Tình hình tiếp nhận viện trợ của tỉnh Bình Dương tính đến cuối Quý III năm 2024 và những khó khăn, vướng mắc

Tình hình tiếp nhận viện trợ của tỉnh Bình Dương tính đến cuối Quý III năm 2024 và những khó khăn, vướng mắc

Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận, thương mại có hiệu lực ngày 19 tháng 7 năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị định 80/2020/NĐ-CP). Từ khi có hiệu lực, Nghị định và các văn bản liên quan đã đem lại những tác động tích cực trong việc quản lý và sử dụng viện trợ trên phạm vi toàn xã hội.

Tổ chức phi chính phủ (Non governmental organization, viết tắt NGO)

Tại tỉnh Bình Dương, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có lĩnh vực hoạt động chủ yếu là y tế, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo tồn động vật hoang dã. Các dự án có ngân sách lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế, đối tác là các Bộ, ngành Trung ương, chi phí dự án dành cho các hoạt động tập huấn, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật, kỹ năng quản lý và điều trị trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các dự án bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến cuối Quý III năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 04 quyết định tiếp nhận các dự án: Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2024 về phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ thực hiện dự án Phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2023 – 2028; Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2024 về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao năm 2024 – 2025 tại Bình Dương; Quyết định số 1789/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2024 về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ dự án Thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ dự phòng và hỗ trợ điều trị HIV cho nam thanh niên di cư có quan hệ đồng giới; Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2024 về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ dự án Tăng cường nặng lực hỗ trợ kỹ thuật HIV của Việt Nam tại tỉnh Bình Dương.

Những khoản viện trợ này đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ chính quyền giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, khắc phục hậu quả của dịch bệnh lây lan, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời thúc đẩy thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Các hoạt động của tổ chức phi chính phủ trên địa bàn tỉnh luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với các khoản viện trợ được thực hiện chặt chẽ, linh hoạt và thường xuyên, giúp đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội và củng cố hợp tác quốc tế tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và áp dụng Nghị định và các văn bản liên quan, vẫn tồn tại một số khó khăn và vướng mắc:

– Về đối tượng áp dụng: Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP chưa quy định rõ về đối tượng tiếp nhận là các đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn cử như các trường đại học,.. do đó gây khó khăn trong việc thẩm định tiếp nhận viện trợ đối với các đối tượng này.

– Về tính chất các khoản chi: Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước quy định: “Mọi khoản viện trợ đều phải được phân loại, quản lý, theo dõi và hạch toán theo từng phương thức tài trợ (chương trình, dự án hoặc phi dự án); tính chất khoản chi ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư, phát triển hoặc chi khác của NSNN)…”. Việc chưa xác định tính chất của các khoản chi, gây khó khăn cho các sở, ngành chuyên môn khi tổng hợp báo cáo thu chi ngân sách.
Dù Nghị định số 80/2020/NĐ-CP được đưa vào áp dụng trong thời gian dài, tại tỉnh Bình Dương vẫn tồn tại tình trạng các đơn vị tiếp nhận viện trợ chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, lúng túng, hồ sơ đề nghị thẩm định chưa đảm bảo theo quy định dẫn đến việc triển khai chương trình, dự án, phi dự án còn chậm so với tiến độ đã đề ra; Công tác báo cáo định kỳ của chủ khoản viện trợ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP chưa đảm bảo thực hiện. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Trên cơ sở các khó khăn vướng mắc nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ trên địa bàn tỉnh, sau khi quy chế được ban hành sẽ là khung pháp lý hoàn thiện cho việc tiếp nhận các dự án viện trợ tại tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về đối tượng tiếp nhận và tính chất các khoản chi, cũng như tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa Trung ương và địa phương về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức hoạt động tại nhiều tỉnh thành và các dự án lớn có tính chất phức tạp về an ninh chính trị./.

Thảo Nhi

Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *