Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp Vùng và quốc gia

Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp Vùng và quốc gia

Nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã đề ra một loạt các giải pháp trọng tâm cần chú trọng thực hiện, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia. Bên cạnh đó, tháng 4 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tin tưởng chọn Bình Dương là địa phương để tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hình 1: Hội nghị lần thứ I Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

tại UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Với quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội,…Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách”.Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong nhiều năm qua bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, duy trì và nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, không ngừng cải thiện, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ ngân sách để ngành giáo dục và đào tạo phát triển tương xứng với tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh; đảm bảo thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là con em của lực lượng lao động – những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội và sự phát triển chung của tỉnh.

“Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban chấp hành Trung ương Đảng đề cập trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, công tác xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề được tỉnh đặc biệt quan tâm, khuyến khích, ưu đãi, mời gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư, tạo được sự đồng thuận và huy động nguồn lực của toàn xã hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cấp các phương tiện dạy và học. Quy mô trường, lớp tiếp tục được đầu tư, mở rộng ở nhiều cấp độ từ mầm non đến bậc đại học; loại hình trường công lập và ngoài công lập có bước phát triển, đạt nhiều kết quả nổi bật.Đến năm 2022, hệ thống trường, lớp các cấp học đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em Nhân dân. Bình Dương có 91/91 xã, phường, thị trấn có trường mầm non và tiểu học, đạt tỷ lệ 100%; 09/09 huyện, thị xã, thành phố có trường trung học phổ thông đạt tỷ lệ 100%, 74/91 xã, phường, thị trấn có trường trung học cơ sở, tỷ lệ 81,31%;

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục và đào tạo cả nước, nâng tầm hoạt động cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Điều đó đã thể hiện bằng chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là chất lượng giáo dục, các năm học vừa qua số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng lên đáng kể, trong đó đạt nhiều thành tích cao; đã có các học sinh của Bình Dương được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vào đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế;kết quả thi Tốt nghiệp THPT các năm qua đều đứng thứ hạng cao trong cả nước, chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng nâng cao thành tích; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 100%.

Công tác đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN đã từng bước gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm tăng lên, bình quân 40.000 học sinh, sinh viên/năm. Đội ngũ nhà giáo GDNN được nâng cao về chất lượng và chuẩn hóa, nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá trong GDNN thời gian qua đã được triển khai như: Mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, mô hình tuyển sinh gắn với tuyển dụng, mô hình liên kết đào tạo vừa làm vừa học tại doanh nghiệp,… Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 82%; trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% cao hơn bình quân chung cả nước; nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các hội thi, hội giảng, kỳ thi Kỹ năng nghề cấp tỉnh và cấp quốc gia, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng, góp phần hình thành đội ngũ lao động chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động và phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Do Bình Dương là địa phương phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút đông đảo nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi năm dân số của Bình Dương tăng trung bình khoảng 100.000 dân. Với tốc độ tăng dân số cơ học hàng năm cao, hiện có hơn 53,5% trên tổng số gần 2,8 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập, chủ yếu tập trung ở các vùng có nhiều khu, cụm công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao, điều này đã tạo nên áp lực trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và khả năng giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội; nhất là trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục. Với số học sinh các cấp học tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng hơn 20.000 học sinh, nhiều trường học có sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học và tình trạng thiếu giáo viên… Điều này buộc Ngành giáo dục và đào tạo phải thực hiện đồng bộ nhiều phương án, giải pháp căn cơ, phù hợp để đảm bảo cho học sinh có chỗ học, nhất là trẻ mầm non và học sinh bậc tiểu học; dẫn đến ảnh hưởng công tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Đồng thời, lĩnh vực GDNN tỉnh Bình Dương cũng còn một số bất cập như quy mô tuyển sinh, số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đa dạng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nguồn lực đầu tư cho GDNN hàng năm có tăng nhưng chưa tương xứng với yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, thiếu quỹ đất dành cho giáo dục nghề nghiệp ở các vùng trung tâm đông dân cư, cơ chế thực hiện chính sách xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp còn khó thực hiện, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh; công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được doanh nghiệp chú trọng, chưa khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.

Mặc dù hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 08 trường đại học đóng trên địa bàn (với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hơn 8.000 sinh viên mỗi năm) cùng với 86 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 05 trường được phê duyệt có ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025), đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bổ sung lực lượng lao động cho tỉnh và một số địa phương lân cận, cơ bản học viên, sinh viên sau tốt nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và hội nhập với thị trường lao động của khu vực; tuy nhiên quy mô đào tạo trình độ đại học, sau đại học vẫn còn hạn chế, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ thấp hơn mức bình quân trong khu vực và cả nước; chất lượng và số lượng đào tạo vẫn còn khiêm tốn, chỉ mới đáp ứng được một phần yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là các ngành nghề mà tỉnh và vùng đang cần (như kinh tế, tài chính, logistic, trí tuệ nhân tạo và các ngành cơ khí, kỹ thuật công nghệ khác).

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hình 2: Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ đã xác định: “Thành phố HCM, Bình Dương, Đồng Nai là trung tâm phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo”;  bên cạnh đó có Tiểu vùng trung tâm, trong đó có khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục – đào tạo…. Tiểu vùng phía Bắc, trong đó có khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương là khu phát triển kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng”.

Với mục tiêu phấn đấu Bình Dương sẽ trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thi loại I, trực thuộc Trung ương, Việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh – công nghiệp 4.0, cùng cả nước hướng tới mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình đang trở thành một trong những yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển của Bình Dương.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng; trong thời gian tới,Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Đối với bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT:

– Rà soát, thống kê nhu cầu trường, lớp theo từng cấp học gắn với dự báo quy mô dân số ở từng địa bàn, địa phương; đối chiếu tiêu chuẩn, định mức, quy mô xây dựng trường lớp theo quy định của Trung ương, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh để bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học theo từng năm, trung hạn, dài hạn nhằm đảm bảo cho học sinh có đủ chỗ học, nhất là con em công nhân lao động.

Tiếp tục quan tâm, ưu tiên phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục đào tạo ở nhiều cấp độ từ GDMN đến GDĐH, từ giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cho đến giáo dục thường xuyên, hướng tới xây dựng xã hội học tập để đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên nhằm duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo đã đạt được trong thời gian qua trước áp lực tăng dân số cơ học hàng năm khoảng 20.000 học sinh, chủ yếu là trẻ mầm non và tiểu học.

– Đẩy mạnh công tác XHH giáo dục thông qua việc xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, mời gọi các cá nhân, tổ chức tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nhằm giảm tải áp lực cho nhà nước về ngân sách và biên chế sự nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện kiểm soát, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

2. Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học:

– Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các trường cao đẳng đào tạo nhiều cấp trình độ, nhiều ngành nghề, giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GDNN, phát triển đồng bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở GDNN.

– Tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng, hình thành các Trường nghề chất lượng cao có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đại học và GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường; thu hút các tập đoàn giáo dục, công nghệ hàng đầu hợp tác đầu tư, đào tạo tại Bình Dương như tập đoàn FPT..; Nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu KHCN, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn ở một số trường đại học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp KHCN hợp tác với doanh nghiệp để sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

– Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung – cầu lao động với GDNN để đảm bảo việc làm bền vững cho lao động sau học nghề.

– Tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN, tiếp nhận có chọn lọc và sử dụng có hiệu quả các bộ chương trình chuyển giao từ nước ngoài; xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động.

– Để tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, đặc biệt là thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục đại học,Bình Dương sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các trường ĐH trên địa bàn theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nhất là ĐHQG Tp HCM và Trường Đại học Việt – Đức (đây là 02/08 cơ sở giáo dục ĐH trú đóng trên địa bàn Bình Dương).

3. Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố nằm trong trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng; do đó, Bình Dương sẽ nghiên cứu, xây dựng chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo đủ hấp dẫn về làm việc, sinh sống tại Bình Dương; qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào quy mô tăng trưởng của tỉnh.

4.Theo quy hoạch, dự kiến Bình Dương sẽ đầu tư Khu liên hợp Văn hóa – Thể dục – Thể thao – Y tế – Giáo dục với quy mô 1.500ha; trong đó có ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở giáo dục đại học. Rất mong Chính phủ, Bộ GDĐT xem xét, giao chỉ tiêu quy hoạch cơ sở giáo dục đại học để Bình Dương có cơ sở triển khai thực hiện.

 Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết nội vùng nói riêng và cả nước nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm tránh đầu tư trùng lắp giữa các địa phương và đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế vùng.

Nhị Hà

Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3824817 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]

Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *