung vào các dòng tương ứng ở các cột “Diện tích xây dựng”, “Diện tích sàn hoặc công suất”.

    – Cấp công trình xây dựng: Ghi theo quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

    – Thời hạn được sở hữu công trình được ghi như sau:

    + Trường hợp chủ sở hữu công trình trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác thì ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn thuê, mượn.

    + Trường hợp mua bán công trình có thời hạn thì ghi ngày tháng năm kết thúc theo hợp đồng mua bán công trình.

    + Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”;

    Lưu ý: Công trình xây dựng gắn liền với đất phải là loại công trình thuộc hệ thống phân loại công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    3.3. Cách ghi thông tin tài sản là cây lâu năm

    – Loại cây: Ghi loại cây lâu năm được trồng; nếu trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm thì ghi lần lượt các loại cây lâu năm chủ yếu được trồng.

    – Diện tích: Ghi diện tích trồng cây lâu năm được cấp Giấy chứng nhận bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông.

    – Hình thức sở hữu: Vườn cây lâu năm thuộc sở hữu của một chủ thì ghi “Sở hữu riêng”; vườn cây lâu năm thuộc sở hữu chung của nhiều chủ thì ghi “Sở hữu chung”; nếu có phần diện tích thuộc sở hữu riêng và có phần diện tích thuộc sở hữu chung thì ghi “Sở hữu riêng… m2; sở hữu chung… m2”.

    – Thời hạn sở hữu: Thể hiện đối với trường hợp mua bán cây trồng lâu năm có thời hạn hoặc trồng cây lâu năm trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác; thông tin thể hiện là ngày tháng năm kết thúc thời hạn mua bán, thuê, mượn. Trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”.

    3.4. Cách ghi thông tin tài sản là rừng sản xuất

    Đối với rừng sản xuất là rừng trồng thì thể hiện thông tin trong Giấy chứng nhận như sau:

    – Loại rừng: Ghi loại cây rừng chủ yếu được trồng.

    – Diện tích: Ghi diện tích có rừng thuộc quyền sở hữu của người được cấp Giấy chứng nhận bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông.

    – Nguồn gốc tạo lập thể hiện như sau:

    + Trường hợp Nhà nước giao có thu tiền thì ghi “Được Nhà nước giao có thu tiền”.

    + Trường hợp Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không thu tiền thì ghi “Được Nhà nước giao không thu tiền”.

    + Đối với rừng do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận tự trồng bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách thì ghi “Rừng tự trồng”.

    + Trường hợp rừng có nhiều nguồn gốc đối với từng phần diện tích khác nhau thì lần lượt thể hiện từng loại nguồn gốc và diện tích rừng theo từng nguồn gốc kèm theo.

    – Hình thức sở hữu: Trường hợp thuộc thuộc sở hữu một chủ thì ghi “Sở hữu riêng”; nếu rừng thuộc sở hữu chung của nhiều chủ thì ghi “Sở hữu chung”; trường hợp có phần diện tích thuộc sở hữu riêng và có phần diện tích thuộc sở hữu chung thì ghi “Sở hữu riêng… m2; sở hữu chung… m2”.

    – Thời hạn sở hữu: Thể hiện đối với trường hợp mua bán rừng có thời hạn hoặc rừng trồng trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác; thông tin thể hiện là ngày tháng năm kết thúc thời hạn mua bán, thuê, mượn. Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”.

    Trên đây là những loại tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ, điều kiện được chứng nhận quyền sở hữu đối với các loại tài sản đó và cách thể hiện trong Giấy chứng nhận. Nếu cần giải đáp về các quy định trên hoặc các quy định khác có liên quan hãy gọi tới tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *