Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh

Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở nội dung bài viết sau đây.

Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở nội dung bài viết sau đây.

Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh

Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở nội dung bài viết sau đây.

Mục lục

    Tại sao phải đăng ký kinh doanh?

    Đăng kí kinh doanh là một yêu cầu quan trọng về thủ tục pháp lý, tạo tiền đề cho các chủ thể có thể thực hiện được hoạt động làm ăn kinh doanh trên thực tế, và đây cũng là cách thức hữu hiệu để nhà nước nắm bắt được các thông tin, từ đó quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Hầu hết các nhà đầu tư trước khi triển khai hoạt động kinh doanh, bên cạnh vấn đề về vốn, về lao động, thị trường… thì họ luôn phải chú trọng đến việc đăng kí kinh doanh để khai sinh tư cách pháp lý của mình trên thương trường.

    Về nguyên tắc, các chủ thể kinh doanh sẽ chỉ được thực hiện hoạt động kinh doanh sau khi hoàn thành thủ tục đăng kí kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên có một loại chủ thể, pháp luật không bắt buộc họ phải thực hiện bước đăng kí kinh doanh mà vẫn được tiến hành các hoạt động làm ăn buôn bán.

    Đây không phải một sự ưu tiên từ phía pháp luật mà thực tế các nhà quản lý nhận thấy việc đăng kí kinh doanh đối với họ là không cần thiết, mà sẽ áp dụng các cách thức quản lý khác, đó là nhóm “cá nhân kinh doanh không phải đăng kí kinh doanh”. Nhóm đối tượng này được quy định cụ thể trong một văn bản pháp luật riêng đó là Nghị định số 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/03/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh. 

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này, có thể hiểu: “Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại”. 

    Như vậy, đặc điểm nhận diện và phân biệt rõ ràng nhất giữa đối tượng này với các chủ thể khác chính là: không phải đăng kí kinh doanh. 

    Những ngành nghề không phải đăng ký kinh doanh

    Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, nhu cầu kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận dần trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều cá nhân trong xã hội. Bằng sự sáng tạo của mình họ đã nghĩ ra đủ cách để kinh doanh, vì thế mới tạo nên bức tranh đa ngành, đa nghề của nền kinh tế như hiện nay. Đứng trước sự phát triển và gia tăng không ngừng các hình thức kinh doanh, các nhà quản lý phải có sự phân nhóm để xác định công cụ quản lý sao cho phù hợp. Việc yêu cầu các chủ thể phải đăng kí kinh doanh hay cho phép họ không cần đăng ký kinh doanh cũng là việc phải cân nhắc một cách rất kĩ càng. Như trên đã nói, đăng kí kinh doanh là một hoạt động rất quan trọng, tuy nhiên nó cũng có những thủ tục phức tạp, cũng có sự tốn kém về thời gian, tiền bạc và về nguồn nhân lực.

    Do đó, xét trên hoạt động thực tiễn và bản chất công việc thì sẽ có nhiều hoạt động kinh doanh không cần thiết phải tiến hành thủ tục này. Cũng trong quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ, pháp luật liệt kê cụ thể những công việc mà các cá nhân khi thực hiện nó sẽ không cần phải đăng kí kinh doanh, bao gồm:

    – Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

    – Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; 

    – Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; 

    Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; 

    – Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; 

    Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác. 

    Đây là những hoạt động quen thuộc chúng ta thường hay gặp, đặc biệt phát triển nhiều ở các khu thành thị đông dân cư. Nhìn chung các hoạt động này đều có những đặc điểm như sau: 

    Thứ nhất: Các hoạt động trên chỉ do một cá nhân tiến hành, họ tự mình bỏ vốn và thực hiện kinh doanh đơn lẻ mà không có sự góp vốn của người khác và cũng không tiến hành thuê lao động

    Thứ hai: Các hoạt động được đề cập trong quy định trên phải là các hoạt động thương mại. Nó phải đáp ứng đầy đủ tính chất của một hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật, đó là: thực hiện trên thị trường nhằm mục tiêu sinh lợi, và phải thực hiện một cách độc lập, thường xuyên, liên tục. Dễ dàng nhận thấy rằng, trên thị trường cũng sẽ có nhiều chủ thể thực hiện các hành vi trên nhằm mục tiêu sinh lợi nhưng không được coi là hành vi thương mại và cũng không thuộc sự điều chỉnh của quy định pháp luật này. Ví dụ: nhân chuyến đi công tác, một cá nhân mua rất nhiều các loại hàng hóa, đặc sản ở nơi đó về bán cho các chủ thể khác có nhu cầu để thu lợi nhuận. 

    Thứ ba: Những hoạt động này đều là những hoạt động kinh doanh có quy mô, phạm vi rất nhỏ của các chủ thể có thu nhập thấp trong xã hội. Đặc trưng này thuộc về bản chất của loại hành vi chứ không xuất phát từ quy định của pháp luật. Có thể thấy, hầu hết các hoạt động này cần số vốn kinh doanh rất ít. Đối với hoạt động mua bán hàng hóa, ví dụ như bán hàng rong, bán quà vặt: khối lượng hàng hóa không nhiều, chủ yếu là những hàng hóa có giá trị thấp… Còn về cung ứng dịch vụ như đánh giầy, vẽ tranh, trông xe, cắt tóc… hình thức cung ứng dịch vụ rất thô sơ, chủ yếu dựa vào chính sức lao động của bản thân không phải đầu tư nhiều. 

    Về địa điểm kinh doanh, pháp luật có quy định họ “có hoặc không có địa điểm xác định”, vì đặc thù công việc của họ luôn phải di chuyển để tìm kiếm khách hàng như: bán hàng rong, đánh giày… hoặc không đủ vốn để đầu tư một địa điểm nhất định, mà thường tận dụng những nơi thuận tiện để kinh doanh như: bán quà vặt ở cổng trường, cổng bệnh viện; cắt tóc ở góc phố, trông xe ở cổng chợ… Và điều đương nhiên khoản lợi nhuận họ thu được từ chính những hoạt động đó cũng rất ít, nhiều khi không đủ để trang trải cuộc sống thường ngày.

    Lý do không phải đăng ký kinh doanh?

    Xét trên tương quan so sánh với các hình thức kinh doanh khác, thì các hoạt động này dường như trở nên “lạc hậu” trước những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường so với hoạt động của hộ kinh doanh, hợp tác xã, hay các doanh nghiệp. Nhưng vì số lượng người lao động thu nhập thấp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, do đó các hoạt động thương mại nhỏ này vẫn sẽ được họ duy trì để đáp ứng nhu cầu mưu sinh của mình.

    Tuy rằng không phải thực hiện thủ tục đăng kí kinh doanh, nhưng quá trình thực hiện kinh doanh các cá nhân kinh doanh vẫn có những tác động nhất định đến nền kinh tế và đời sống xã hội, do đó họ cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. . 

    Về ngành nghề kinh doanh 

    Cũng giống như tất cả các chủ thể kinh doanh khác, các cá nhân hoạt động thương mại được quyền kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ những loại hàng hóa, dịch vụ sau: 

    – Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; 

    – Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh; 

    – Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

    Trường hợp kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ này ví dụ như: yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá nhân kinh doanh đồ ăn uống, điều kiện về an ninh đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ gửi xe.. 

    Về địa điểm kinh doanh 

    Như trên đã nói, các cá nhân thực hiện hoạt động thương mại có thể có hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định, và thực tế hầu hết họ không có địa điểm kinh doanh cố định mà thường di chuyển để tìm kiên 1 nguồn khách hàng. Việc kinh doanh của họ sẽ thu hút một lượng khách nhất định, và thực tế có những địa điểm cần phải tránh tụ tập đông người để bảo đảm tính tôn nghiêm, hoặc để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội…, do đó, pháp luật quy định ở những nơi đó họ không được phép kinh doanh, cụ thể đó là’: 

    – Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác; 

    – Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; 

    – Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam; 

    – Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển; 

    – Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; . 

    – Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đường bộ và đường thủy; 

    – Phần đường bộ bao gồm lối ra vào khu chung cư hoặc khu tập thể; ngõ hẻm, vỉa hè, lòng đường, lề đường của đường đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại; 

    – Các tuyến đường, khu vực (kể cả khu du lịch) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền quy định và có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại; 

    – Khu vực thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân và không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc khu vực đó có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại. 

    Ngoài ra, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ mệnh lệnh hợp pháp của người thi hành công vụ trong trường hợp được yêu cầu di chuyển hàng hóa; phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do an ninh và các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật cho dù ở địa điểm đó họ được phép thực hiện kinh doanh. 

    Về cơ quan quản lý

    Quy mô và phạm vi hoạt động của chủ thể này rất nhỏ và mang tính địa phương nên pháp luật giao quyền quản lý trực tiếp mọi hoạt động của cá nhân hoạt động thương mại cho ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã). Vì không có sự cung cấp thông tin từ phía chủ thể thực hiện kinh doanh giống như các chủ thể phải đăng kí kinh doanh, do đó cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này phải thực sự chủ động trong việc quản lý trên thực tế, thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ như: 

    – Lập sổ theo dõi cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn quản lý (bao gồm cá nhân hoạt động thương mại cư trú trên địa bàn và cá nhân ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn quản lý hoạt động thương mại) và tình hình hoạt động, chấp hành pháp luật của các đối tượng này. 

    – Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về quản lý cá nhân hoạt động thương mại tới đối tượng trực tiếp thực hiện, cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân trên địa bàn. 

    – Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn. 

    – Triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch và phân công trách nhiệm quản lý hoạt động thương mại cụ thể của cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn theo hướng dẫn và phân cấp của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. 

    – Thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại. 

    – Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí đối với cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn quản lý. 

    – Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hoạt động thương mại theo thẩm quyền. 

    – Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về tình hình phát triển, tổ chức, quản lý và hoạt động của cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn và kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc quản lý hoạt động của các đối tượng này. 

    Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *