BÌNH DƯƠNG – TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH 9 THÁNG NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2023
BÌNH DƯƠNG – TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH 9 THÁNG NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2023
Tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường: kinh tế thế giới vừa có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid – 19 lại suy thoái do ảnh hưởng của xung đột quân sự; thương mại, đầu tư quốc tế thu hẹp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro; lạm phát tăng cao ở một số nền kinh tế lớn, giá cả, nguyên liệu vật tư đầu vào, xăng dầu biến động mạnh. Trong bối cảnh đó, với ý chí quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chỉnh phủ, các chỉ đạo của Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, tập trung chỉ đạo đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông để tạo không gian phát triển mới, kết nối vùng; tăng cường giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chú trọng công tác đối ngoại. Cụ thể như sau:
I. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh 9 tháng năm 2023
1. Về phát triển kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%); trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%[1]. Dự kiến GRDP năm 2023 tăng 6,0% so với cùng kỳ (Kế hoạch 8,5-8,7%)[2].
Chủ tịch UBND tỉnh – Ông Võ Văn Minh phát biểu tại phiên họp
UBND tỉnh lần thứ 44 ( Nguồn: Báo Bình Dương)
a) Công nghiệp: Bình Dương tiếp tục là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc gia. Phát triển công nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với phát triển các dịch vụ, hạ tầng xã hội, công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, đặc biệt vấn đề nhà ở cho công nhân. Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, đúng định hướng. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2023 ước tăng 4,0% (cùng kỳ tăng 8,6%).
Về hoạt động khu công nghiệp và cụm công nghiệp: các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn đạt 2.003 tỷ đồng (bằng 55,5% so với cùng kỳ), các khu công nghiệp đã cho thuê 10,3ha đất và 45,1 ngàn m2 nhà xưởng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 590 triệu đô la Mỹ (chiếm 46% cả tỉnh). Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 1,3 tỷ đô la Mỹ, doanh thu đạt 22 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt 15,5 tỷ đô la Mỹ (chiếm 67,4% cả tỉnh). Tập trung triển khai thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp VSIP 3 giai đoạn 2, các thủ tục đầu tư khu công nghiệp Cây Trường theo quy định .
b) Nông nghiệp: Ngành nông nghiệp được định hướng cơ cấu theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam nhằm cơ cấu lại và tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái. Tính đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.934,6 ha (giảm 5%) với các loại cây trồng. Có khoảng 580 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng, trong đó có 172ha đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 148 trang trại gà và 255 trang trại heo. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục triển khai làng thông minh tại xã Bạch Đằng; phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cho 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 39 sản phẩm đạt 3 sao.
c) Thương mại, dịch vụ: Thương mại dịch vụ thu hút ngày càng lớn sự quan tâm, tham gia của các thành phần kinh tế với nhiều loại hình phân phối. Hệ thống hạ tầng thương mại – dịch vụ không ngừng được đầu tư, phát triển và nâng cấp, chỉnh trang. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng13,4% so với cùng kỳ.
Dịch vụ logistics cũng có nhiều khởi sắc, đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ logistics đạt mức độ 3PL và 4PL. Các hệ thống này đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu thời gian qua.
d) Xuất, nhập khẩu: hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày). Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ đô la Mỹ, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,9%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 14,8% (cùng kỳ giảm 1,6%)[3].
Một góc thành phố mới Bình Dương (ảnh minh họa)
2. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế
a) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ; trong đó, vốn nhà nước 13.713 tỷ đồng, tăng 91,6%; vốn ngoài nhà nước 53.041 tỷ đồng, tăng 4,4%; vốn đầu tư nước ngoài 43.170 tỷ đồng, tăng 6,1%.
b) Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công từ đầu năm đến ngày 15/9/2023 đạt 9.657 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch năm 2023 HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 37,8%) và đạt 79,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
c) Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, tính đến 15/9/2023, đã thu hút 63.858 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 3,9% so với cùng kỳ); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.016 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 694 ngàn tỷ đồng. Thu hút đầu tư trong nước đạt 36.266,2 tỷ đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ), số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới là 4.728 doanh nghiệp (giảm 1,8% so với cùng kỳ); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.167 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40,2 tỷ đô la Mỹ.
d) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 44.080 tỷ đồng, đạt 67% dự toán Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao và đạt 59% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 91,3% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa 32.552 tỷ đồng, đạt 72% dự toán TTCP giao và đạt 68% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 98,7%; thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu 11.528 tỷ đồng, đạt 57% dự toán TTCP giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 75%. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.126 tỷ đồng, đạt 50% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển: 8.771,8 tỷ đồng, đạt 48% dự toán HĐND tỉn.
3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị
Về phát triển hạ tầng giao thông: Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm: khu công nghiệp VSIP III, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2; bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường, Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13; nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cảng An Tây.
Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương tính đến nay đạt 84% (tương đương các quốc gia công nghiệp phát triển). Hiện nay, việc phát triển đô thị đồng thời với phát triển công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp “xanh, sạch” và các khu dân cư cho người lao động có đầy đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hoá đang được quan tâm đầu tư.
4. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo
Năm học 2022-2023 cơ bản hoàn thành nội dung và chương trình; chất lượng đào tạo, trình độ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học tiếp tục được giữ vững và nâng cao; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học và học sinh xếp loại khá, giỏi đều tăng so với năm học trước[4]; kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2023 quả đạt 34 giải; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, an toàn, minh bạch và đúng quy chế với tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,76%; điểm trung bình chung các môn thi là 7,018 điểm, xếp hạng 02/63 tỉnh, thành phố.
Từng bước phát triển giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm nâng cao giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, theo đó phấn đấu đến cuối năm 2023, Bình Dương có tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 83%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 33%. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 trường đại học, 01 trường cao đẳng, 86 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: tỉnh đã ban hành các quyết định và kế hoạch thực hiện để tạo đột phát trong quá trình nâng cao chất lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trong thực hiện mô hình Kết nối Ba nhà (nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường, viện).
5. Chăm sóc sức khỏe nhân dân
Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực khám và điều trị bệnh cho người dân; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm[5]; triển khai mô hình điểm khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; thực hiện rà soát, sửa đổi chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo cho nhân viên y tế; hoàn thiện Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đi vào hoạt động[6]. Tiếp tục phát triển bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đến nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,9%.
6. Phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội
Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm[7]; các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tổ chức trưng bày chuyên đề “Hình ảnh và hiện vật của Chủ tịch nước – Nguyễn Minh Triết, giai đoạn 2006 – 2011”; công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”; giải quyết vướng mắc trong quy hoạch Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; phê duyệt Ngân hàng dữ liệu tên đường và bổ sung danh mục tên để đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được thường xuyên tổ chức; phối hợp đăng cai tổ chức giải vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 14; đoàn thể thao tỉnh xếp hạng 8/65 toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9; cử vận động viên cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 đạt 09 huy chương các loại. Hoạt động du lịch có sự khởi sắc sau dịch Covid-19; triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh; trong 9 tháng đã thu hút 2,2 triệu lượt khách (tăng 144% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 144%).
7. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 – 2025) cấp tỉnh; đẩy mạnh thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai. Xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2023; kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2023 – 2025; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí và nước mặt giai đoạn 2024 – 2030. Tập trung theo dõi, triển khai các nhiệm vụ, đề án trọng tâm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến nay, 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để. Quản lý, theo dõi 108 trạm quan trắc nước thải tự động và 39 trạm quan trắc khí thải tự động đã được xác nhận kết nối dữ liệu về trung tâm để theo dõi. Vận hành 04 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất xử lý 69.650 m3/ngày. Đến nay, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 37%.
Tỉnh đã tiến hành đầu tư 03 dự án nhằm cả thiện môi trường và đang triển khai đầu tư 02 dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ cải thiện chất lượng nước thải, bảo vệ chất lượng nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
8. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tính đến nay, Bình Dương đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với 11 địa phương nước ngoài. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội thông qua việc phối hợp tổ chức Hội nghị trực tiếp, trực tuyến nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động theo thỏa thuận đã được ký kết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động xây dựng mối quan hệ và đang là thành viên chính thức, đối tác đáng tin cậy của 03 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).
Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoàn thành công tác giao quân năm 2023 đảm bảo chất lượng, số lượng; tổ chức tốt hội nghị và tham quan mô hình điểm về công tác quốc phòng địa phương, dân quân tự vệ; diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh diễn ra đúng kế hoạch, nội dung và tiến độ; chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị; ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm, chuyển hóa địa bàn; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng, thành lập Đảng, dịp Tết, sự kiện kinh tế, xã hội và các đoàn lãnh đạo Trung ương đến thăm và làm việc tại tỉnh. Triển khai thực hiện “16 mô hình điểm” nhằm đẩy mạnh Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và chiến dịch “60 ngày” thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện.
II. Đánh giá tình hình chung
Tình hình kinh tế – xã hội đạt được một số kết quả tích cực. Trong số 35 chỉ tiêu chủ yếu, đến nay đã có 19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm; 02 chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu). UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2023 để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra (chi tiết phụ biểu đính kèm).
Kinh tế từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, cụ thể GRDP quý I tăng 1,71%, quý II tăng 5,73%, quý III tăng 7,0% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,4%; tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài được duy trì ổn định; giá trị giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 6.300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các công trình trọng điểm, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt chính sách cho các đối tượng; đã thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công với cách mạng; các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên, kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông duy trì ổn định và xếp hạng cao so với các tỉnh, thành phố. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương tiếp tục khẳng định chiến lược, tầm nhìn và tiếp tục được ICF vinh danh TOP 7; hoạt động đổi với sáng tạo được quan tâm chỉ đạo và thu hút nhiều viện, trường, doanh nghiệp tham gia. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, cơ cấu tổ chức các cơ quan đơn vị được sắp xếp, kiện toàn đảm bảo tiêu chí quy định. Kịp thời rà soát, nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới một số chính sách đặc thù trên một số ngành, lĩnh vực đáp ứng tình hình thực tiễn.
