Dự án đầu tư là gì? Phân loại dự án đầu tư

Lĩnh vực nào cũng có thể có “dự án” nếu chủ thể của hoạt động coi đó là việc làm cần thiết. Khái niệm dự án đầu tư là gì?

Lĩnh vực nào cũng có thể có “dự án” nếu chủ thể của hoạt động coi đó là việc làm cần thiết. Khái niệm dự án đầu tư là gì?

Dự án đầu tư là gì? Phân loại dự án đầu tư

Lĩnh vực nào cũng có thể có “dự án” nếu chủ thể của hoạt động coi đó là việc làm cần thiết. Khái niệm dự án đầu tư là gì?

Mục lục

    Dự án đầu tư là gì?

    Trên phương diện ngôn ngữ học, thuật ngữ “dự án” (project) được xuất phát từ tiếng Latinh “projectum” với ý nghĩa là một bản kế hoạch được vạch ra để thực hiện một hoặc một số hành động. Như vậy, từ thuở đầu tiên, “dự án được hiểu là những ý đồ, tính toán của con người về hoạt động diễn ra trong tương lai. Bất kỳ hoạt động, lĩnh vực nào cũng có thể có “dự án” nếu chủ thể của hoạt động coi đó là việc làm cần thiết để đạt được những mục tiêu nhất định trong tương lai. 

    Trên phương diện kinh tế, cách hiểu về thuật ngữ “dự án” vẫn tiếp thu đặc trưng của góc độ ngôn ngữ nhưng có sự vận dụng linh hoạt trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Trong lĩnh vực đầu tư, dự án đầu tư được định nghĩa là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

    Định nghĩa của Luật Đầu tư năm 2014 đã nhấn mạnh hai khía cạnh pháp lý: (i) Là tập hợp đề xuất bỏ vốn. Theo đó, một kế hoạch về sử dụng vốn trong tương lại được trình bày rõ ràng, có hệ thống nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Như vậy, dự án đầu tư thực chất là một công cụ quản lý để nhà đầu tư quản lý quá trình sử dụng vốn có hiệu quả để đạt được mục tiêu nhất định. (ii) Dự án đầu tư được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định. Nghĩa là mọi dự án đầu tư đều có điểm bắt đầu và điểm kết thúc.

    Nói cách khác, hoạt động đầu tư kinh doanh gắn liền với dự án không kéo dài mãi mãi mà nó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hợp lý để chủ đầu tư đạt được các mục tiêu nhất định. Thông qua hạn mức về thời gian thực hiện, Nhà nước và cả nhà đầu tư có tiêu chí để đánh giá mức độ hiệu quả của dự án. 

    Đặc điểm của dự án đầu tư

    Từ định nghĩa trên, ta có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của dự án đầu tư như sau: 

    – Về chủ thể, dự án đầu tư có sự tham gia của nhiều bên hữu quan. Nhìn chung, dự án đầu tư có thể có sự tham gia của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, chủ thể tư vấn dự án, nhà thầu, chủ thể thụ hưởng kết quả đầu tư. Tùy thuộc vào tính chất nguồn vốn của dự án và quy mô vốn, lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư mà sự tham gia của các chủ thể nói trên cũng khác nhau. Khi số lượng chủ thể tham gia đông đảo thì kết quả của dự án đầu tư sẽ bị phụ thuộc vào mức độ phối hợp ăn ý cũng như mức độ trách nhiệm với công việc của chủ thể đó. 

    – Về nội dung, dự án đầu tư luôn có tính xác định và cụ thể. Tính xác định được thể hiện ngay tại thời điểm nhà đầu tư chắp bút xây dựng bản kế hoạch với mục tiêu rõ ràng. Bên cạnh đó, dù trong cùng một lĩnh vực nhưng nội dung của các dự án luôn có sự phân biệt bởi địa bàn thực hiện và thời gian triển khai dự án không giống nhau. Ngoài ra, nhà đầu tư xây dựng dự án đầu tư với những nhiệm vụ cụ thể trong những giai đoạn nhất định là việc làm cần thiết vì nội dung dự án là công cụ hỗ trợ hữu hiệu khi Nhà nước hoặc nhà đầu tư cần kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư hoặc đánh giá hiệu quả đầu tư.

    Về tính chất, dự án đầu tư có tính rủi ro cao. Dù nội dung của dự án đầu tư được xây dựng kỹ càng thì đây vẫn là những đề xuất cho công việc trong tương lai và chứa đựng tỷ lệ rủi ro nhất định. Không một chủ thể tư vấn hoặc cơ quan nhà nước nào có thể đảm bảo dự án đầu tư sẽ được triển khai thành công và thu về lợi nhuận. Thực tiễn đã chứng minh rất nhiều dự án đầu tư bị thất bại trong quá trình đầu tư và vận hành, nhà đầu tư không thu được những lợi ích như kỳ vọng.

    Bên cạnh đó, dự án đầu tư còn được thực hiện trong khoảng thời gian dài, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân công nên dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong lĩnh vực an toàn lao động hoặc rủi ro cho môi trường tự nhiên. Chính vì thế, với những dự án đầu tư có khả năng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, môi trường, kinh tế thì Nhà nước sẽ phải thẩm định dự án để hạn chế tối đa rủi ro trong tương lai. 

    Phân loại dự án đầu tư

    Một là: Căn cứ vào địa điểm thực hiện, dự án đầu tư được chia thành: Dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư ra nước ngoài. 

    – Dự án đầu tư trong nước: là dự án được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Nguồn vốn để thực hiện dự án có thể từ nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn luật điều chỉnh dự án đầu tư trong nước bao gồm văn bản pháp luật trong nước và các điều luật quốc tế.

     – Dự án đầu tư ra nước ngoài: là dự án được thực hiện bởi nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư tự huy động thông qua nhiều kênh. Khi thực hiện việc vay vốn bằng ngoại tệ hoặc chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ thì nhà đầu tư phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, về các tổ chức tín dụng, về quản lý ngoại hối. Nguồn luật điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài bao gồm Luật Đầu tư hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

    – Việc phân chia đầu tư theo tiêu chí lãnh thổ là cơ sở khoa học để xây dựng khung pháp lý dành riêng cho dự án đầu trong nước và dự án đầu tư nước ngoài.

    Hai là: Căn cứ vào mục đích thực hiện, dự án đầu tư được chia thành dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng 

    Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án hoạt động độc lập với dự án đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. 

    Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường. 

    Trong nền kinh tế, hai nhóm dự án đầu tư này hỗ trợ cho nhau hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư.

    Ba là: Căn cứ vào thời gian thực hiện, dự án đầu tư được chia thành dự án đầu tư trung hạn và dự án đầu tư dài hạn 

    Dự án đầu tư dài hạn là dự án có thời gian thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài, khối lượng công việc lớn, nguồn vốn được sử dụng nhiều nhưng thời gian thu hồi vốn lâu. Chẳng hạn như các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở hoặc dự án phát triển khoa học kỹ thuật đều là dự án đầu tư dài hạn. 

    Dự án đầu tư trung hạn là dự án được tiến hành trong thời gian ngắn, tính chất của hoạt động đầu tư đơn giản và cần ít vốn. 

    Việc xác định dự án đầu tư trung hạn hay dài hạn chỉ mang tính tương đối vì pháp luật đầu tư không giải thích thế nào là dài hạn, trung hạn. Tuy nhiên đây cũng là một tiêu chí cần thiết để nhà đầu tư phân bổ thời gian hợp lý để từ đó lên kế hoạch nội dung công việc cho từng giai đoạn thực hiện hoạt động đầu tư. ĐIỀU 

    Bốn là: Căn cứ vào thủ tục đầu tư,

    Dự án đầu tư được chia thành ba loại: Dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, Dự án đầu tư phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Dự án đầu tư không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 

    * Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư:

    Đây là thủ tục đầu tư mới lần đầu tiên được ghi nhận tại Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, căn cứ vào cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chủ trương, dự án đầu tư được chia cụ thể thành ba nhóm: dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

     – Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội bao gồm: 

    + Nhóm thứ nhất là các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên; 

    + Nhóm thứ hai là các dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; 

    + Nhóm thứ ba là dự án di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; 

    + Nhóm thứ tư là dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

    – Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ

    Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo pháp luật về đầu tư công và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư có đặc điểm sau: 

    + Thứ nhất, dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; (ii) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không; (iii) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia; (iv) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; (v) Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino; (vi) Sản xuất thuốc lá điếu; (vii) Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế; (vii) Xây dựng và kinh doanh sân gôn. 

    + Thứ hai, dự án không thuộc trường hợp thứ nhất có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; 

    + Thứ ba, dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài; 

    + Thứ tư, dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật’. 

    – Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 

    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây: 

    + Thứ nhất là, dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; 

    + Thứ hai là, dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. 

    Ngoài ra, để phòng tránh hiện tượng chồng chéo, trùng lặp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, pháp luật đầu tư còn nhấn mạnh những dự án mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cụ thể là: 

    + Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Thủ tướng chính phủ 

    + Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 nhưng được thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt’. 

    * Dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư? 

    Dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm: Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng được hưởng quy chế như nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, những dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là những dự án của nhà đầu tư nước ngoài hoặc được coi như nhà đầu tư nước ngoài.

     Luật Đầu tư đã quy định rõ về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để làm cơ sở áp dụng thống nhất điều kiện và thủ tục đầu tư đối với các tổ chức này theo hướng chỉ các tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoặc tổ chức có tổ chức trên nắm giữ trên 51% mới phải áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài. Những trường hợp còn lại, tổ chức kinh tế áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư trong nước…

    Khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chuyển vốn mà còn dịch chuyển nguồn nhân lực và máy móc, công nghệ vào trong lãnh thổ. Để đảm bảo không xảy ra những bất ổn về xã hội, chính trị và kiểm duyệt mục tiêu đầu tư cũng như tư cách pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần một công cụ để thực hiện những nhiệm vụ trên. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được hình thành với vai trò đó. 

    * Dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

    Dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm: 

    – Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước; VO – Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng được hưởng quy chế như nhà đầu tư trong nước; 

    – Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Các dự án này không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo quy định của Điều 25, 26 Luật Đầu tư năm 2014. 

    Như vậy, Luật Đầu tư hiện hành đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Đây là điểm mới và sáng của Luật Đầu tư năm 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005, thể hiện những cố gắng của Nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản. 

    Việc phân loại dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư mang lại nhiều ý nghĩa cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước. Đối với nhà đầu tư, họ có thể dễ dàng nhận diện quy chế pháp lý dành cho dự án đầu tư của mình để có công tác chuẩn bị đầu tư chu đáo. Về phía nhà nước, thủ tục đầu tư vừa là công cụ hữu hiệu để quản lý các dự án đầu tư nói riêng và hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung, đồng thời là cơ sở phân cấp quản lý hoạt động đầu tư.

    Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *