KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Nhìn lại năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo; lĩnh vực xây dựng cơ bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giá vật tư, vật liệu tăng cao so với năm trước; nguồn cung cấp cát san lấp mặt bằng khan hiếm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các dự án… Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng nhiều phương án, kịch bản điều hành ngay từ đầu năm và liên tục cập nhật, điều chỉnh để tổ chức thực hiện, điều hành kế hoạch đầu tư công cơ bản về đích ở mức độ cao nhất.
Đến 31/01/2024, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công là 18.787.831 triệu đồng, gấp hơn 2,4 lần giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Mặc dù chỉ đạt 86,1% kế hoạch vốn tỉnh giao (đứng thứ 3 vùng Đông Nam Bộ) nhưng mức giải ngân vốn cao nhất từ đầu nhiệm kỳ về cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm và là lần đầu tiên tỉnh giải ngân hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ trong hơn 10 tháng thực hiện, đến 31/01/2024 đạt 154,2% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bao gồm vốn năm trước kéo dài sang cũng đạt mức cao nhất trong các năm trở lại đây. Kết quả giải ngân như trên đã kịp thời bổ sung một lượng vốn đáng kể vào nền kinh tế, giúp duy trì động lực tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm trong bối cảnh tình hình xuất khẩu và đầu tư ngoài ngân sách trong năm gặp nhiều khó khăn.
Hình 1: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vùng Đông Nam Bộ
Về nguồn vốn quản lý: nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu (trong nước) có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 100% kế hoạch, kế đến là nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện, đạt 99,0%. Nguồn vốn ngân sách tỉnh tập trung (không bao gồm vốn xổ số kiến thiết và vốn hỗ trợ huyện) dù chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu các nguồn vốn tuy nhiên tỷ lệ giải ngân đạt tương đối thấp, chỉ khoảng 82,0%. Nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đạt thấp nhất 30,8%, nguồn vốn bội chi ngân sách địa phương trong năm tỉnh không có nhu cầu giải ngân và đã có văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính điều chuyển cho các đơn vị khác.
Biểu đồ 2: Kế hoạch và giải ngân theo nguồn vốn
Đơn vị: triệu đồng
Về các chủ đầu tư: các huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ giải ngân tốt hơn so với các sở, ban, ngành của tỉnh (94,3% so với 81,7%)
Biểu đồ 3: Kế hoạch và giải ngân của 05 chủ đầu tư có kế hoạch vốn lớn nhất
Đơn vị: triệu đồng
Về tiến độ các công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: đã khởi công được một số hạng mục thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, bố trí đủ vốn và đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, đường ĐT.746,…; đồng thời chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư và nguồn vốn để thực hiện các công trình như đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Trường Chính trị chuẩn tỉnh Bình Dương,…Bên cạnh đó, trong năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình, dự án, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù, một số khó khăn, vướng mắc cốt lõi ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công đã kéo dài trong nhiều năm qua đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay đã cơ bản được tháo gỡ như công tác thẩm định và phê duyệt đơn giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kinh phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công dự án,…. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 vẫn còn tồn tại và phát sinh một số hạn chế, cụ thể:
– Một là, việc phân bổ vốn, giao kế hoạch đầu tư công vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn trong năm, phải đề xuất kéo dài sang năm 2024.
– Hai là, sự mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn trong khả năng huy động của tỉnh dẫn đến cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – xã hội chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư công thiếu bền vững, phụ thuộc lớn vào các nguồn thu ngắn hạn, không ổn định, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn cục bộ vào thời điểm cuối năm 2023, ảnh hưởng đến việc giải ngân của các chủ đầu tư.
– Ba là, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công còn chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo. Mặc dù UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Một số quy định gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: Chính sách thuế giá trị gia tăng thay đổi liên tục gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh toán khối lượng, xuất hoát đơn của nhà thầu; các quy định mới về phòng cháy chữa cháy làm thay đổi về quy hoạch, thiết kế cơ sở, hiệu quả sử dụng đất của dự án.
– Bốn là, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương nhất là về thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, dự án chưa đảm bảo theo qui định. Công tác phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình như:
+ Việc thực hiện quyết toán một số dự án kéo dài do phải thực hiện kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Đối với những dự án có đền bù, giải phóng mặt bằng thì phải thực hiện thủ tục quyết toán chi phí này ở địa phương trước khi tổng hợp vào báo cáo quyết toán chung của dự án.
+ Các công trình đã thi công trước đây theo nội dung thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy được quy định đến giai đoạn kiểm tra, nghiệm thu phải thay đổi cho phù hợp với quy định mới làm phát sinh chi phí và thời gian.
– Năm là, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án có số dư tạm ứng còn lớn, chậm xử lý số dư tạm ứng quá hạn, nhất là các khoản tạm ứng quá hạn từ năm 2021 trở về trước. Đối với hợp đồng trọn gói, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa bám sát tiến độ các lần thanh toán như trong hợp đồng để gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến kho bạc theo đúng quy định, dẫn đến phải điều chỉnh điều khoản thanh toán nhiều lần. Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021.
Dự báo trong năm 2024, dự báo nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống tiếp tục suy giảm chưa có dấu hiệu hồi phụ. Trong bối cảnh đó, đầu tư sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, trong đó trọng tâm là đầu tư công. Đồng thời, năm 2024 là thời điểm các công trình trọng điểm của tỉnh bước vào giai đoạn cao điểm triển khai thi công; là năm thứ tư của kỳ kế hoạch 2021-2025, nhiều công trình dự án chuyển tiếp từ đầu nhiệm kỳ chuẩn bị hoàn tất, cũng là năm bắt đầu chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, từ những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như sau:
- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2024, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/01/2025 của từng chủ đầu tư đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
- Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt. Các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư có trách nhiệm thẩm định, có ý kiến đảm bảo đầy đủ các nội dung, khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư theo quy định. Tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét giải quyết; hướng dẫn các đầu tư chuẩn bị hồ sơ, nghiên cứu xây dựng các hồ sơ mẫu để chủ đầu tư tham khảo nhằm rút ngắn thời gian, tránh lãng phí nguồn lực.
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa thật sự cấp thiết, cấp bách, phát huy hiệu quả không cao, không tạo ra dư địa phát triển để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và nhu cầu bổ sung vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết, bức xúc, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và nội tỉnh.
- Ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư, quyết định dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu,…trên địa bàn tỉnh. Công bố kết quả giải ngân hàng ngày, tháng, hàng quý của các dự án, chủ đầu tư; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện và kết quả giải ngân theo quy định.
- Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng danh mục thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trong ngành, lĩnh vực quản lý, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án và bố trí kế hoạch vốn để thực hiện, đồng thời giãn, hoãn tiến độ các dự án chưa cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
- Thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, nỗ lực tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
- Đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt (hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt) quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định và hướng dẫn các cơ quan tài chính cấp huyện thực hiện thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo thẩm quyền; kịp thời tháo gỡ các khó khăn liên quan đến nhập mã TABMIS, không để ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn của các chủ đầu tư.
- Theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng (đơn giá trực tiếp), hướng dẫn tính toán đơn giá vận chuyển đảm phù hợp mặt bằng giá thị trường; đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.
- Phát động, theo dõi, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh” năm 2024, kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện. Xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp do nguyên nhân chủ quan; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh liên tiếp trong 03 tháng.
- Rà soát lại các quỹ đất hiện có với diện tích và vị trí phù hợp để chủ động xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn.
- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cấp ủy, hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội trong vận động, hướng dẫn tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án triển khai trên địa bàn quản lý trên quan điểm nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
- Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ các dự án.
- Đối với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024: chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục, mặt bằng, vật liệu, nhân công,…nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi triển khai thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất; không để dồn vào cuối năm, hạn chế các rủi ro phát sinh dẫn đến không kịp giải ngân kế hoạch vốn.
- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức có liên quan; đồng thời xác định, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện của từng dự án; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đánh giá, giám sát đầu tư, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu, đảm bảo công khai, chặt chẽ và minh bạch, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, phù hợp với đặc thù của từng dự án. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đảm bảo thời gian triển khai theo đúng quyết định phê duyệt dự án, quản lý chặt việc phát sinh chi phí do thay đổi giá nguyên vật liệu, nhân công, tiết kiệm chi phí dự phòng dự án.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, tổng hợp thông tin báo cáo.
Bản quyền thuộc SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc sở kế hoạch và Đầu tư.
Điện thoại: (0274) 3822926 Fax: (0274) 3825.194
Điện thoại phòng Đăng ký kinh doanh: 0941.391.888
Điện thoại bộ phận một cửa phòng Đăng ký kinh doanh: 0274.3823718
Địa chỉ: Tầng 4, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương,
phường Hòa Phú – Tp. Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Email: [email protected]
Nguồn: Sở kế hoạch đầu tư Bình Dương