Phiên họp UBND tỉnh lần thứ 44(Nguồn: Báo Bình Dương)
*Những khó khăn, tồn tại:
Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn: đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn nhưng vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp. Giá cả sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi biến động bất thường trong thời gian dài trong khi giá phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm vẫn ở mức cao nên một số người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.
Người lao động bị ảnh hưởng việc làm trong khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu (xăng, điện, giá lương thực,…) gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng yếu thế, sẽ gây áp lực an sinh xã hội và tiềm ẩn an ninh trật tự trong thời gian tới.
Tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, đề án lớn của ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo chậm so với kế hoạch. Số lượng học sinh tiếp tục tăng cao gây nhiều áp lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên đối với ngành giáo dục. Số giáo viên, nhân viên y tế xin nghỉ, rời khỏi khu vực công lập tăng mạnh.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường nhưng một số đơn vị, cán bộ, công chức còn đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm nhưng án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng.
II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2023
Trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức từ kinh tế, chính trị thế giới, để duy trì và phát huy các thành quả đạt được trong 9 tháng cũng như quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; đề nghị các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2024. Tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước, nước ngoài.
2. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp – dịch vụ hiện đại dựa trên phát triển kế thừa và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh thu hút, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế đêm, du lịch trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Tập trung phát triển các ngành dịch vụ logistic, dịch vụ thương mại và dịch vụ khoa học – công nghệ , dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông, các cảng cạn, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Phát triển hạ tầng giao thông toàn tỉnh gắn với các trung tâm logistics, thương mại điện tử.
3. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm ở các đô thị, khu cụm công nghiệp, lưu vực sông và khu vực nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng ít phát thải các – bon; nghiên cứu xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.
4. Chủ động theo dõi tình hình thời tiết; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. Tổ chức Hội thảo cuối kỳ, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 – 2025) tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm, trong đó có dự án ngành giao thông; khẩn trương triển khai các dự án tái định cư.
5. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động để có phương án kết nối hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm kết nối vùng; phấn đấu hoàn thành xây dựng Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10/2025 và dự án Trường Chính trị để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; đầu năm 2024 khởi công cụm công trình đường Vành đai 4 và cảng An Tây chào mừng 27 năm ngày tái lập tỉnh Bình Dương; đẩy nhanh công tác di dời lưới điện, bàn giao mặt bằng thi công, quyết tâm đưa dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 vào sử dụng đúng dịp 30/4/2024; hoàn thành toàn tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng trong năm 2023; Hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành để khởi công vào quí I/2024 và giải ngân hết số vốn Trung ương phân bổ về cho địa phương; khởi công đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An…
7. Tổ chức tốt hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, chào mừng năm mới 2024 và Tết Giáp Thìn. Thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh; đảm bảo hạ tầng phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Xây dựng chính sách huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao.
8. Chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Tiếp tục tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và chuẩn bị công tác tuyển quân năm 2024; triển khai đề án camera giám sát giao thông, an ninh trật tự; kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư: thăm các lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, ký kết hợp tác với tỉnh Artemisa (Cuba), kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Singapore, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Horasis và Horasis Trung Quốc (đầu năm 2024); chuẩn bị tốt các điều kiện cho đoàn lãnh đạo tỉnh đi công tác nước ngoài.
Qua việc đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh 9 tháng đầu năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2025./.
Thành Nhân
[1] Ước tính của Cục Thống kê tỉnh.
[2] Tổng cục Thống kê công bố tại công văn số 1165/TCTK-TKQG ngày 12/7/2023.
[3]Thặng dư thương mại 6,9 tỷ đô la Mỹ.
[4] Học sinh khá giỏi cấp trung học cơ sở đạt 60,3%; cấp trung học phổ thông đạt 73,8%. Đạt 31 giải học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2023: 01 giải nhất, 03 giải nhì, 08 giải ba và 19 giải khuyến khích.
[5] Ghi nhận 1.898 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 5,4 lần so cùng kỳ năm 2022) và 4.648 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp đôi cùng kỳ).
[6]Gói thầu cung cấp và lắp đặt các hệ thống kỹ thuật đạt 92,2% khối lượng, gói thầu lắp đặt thiết bị hệ thống khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đạt 89% khối lượng, hiện đang đấu thầu chọn thuê đơn vị “vận chuyển trang thiết bị và đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường vào vận hành, hoạt động”.
[7] Kỷ niệm 26 năm Bình Dương tái lập và phát triển (01/01/1997 – 01/01/2023); chào mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2023); Giổ tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3), Ngày giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (01/5), chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), Lễ Quốc khánh (2/9).
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3824817 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương