Ông Cao Anh Tuấn cho rằng: Mâu thuẫn giữa DN và HQ về việc áp mã hàng hóa luôn có. Theo quy định của luật HQ, DN và HQ được xác định trước mã hàng hóa. Cơ quan HQ cũng đã làm việc với HQ các nước và Tổ chức HQ thế giới để thống nhất về mã số hàng hóa, hạn chế tối đa những vướng mắc và mâu thuẫn giữa hai bên.
Ông Vương Nhật Bình, Giám đốc Công ty TNHH cơ điện lạnh Hòa Bình (Alaska Hòa Bình) – chuyên nhập và phân phối mặt hàng cây nước nóng lạnh, cho biết DN đã phải chuẩn bị cả tấn giấy tờ hành chính để phục vụ cho việc kiểm tra của Cục Kiểm tra sau thông quan. Cụ thể, vào giữa tháng 7, ông nhận được quyết định kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan (TCHQ) mặt hàng nhập trong 5 năm qua, thời gian là 10 ngày. Sở dĩ có việc kiểm tra là do trước đó TCHQ ban hành Công văn 6061 ngày 29.6 hướng dẫn phân loại mặt hàng máy làm nóng lạnh nước uống hay cây nước nóng lạnh. Đáng nói là chuyện áp mã diễn ra nhiều năm qua mà cơ quan HQ không phản ứng. Đùng một cái, căn cứ vào công văn này, cơ quan HQ thay đổi áp mã hàng hóa, khiến thuế suất năm 2015 – 2016 từ 0% tăng lên 10%, và thực hiện truy thu thuế, truy thu khoản nộp chậm, phạt vi phạm hành chính.
“Một mặt hàng có trên thị trường từ lâu mà đến nay mới có công văn hướng dẫn, đó là lỗi cơ quan chức năng, nhưng lại phạt DN là vô lý. Nếu có vi phạm, lẽ ra tôi chỉ vi phạm từ ngày 29.6 là ngày công bố văn bản mới, sao HQ lại truy thu thuế và tiền chậm nộp 2,7 – 2,8 tỉ đồng đến tận 5 năm? Tôi bị buộc phải nộp ngay, nếu không sẽ bị cưỡng chế, toàn bộ hàng hóa không được thông quan”, ông than phiền.
Đại diện Công ty Minh Diệu (TP.HCM) cũng bức xúc với chuyện áp mã hàng hóa. Cụ thể, rắc rối phát sinh khi trung tâm kiểm định hàng hóa của HQ đưa ra kết luận kiểm định hàng hóa đối với mặt hàng đế giày khác với kết luận nhiều năm qua của Quatest 3, khiến DN từ không chịu thuế nay phải nộp thuế 3%. DN đi khiếu nại, thì cơ quan HQ thừa nhận khâu kiểm định hàng hóa có sai sót nên đã thay đổi kết quả kiểm định. Tuy nhiên, HQ lại không thay đổi phân loại hàng hóa và vẫn truy thu thuế DN. Đại diện công ty đề nghị “ngừng truy thu và kiểm tra sau thông quan để DN yên tâm làm ăn, sản xuất”, ông nói.
Chờ 3 tháng mới có kết quả kiểm tra
Hội trường còn nóng hơn khi nghe đại diện Tổng công ty may Nhà Bè kể việc DN phải chờ mất 3 tháng mới có kết quả kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, công ty đã nhập nguyên liệu về cảng, nhưng HQ cảng Hải Phòng kiểm hàng không chấp nhận và yêu cầu đi phân tích chất lượng vải. Ba tháng sau, HQ mới báo kết quả – phân tích cho DN, đồng thời thay đổi mã HS của nguyên liệu, tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 12%, và buộc phải nộp số thuế chênh lệch. “Riêng cho chuyến nhập hàng này, chúng tôi đi ra vô TP.HCM – Hải Phòng không biết bao nhiêu lần. Thiệt hại của chúng tôi ai bồi thường?”, bà đặt câu hỏi.
Đại diện Công ty TNHH công nghệ Teco (Đồng Nai), chuyên sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng dùng trong ngành điện, cho biết DN có nhập khẩu các thiết bị, linh kiện riêng lẻ dùng để sản xuất các bộ biến trở, điện trở, công tắc điện. Theo quy định, các nguyên phụ liệu này được miễn ưu đãi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chỉ vì sai sót nhỏ như mẫu Giấy xuất xứ nguồn gốc (C/O) cấp lần đầu nhưng lại ghi cấp sau, tiêu chí xuất xứ hàng hóa không phù hợp, phải là CTH chứ không phải CTSH, HQ Long Thành đã truy thu thuế nhập khẩu. “Đây là lỗi nhỏ, không gây hiểu nhầm về xác định xuất xứ hàng hóa. Hàng hóa đã được thông quan và đáp ứng đủ điều kiện về nguồn gốc xuất xứ. Sao HQ lại làm khó DN, quay lại truy thu?”, đại diện công ty này bức xúc.
Công bằng với doanh nghiệp
| | | Một mặt hàng có trên thị trường từ lâu mà đến nay mới có công văn hướng dẫn, đó là lỗi cơ quan chức năng, nhưng lại phạt doanh nghiệp là vô lý | | | Ông Vương Nhật Bình, Giám đốc Alaska Hòa Bình | |
|
Ông Vương Nhật Bình (đại diện Alaska Hòa Bình) cũng cho rằng khi áp đặt truy thu thuế chưa có cơ sở đầy đủ, đồng nghĩa cơ quan HQ không chỉ chạy theo thành tích, mà còn đi ngược lại chủ trương hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. “Ai kiểm tra Cục Kiểm tra sau thông quan khi họ gây thiệt hại lớn cho DN? Chúng tôi yêu cầu nơi nào truy thu phải chịu trách nhiệm thực hiện truy hoàn, phải xác nhận thời gian truy hoàn rõ ràng cho DN”, ông đề nghị.
Trong khi đó, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng nhận định hiện đa số cơ sở kinh doanh có doanh thu rất lớn nhưng chỉ nộp thuế khoán rất ít, nên họ “không thèm lên DN”. Thứ hai, tình trạng nhập hàng, mua hàng không hóa đơn diễn ra phổ biến, có DN mua cả mấy trăm triệu đồng tiền hàng nhưng không có hóa đơn, như vậy không công bằng với DN làm ăn đàng hoàng.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận tình hình mà Hiệp hội DN Sóc Trăng phản ánh phổ biến. Ngành thuế tiếp thu và sẽ thực hiện rà soát để quản lý sát sao những trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu lớn nhưng nộp thuế ít. Thời gian tới cũng sẽ đưa nhiều cơ sở kinh doanh lớn lên DN. Liên quan đến trường hợp Công ty Alaska Hòa Bình, ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục HQ, khẳng định Cục Kiểm tra sau thông quan đã làm đúng quy định về việc kiểm tra trong 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra có thể có vấn đề, tổng cục sẽ xem xét lại hồ sơ DN.