Chủ thể của luật Đầu tư
Chủ thể của luật Đầu tư là những đối tượng nào? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở nội dung bài viết sau đây.
Chủ thể của luật Đầu tư
Chủ thể của luật Đầu tư là những đối tượng nào? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở nội dung bài viết sau đây.
Phân loại chủ thể của Luật Đầu tư
Tiếp cận dưới góc độ lý luận, Luật Đầu tư là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư và vận hành kết quả đầu tư. Như vậy, kể từ khi có ý tưởng đầu tư đến hiện thực hóa ý tưởng bằng hình thức đầu tư và có kết quả đầu tư thì quá trình đầu tư được thực hiện với sự tham gia của nhiều chủ thể. Đó có thể là sự tham gia của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, người quản lý, chuyên gia kinh tế hoặc người lao động. Tuy nhiên, có hai nhóm chủ thể cơ bản đóng vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đó là nhà đầu tư và cơ quan nhà nước.
Một là: Nhà đầu tư
Từ Luật Đầu tư năm 2005 đến Luật Đầu tư hiện hành (2014), quy chế pháp lý về nhà đầu tư được quy định thống nhất trong một văn bản pháp luật và cả hai đạo luật này đều chung một quan điểm về nhà đầu tư. Theo Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì liệt kê các chủ thể được coi là nhà đầu tư như Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 đã khái quát hóa nhà đầu tư thành các nhóm cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư bao gồm ba nhóm: (i) nhà đầu tư trong nước, (ii) nhà đầu tư nước ngoài, (iii) tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Tổ chức kinh tế bao gồm các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Luật hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể được thành lập ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài nhưng phải có ít nhất một thành viên (cổ đông) là nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư hiện hành còn phân loại tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo tiêu chí tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng quy chế pháp lý như nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng quy chế pháp lý như nhà đầu tư trong nước.
Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
i) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
ii) Có tổ chức kinh tế ở trường hợp trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên
iii) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại trường hợp (1) nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên. Và
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp trên thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Khi xem xét tư cách chủ thể của Luật Đầu tư, cần phân biệt khái niệm “nhà đầu tư và khái niệm “thương nhân”. Trong pháp Luật Thương mại, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên, độc lập và có đăng ký kinh doanh. Như vậy, một số chủ thể (chẳng hạn như cá nhân, tổ chức kinh tế không có đăng ký kinh doanh nhưng thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh được coi là nhà đầu tư nhưng không là thương nhân. Với quy định trên, khái niệm “nhà đầu tư có nội hàm hẹp hơn với khái niệm “thương nhân”.
Qua đó, Luật Đầu tư năm 2014 đã cố gắng đảm bảo tối đa quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức đồng thời thể hiện quan điểm đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, tôn trọng các cam kết tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư.
Ngoài ra, việc phân loại nhà đầu tư thành ba nhóm rõ ràng còn nhằm mục đích phục vụ cho việc áp dụng thủ tục đầu tư. Nhóm nhà đầu tư trong nước khi tiến hành hoạt động đầu tư không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong mọi trường hợp. Đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong đó để xem xét có cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không.
Hai là: Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
Đầu tư là hoạt động có tính liên ngành nên hầu hết các cơ quan chức năng của Nhà nước đều có sự tham gia với các mức độ khác nhau. Do đó, để quản lý hoạt động đầu tư có hiệu quả và hạn chế sự chồng chéo quyền lực giữa các cơ quan chuyên môn, Nhà nước cần phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư theo những nguyên tắc nhất định. Theo đó, trách nhiệm quản lý đầu tư được phân cấp cho các cơ quan sau:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Thế
– Bộ Kế hoạch và Đầu tự chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư trong lĩnh vực được phân công;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế quản lý hoạt động đầu tư theo địa bàn và khu vực được phân cấp.
– Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ hoạt động đầu tư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư
Khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư được hưởng các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được ghi nhận trong Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan. Như vậy, nhà đầu tư sẽ có nhóm quyền, nghĩa vụ chung theo Luật Đầu tư và nhóm quyền, nghĩa vụ đặc trưng theo pháp luật chuyên ngành (Luật Môi trường, Luật Thuế, Luật Lao động…). Với tư cách là luật chung của quan hệ pháp Luật Đầu tư và làm nền tảng cho các văn bản có liên quan, Luật Đầu tư năm 2014 đã ghi nhận quyền quan trọng nhất của nhà đầu tư là quyền tự do đầu tư. Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, được tự chủ lựa chọn hình thức đầu tư, được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhà đầu tư được hưởng các chính sách bảo đảm và ưu đãi đầu tư.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc