Kết quả phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bình Dương năm 2024

Kết quả phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bình Dương năm 2024

Mục lục

     


    Ảnh minh họa: Thành phố mới Bình Dương

    Đến cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương có 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh đạt và vượt kế hoạch, kết quả là minh chứng cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả của các chính sách điều hành phát triển của địa phương, cụ thể:

    – Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Tăng 7,48% so với năm 2023 (năm 2023 tăng 5%), GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng. Điều này cho thấy Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là sự phục hồi của các ngành công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực lớn cho sự phát triển những năm tiếp theo.

    – Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp chiếm 64,93%, dịch vụ chiếm 25,08%, nông nghiệp chiếm 2,73%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 7,26%, cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đóng góp vào phát triển thương mại và xuất khẩu.

    – Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,6% so với năm 2023 (năm 2023 tăng 6,1%), cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, các ngành chủ lực phục hồi tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

    – Thương mại và dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 351.640 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2023, cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của tỉnh đã phát huy hiệu quả, thị trường tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển.

    – Xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023; thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD, kết quả suất siêu lớn, giúp cải thiện cán cân thanh toán và tích lũy ngoại hối, tăng năng suất lao động, từ đó tạo ra cơ hội việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại tỉnh.

    – Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 71.234 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tổng thu ngân sách vượt dự toán, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư công và xã hội, tập trung vào các dự án trọng điểm như giao thông và đô thị thông minh, nâng cao năng lực liên kết, kết nối vùng.

    – Đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Vốn đăng ký kinh doanh trong nước thu hút trên 80.000 tỷ đồng và trên 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chỉ số cho thấy đầu tư trong và ngoài nước ổn định, vốn đăng ký kinh doanh nội địa cao, góp phần tạo việc làm và nâng cao năng lực sản xuất.

    Với kết quả trên, có thể thấy tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước những kết quả đã đạt được, Bình Dương cũng đối mặt với một số khó khăn như:

    Thứ nhất, tỷ trọng công nghiệp cao phụ thuộc vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự phụ thuộc này làm tăng tính dễ tổn thương của nền kinh tế trước các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là khi chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các xung đột địa chính trị, khủng hoảng kinh tế hoặc thiên tai. Khi các yếu tố toàn cầu bất ổn, ngành công nghiệp của tỉnh có thể bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thương mại và xuất khẩu.

    Thứ hai, áp lực cạnh tranh khi mà các tỉnh lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đều đang áp dụng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh đó hạ tầng, môi trường kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực tại các tỉnh này cũng được cải thiện đáng kể, tạo sức ép về nguồn lực và môi trường đầu tư, khiến việc thu hút các dự án đầu tư chiến lược trở nên khó khăn hơn.

    Thứ ba, nguồn nhân lực chưa đồng đều, thiếu lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp, theo thống kê tại tỉnh Bình Dương phần lớn là lao động phổ thông từ các tỉnh thành khác đến, chỉ có 32% là lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời hệ thống đào tạo nghề chưa bắt kịp xu thế phát triển công nghiệp 4.0, dẫn đến sự thiếu hụt lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao. Điều này, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất và sức cạnh tranh, hạn chế khả năng thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
    Thứ tư, Bình Dương có quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng nhưng chưa đi kèm với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm đồng bộ, đặc biệt các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng và tài nguyên (ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành chế biến gỗ, ngành dệt nhuộm, sản xuất da,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, và đất đai ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống và khả năng phát triển bền vững.

    Thứ năm, ngành dịch vụ của tỉnh chủ yếu tập trung vào thương mại truyền thống, thiếu các ngành dịch vụ tài chính, công nghệ cao hoặc dịch vụ giá trị gia tăng. Điều này hạn chế đóng góp của ngành dịch vụ vào cơ cấu kinh tế, giảm khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đa chiều, mất cơ hội mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, thu hút nhân lực trình độ cao.

    Thứ sáu, còn điểm nghẽn về giao thông liên vùng và hạ tầng đô thị, mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách và biện pháp xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm, tạo kết nối vùng, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, quy mô và khả năng sử dụng quỹ đất ngày càng hạn chế, khiến cho hiệu quả đầu tư bị phân tán, buộc các dự án hạ tầng phải di chuyển xa hơn so với các trung tâm sản xuất và đầu mối giao thông hiện hữu.

    Trước những khó khăn nêu trên, tỉnh cần đề ra các giải pháp trong việc đa dạng hóa kinh tế, phát triển dịch vụ chất lượng cao, giảm phụ thuộc vào công nghiệp chế biến, trong đó xem xét chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ chất lượng cao như tài chính, công nghệ, logistics, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao để giảm sự phụ thuộc vào chế biến, chế tạo. Đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng lao động, cụ thể như tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kỹ năng phù hợp với công nghiệp 4.0, chú trọng vào các lĩnh vực kỹ thuật số và tự động hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để nâng cao hiệu quả; Quản lý môi trường tăng cường kiểm soát ô nhiễm, ban hành các chính sách ưu đãi trong việc đầu tư vào các ngành năng lượng sạch, kinh tế xanh; Cải thiện hạ tầng thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng, giảm ùn tắc và chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

    Thảo Nhi

    Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
    Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
    Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
    Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
    Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
    phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.

     

    Chung nhan Tin Nhiem Mang

    Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Đội hỗ trợ kê khai thuế, giấy phép và dịch vụ công: 0906.657.659 - Phí hỗ trợ online đăng ký chỉ từ 150 - 300k tùy loại. Liên hệ qua zalo A Vương để hỗ trợ nha!
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Dịch vụ kế toán Lộc Phát
    Ủng hộ dịch vụ Lộc Phát nha! Cảm ơn các bạn!