Biện pháp bảo đảm và khuyến khích đầu tư
Biện pháp bảo đảm và khuyến khích đầu tư được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp Quý vị hiểu về vấn đề này.
Biện pháp bảo đảm và khuyến khích đầu tư
Biện pháp bảo đảm và khuyến khích đầu tư được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp Quý vị hiểu về vấn đề này.
Biện pháp bảo đảm đầu tư
Bảo đảm đầu tư là một trong những chế định đầu tiên của pháp Luật Đầu tư. Dưới góc độ lý luận, bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định trong các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư. Mặc dù pháp Luật Đầu tư có sự thay đổi qua các thời kỳ những biện pháp bảo đảm đầu tư vẫn luôn được ghi nhận và ngày càng hoàn thiện.
Tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi năm 1998, mức độ bảo đảm của nhà nước chỉ dừng lại ở một quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các nhà đầu tư; tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”. Đến Luật Đầu tư năm 2014, Nhà nước đưa ra hàng loạt các cam kết bảo đảm quyền lợi chính đáng của mọi nhà đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Xét ở khía cạnh lý luận, sự tồn tại của chế định bảo đảm đầu tư qua các thời kỳ phần nào thể hiện những cố gắng của Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và đáng tin cậy trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Về đối tượng áp dụng, chính sách bảo đảm đầu tư áp dụng cho mọi nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư được tự động hưởng các biện pháp bảo đảm mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Có thể nói, bảo đảm đầu tư là những lời cam kết, lời hứa không cần điều kiện của Nhà nước về việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.
Về cơ sở pháp lý, chính sách bảo đảm đầu tư được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2014 từ Điều 9 đến Điều 14. Việc pháp điển hóa các biện pháp bảo đảm trong một đạo luật thể hiện sự minh bạch, công khai trong các cam kết bảo vệ của Nhà nước với nhà đầu tư. Qua đó, chất lượng của môi trường đầu tư được nâng cao và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về nội dung, các biện pháp bảo đảm đầu tư là tập hợp các cam kết sau:
Nhà nước cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư.
Đây là cam kết đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài vì điều đầu tiên họ quan tâm là sự an toàn của tài sản khi đem đến Việt Nam. Để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, Nhà nước cam kết tài sản hợp pháp của họ không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Nhà nước chỉ trang mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai và nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quốc hữu hóa là việc một quốc gia tước quyền sở hữu tài sản của một cá nhân hoặc một tổ chức để chuyển tài sản đó thuộc quyền sở hữu quốc gia. Trên thế giới, việc tài sản của nhà đầu tư bị Nhà nước quốc hữu hóa không phải là điều chưa từng xảy ra (chẳng hạn như sự kiện Venezuala quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ của Mỹ năm 2007). Do đó, cam kết này là cần thiết trong việc tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ lần đầu đến Việt Nam.
Thứ nhất: Nhà nước cam kết bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
Theo lý thuyết kinh tế, Nhà nước không thể bảo đảm rằng nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận mong muốn vì kết quả đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng Nhà nước có thể cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng để làm chất xúc tác mạnh nhất cho hoạt động đầu tư được hiệu quả.
Để tạo ra môi trường đầu tư thực sự tự do, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây: Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước; xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước, nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu; đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước; đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước, cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài; đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai: Nhà nước bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài.
Trong thế giới phẳng, việc các tổ chức, cá nhân đem vốn ra nước ngoài để đầu tư kinh doanh là một hiện tượng phổ biến. Khi hoạt động đầu tư đem lại lợi nhuận, nhà đầu tư có nhu cầu chuyển tài sản của mình ra khỏi nước tiếp nhận vốn đầu tư để tiếp tục đầu tư hoặc tích lũy. Đây hoàn toàn là quyền chính đáng của nhà đầu tư. Vì vậy, Luật Đầu tư năm 2014 đã giữ nguyên tinh thần của các văn bản pháp luật đầu tư cũ, tiếp tục công nhận quyền chuyển tài sản ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài.
Thời điểm hợp pháp để chuyển tài sản là sau khi nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam. Tài sản được chuyển ra nước ngoài bao gồm: vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh; tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước ta đã hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài một cách tối đa khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải đóng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi chuyển tài sản ra khỏi lãnh thổ Việt Nam’.
Thứ ba: Nhà nước bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đối pháp luật.
Chính sách pháp luật của một quốc gia không phải là hiện tượng bất biến. Căn cứ vào sự chuyển biến của các quan hệ kinh tế xã hội, Nhà nước sẽ sửa đổi hoặc thay thế các chính sách pháp luật cũ để phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn. Việc xây dựng pháp luật đầu tư không nằm ngoài quy luật này. Thêm vào đó, quá trình thực hiện một dự án đầu tư kéo dài hàng chục năm (thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể lên tới 70 năm) nên việc nhà đầu tư đối diện với sự thay đổi pháp luật là điều không tránh khỏi. Nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề này là Nhà nước cam kết bảo đảm tối đa quyền lợi của nhà đầu tư khi thay đổi pháp luật. Cụ thể:
+ Nếu sự thay đổi về pháp luật mang lại những ưu đãi nhiều hơn cho các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án;
+ Nếu sự thay đổi về pháp luật làm giảm sút ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi mà trước đó họ đang được hưởng cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án (xác định theo các ưu đãi quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
+ Trong trường hợp thay đổi pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi trước đó. Lúc này, Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư bằng một hoặc một số biện pháp sau: Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Thứ tư: Bảo đảm về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp trước hết là tôn trọng ý chí tự giải quyết của các bên. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của tranh chấp và yêu cầu của các bên. Nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi hai bên đã bế tắc và có yêu cầu đến các cơ quan tài phán. Theo đó, Luật Đầu tư năm 2014 căn cứ vào đặc điểm chủ đầu tư để dự liệu ra cơ quan thích hợp giải quyết tranh chấp.
+ Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam;
+ Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài từ 51% vốn điều lệ trở lên được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây: Tòa án Việt Nam; Trọng tài Việt Nam; Trọng tài nước ngoài; Trọng tài quốc tế; Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập (Trọng tài vụ việc).
+Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, trong mọi trường hợp xảy ra tranh chấp, Nhà nước không chỉ định các nhà đầu tư phải lựa chọn Toà án Việt Nam hoặc Trọng tài Việt Nam để giải quyết mà trao quyền quyết định cuối cùng thuộc về các nhà đầu tư. Xét dưới góc độ quản lý kinh tế, Việt Nam đã xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, tôn trọng quyền tự định đoạt của các nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ năm: Bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng
Biện pháp bảo đảm này lần đầu tiên được ghi nhận tại Luật Đầu tư năm 2014. Điểm đặc biệt của biện pháp này là phạm vi đối tượng áp dụng hẹp, chỉ dành cho một số chủ thể theo những điều kiện nhất định. Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
Pháp luật về khuyến khích đầu tư
Pháp luật đầu tư của Việt Nam không đưa ra một định nghĩa cụ thể về biện pháp khuyến khích đầu tư nên thuật ngữ “khuyến khích đầu tư” chỉ được tiếp cận dưới góc độ khoa học pháp lý. Theo đó, biện pháp khuyến khích đầu tư là tập hợp các quy định do Nhà nước ban hành nhằm tạo ra điều kiện thuận lợi hoặc đem lại những lợi ích nhất định cho các nhà đầu tư để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư. Từ cách tiếp cận này, bản chất của biện pháp khuyến khích đầu tư là công cụ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hình thức biểu hiện của khuyến khích đầu tư trong pháp luật đầu tư là các biện pháp ưu đãi và biện pháp hỗ trợ đầu tư.
Một là: Biện pháp ưu đãi đầu tư
Hầu hết các quốc gia trên thế giới bao gồm các nước phát triển và các nước đang phát triển đều quy định biện pháp ưu đãi đầu tư trong hệ thống pháp luật đầu tư. Điều đó đã chứng minh tầm quan trọng của biện pháp này trong công cuộc thu hút vốn đầu tư. Thông qua các biện pháp ưu đãi, nhà nước cam kết đưa ra các lợi ích vật chất nhất định, nhà đầu tư là chủ thể được nhận các lợi ích đó. Điều kiện được nhận ưu đãi là nhà đầu tư sẽ bỏ vốn vào ngành nghề hoặc địa bàn nhất định. Như vậy, thông qua việc cấp ưu đãi, Nhà nước có thể định hướng nhà đầu tư – đầu tư vào một số lĩnh vực hoặc địa bàn theo nhu cầu hiện tại của Nhà nước. Vì thế, có thể nhận định biện pháp ưu đãi đầu tư là các biện pháp ưu đãi tài chính mà Nhà nước dành cho các nhà đầu tư.
* Về đối tượng áp dụng
biện pháp ưu đãi đầu tư không áp dụng cho mọi nhà đầu tư trong các lĩnh vực mà có sự chọn lọc. Tiêu chí để chọn lọc đối tượng hưởng ưu đãi không cố định mà phụ thuộc vào chủ trường phát triển kinh tế của Nhà nước tại giai đoạn đó. Nhưng nhìn chung, việc xây dựng tiêu chí luôn đi theo nguyên tắc “vốn chi phối”.
Điều này có nghĩa ngành hoặc địa bàn nào cần nhiều vốn để phát triển thì Nhà nước ban hành nhiều ưu đãi trong lĩnh vực hoặc địa bàn đó. Thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, Nhà nước chủ động cơ cấu lại nền kinh tế theo những kế hoạch đã đề ra. Tại giai đoạn hiện nay, Nhà nước quy định các đối tượng sau được hưởng ưu đãi:
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư;
– Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư;
– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện ải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư;
– Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
Các ngành nghề được ưu đãi chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới; phát triển nông, lâm, thủy sản; phát triển y tế, giáo dục, thể thao, an sinh xã hội. Các địa bàn khuyến khích đầu tư bao gồm địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; các khu kinh tế đặc biệt như khu công nghiệp, khu chế xuất… Đây là các lĩnh vực và địa bàn nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn mới. Bên cạnh đó, việc công khai và thống nhất danh mục ngành nghề và địa bàn được | hưởng ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm thông tin và chủ động lựa chọn ngành nghề cũng như địa bàn ưu đãi phù hợp với yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp ngoại lệ không được hưởng ưu đãi đầu tư, đó là dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên có ngành nghề đầu tư là khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.
* Về hình thức áp dụng ưu đãi
Nhà đầu tư hoặc dự án đầu tư thuộc đối tượng hưởng ưu đãi có thể được áp dụng một trong các hình thức sau:
– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư;
– Ưu đãi thuế nhập khẩu cụ thể là miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
– Ưu đãi về thuế đất bao gồm miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
* Về mức ưu đãi, mỗi hình thức ưu đãi và đối tượng ưu đãi sẽ được hưởng mức ưu đãi khác nhau theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.
* Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, quy định pháp luật đơn giản nhưng súc tích. Theo đó, những dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư ghi nội dung ưu đãi đầu tư, căn cứ và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với dự án không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư nêu ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư”.
Hai là: Biện pháp hỗ trợ đầu tư
Nằm trong nhóm các biện pháp khuyến khích đầu tư, biện pháp hỗ trợ đầu tư cũng là một công cụ để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nhà nước dành cho nhà đầu tư những lợi ích vật chất để hướng sự chú ý của họ vào những lĩnh vực, địa bàn nhất định. Và các lợi ích này đa dạng hơn so với lợi ích trong ưu đãi đầu tư.
Cụ thể, về hình thức hỗ trợ đầu tư, Nhà nước cam kết sẽ có các hình thức hỗ trợ sau: (i) phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án; (ii) đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (iii) tín dụng; (iv) tiếp cận, di dời mặt bằng sản xuất, kinh doanh; (v) khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; (vi) phát triển thị trường, cung cấp thông tin; (vii) nghiên cứu và phát triển.
Về đối tượng áp dụng, biện pháp hỗ trợ đầu tư chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp sau: (i) doanh nghiệp nhỏ và vừa, (ii) doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, (iii) doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, (iv) doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật, (v) doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực khác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc