Cạnh tranh là gì? Hình thức cạnh tranh? Đặc điểm của pháp luật cạnh tranh?
Cạnh tranh là gì? Hình thức cạnh tranh? Đặc điểm của pháp luật cạnh tranh? sẽ được chúng tôi tư vấn trong nội dung bài viết sau đây.
Cạnh tranh là gì? Hình thức cạnh tranh? Đặc điểm của pháp luật cạnh tranh?
Cạnh tranh là gì? Hình thức cạnh tranh? Đặc điểm của pháp luật cạnh tranh? sẽ được chúng tôi tư vấn trong nội dung bài viết sau đây.
Khái niệm cạnh tranh
Không thể phủ định rằng, nguồn gốc của sự phát triển chính là cạnh tranh. Tuy nhiên khó có thể đưa ra một khái niệm chính xác mang tính tổng quát thế nào là “cạnh tranh”, bởi “cạnh tranh” là khái niệm rất rộng, xuất hiện trong đời sống hàng ngày và bao trùm lên mọi lĩnh vực. Vì vậy, khi đặt giả thuyết nghiên cứu về pháp luật cạnh tranh, các nhà khoa học thường đề cập tới khái niệm “cạnh tranh” dưới góc độ kinh tế.
Theo đó, cạnh tranh được hiểu là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm mục đích lôi kéo về phía mình ngày càng nhiều khách hàng. Mặc dù định nghĩa cạnh tranh là sự “ganh đua”, tuy nhiên trong quá trình kinh doanh, phương thức, cách thức để ganh đua luôn có sự đa dạng. Kết quả của cuộc ganh đua đem lại là thị phần trên thị trường cho người chiến thắng. Ngược lại, kẻ thua cuộc sẽ mất dần khách hàng, thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Quá trình đó diễn ra thường xuyên và liên tục, tạo nên áp lực của sự đua tranh và phát triển, cùng với đó là những hành vi phản cạnh tranh trên thị trường cần được kiểm soát.
Chủ thể của quá trình ganh đua này chính là đối thủ cạnh tranh của nhau trên thị trường. Vì chỉ khi có cùng mục đích, cùng thị trường, thì các chủ thể này mới “tranh giành” lẫn nhau, dẫn tới sự xuất hiện của “cạnh tranh”. Nếu tách bỏ mục đích cạnh tranh, những phương thức kinh doanh mà các chủ thể này tiến hành chỉ là hành vi thương mại thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận.
Một điểm quan trọng đáng lưu ý nữa khi nhắc tới cạnh tranh dưới góc độ kinh tế, đó là cạnh tranh chỉ xuất hiện và tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường, nơi pháp luật thừa nhận quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng của mọi chủ thể. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, không có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, tùy ở mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế mà các yếu tố thị trường nhiều hay ít. Vì vậy khi xem xét đến tính cạnh tranh của thị trường hay sự phát triển của chính sách cạnh tranh trong đó bao gồm cả pháp luật cạnh tranh, ta luôn phải đặt trong điều kiện của một nền kinh tế cụ thể.
Hình thức cạnh tranh
Hình thức hay chính là cách thức phân loại cạnh tranh. Có rất nhiều cách phân loại cạnh tranh, cụ thể như: Căn cứ vào tính chất của các phương thức cạnh tranh có thể phân thành cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh; Căn cứ vào tính chất và mức độ can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế có thể phân loại thành cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước…
Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, các nhà nghiên cứu chính sách và các nhà làm luật thường quan tâm tới các cách phân loại căn cứ vào tác động bất lợi của hành vi cạnh tranh gây ra đối với môi trường cạnh tranh. Cách phân loại này được áp dụng bởi Luật của một số quốc gia, trong đó tiêu biểu là Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam. Theo đó các hành vi cạnh tranh được phân loại như sau:
Hành vi hạn chế cạnh tranh là những hành vi của các doanh nghiệp trên thị trường luôn hướng tới việc hình thành một sức mạnh thị trường hoặc lạm dụng sức mạnh thị trường, làm cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo. Sự biến dạng cạnh tranh có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường thay đổi tương quan cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, làm cản trở, giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường. Hành vi hạn chế cạnh tranh thường gây hậu quả xấu cho toàn bộ thị trường và người tiêu dùng, do đó chế tài xử lý rất nghiêm khắc. Thông thường hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm các dạng hành vi như, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Về mặt bản chất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn là các phương thức kinh doanh, để cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên những hành vi cạnh tranh này được đẩy lên một cách thái quá, nếu không xử lý sẽ tạo ra cách hành xử tiêu cực trên thị trường. Về mặt hậu quả, nếu như ở hành vi hạn chế cạnh tranh phạm vi tác động được nhấn mạnh đến môi trường cạnh tranh nói chung, thì ở hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hậu quả hiện hữu được nhắc tới là những thiệt hại cụ thể của đối thủ cạnh tranh hoặc người tiêu dùng. Vì vậy chế tài xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng được quy định khác so với hành vi hạn chế cạnh tranh. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng đa dạng, phong phú hơn so với hành vi hạn chế cạnh tranh, và thường được quy định cụ thể ở các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau.
Nhu cầu điều tiết cạnh tranh bằng pháp luật cạnh tranh
Cạnh tranh là động lực để phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Có thể nói một nền kinh tế vững mạnh, có tiềm năng là nền kinh tế có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ không ngừng đổi mới và vận động phát triển, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế có sức cạnh tranh khiêm tốn. Đây là một thách thức lớn đặt ra cho chúng ta khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta có nền kinh tế với quá ít yếu tố thị trường.
Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm độc quyền trong rất nhiều ngành kinh tế then chốt. Hệ lụy của nó là tình trạng lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để gây phản cạnh tranh như đầu cơ lũng đoạn thị trường, tăng giá, giảm giá, phá giá tuỳ tiện gây tác hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội. Thêm vào đó các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh mà còn tác động xấu tới môi trường văn hóa kinh doanh nói chung.
Do đó, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng Nhà nước cần điều tiết cạnh tranh. Mô hình tự do cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước cũng là mô hình chung của mọi nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên Nhà nước điều tiết cạnh tranh bằng cách nào, và cần đảm bảo những nguyên tắc gì? Câu trả lời là Nhà nước điều tiết cạnh tranh bằng chính sách cạnh tranh.
Chính sách cạnh tranh là tổng thể các biện pháp, công cụ vĩ mô của nhà nước nhằm đảm bảo tự do cạnh tranh và điều tiết cạnh tranh trong nền kinh tế, duy trì môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng phù hợp với lợi ích chung của xã hội’. Chính sách cạnh tranh bao gồm rất nhiều các yếu tố như chính sách về thương mại quốc tế, chính sách công nghiệp, chính sách điều tiết kinh tế ngành, cổ phần hóa…. và cả pháp luật cạnh tranh. Luật Cạnh tranh giữ vai trò quan trọng và là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách cạnh tranh. Việc xây dựng chính sách cạnh tranh đóng vai trò tiên phong, là bước đệm cho ra đời pháp luật cạnh tranh. Ngược lại quá trình thực thi Luật Cạnh tranh giúp đánh giá và hoàn thiện hơn chính sách cạnh tranh của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ.
Đặc điểm của pháp luật cạnh tranh
Pháp luật cạnh tranh bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thương trường, đồng thời bao gồm cả các quy định đảm bảo thực thi Luật Cạnh tranh trong thực tế. Đó là các quy định về: tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước thi hành Luật Cạnh tranh; trình tự thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh; các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh’. Xét trong tổng thể hệ thống pháp luật, Luật Cạnh tranh là mảng quy định khá đặc thù. Có thể nói pháp luật cạnh nằm giữa ranh giới luật công và luật tư, bởi Luật Cạnh tranh sử dụng quyền lực công (quyền lực nhà nước) để điều chỉnh các quan hệ tư như quan hệ hợp đồng trong kinh doanh thương mại. Các đặc trưng của pháp luật cạnh tranh có thể kể đến như sau:
Thứ nhất: Pháp luật cạnh tranh có tính tiếp cận từ mặt trái. Điều này thể hiện ở chỗ, trong Luật Cạnh tranh không có điều khoản nào quy định các doanh nghiệp cần làm gì, hay hướng dẫn các doanh nghiệp phải làm gì để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Mà các quy định chủ yếu hướng tới việc cấm đoán các hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây cũng là đặc điểm chung của pháp luật cạnh tranh tất cả các nước trên thế giới. Sở dĩ có đặc trưng này bởi vì cạnh tranh vốn là khái niệm hết sức trừu tượng, cách thức cạnh tranh của các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy pháp luật không thể quy định hướng dẫn về hành vi cạnh tranh, mà chỉ có thể quy định cấm hành vi phản cạnh tranh. Ngoài những hành vi mà pháp luật cấm, các chủ thể kinh doanh được tự do lựa chọn phương thức cạnh tranh với nhau trên thị trường.
Thứ hai: Pháp luật cạnh tranh có tính mềm dẻo. Theo đó pháp luật cạnh tranh thường đặt ra các điều khoản mở và những quy định miễn trừ cho phép cơ quan thi hành Luật Cạnh tranh có thể áp dụng pháp luật một cách linh hoạt. Cụ thể, Luật Cạnh tranh 2004 cấm tuyệt đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Tuy nhiên đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế lại có thể được hưởng miễn trừ theo quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này. Ngoài ra, việc liệt kê theo hướng mở cũng là cách thức quy định khá phổ biến đối với các hành vi phản cạnh tranh bị cấm trong Luật.
Thứ ba: Ngoài các quy định về nội dung điều chỉnh hành vi cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh còn có các quy định hình thức điều chỉnh hoạt động tố tụng cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh. Đây không hẳn là một đặc trưng của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên có thể nói tố tụng cạnh tranh là một loại tố tụng đặc thù, là một thủ tục “hành chính lại tư pháp”, vì vậy chỉ có thể quy định trong Luật Cạnh tranh mà không phải một văn bản tố tụng riêng biệt nào khác.
Cơ cấu chung của pháp luật cạnh tranh
Có thể thấy, việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh không hoàn toàn giống nhau ở các quốc gia. Một số nước ban hành các đạo luật riêng để chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh (Đức, Trung Quốc) nhưng một số nước chỉ ban hành luật điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh mà không có đạo luật riêng điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Mỹ, Thụy Sĩ…). Ở những nước khác như: Ba Lan, Cộng hoà Séc, Bungari, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ thì trong cùng một đạo luật chứa đựng các quy phạm điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh của Việt Nam năm 2004 cũng theo xu hướng này.
Tuy nhiên sau quá trình thực thi hơn một thập kỷ qua, các nhà làm luật Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về việc loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh ra khỏi Luật Cạnh tranh. Do những hành vi cạnh tranh không lành mạnh luôn biến đổi không ngừng, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến lại được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền. Ngoài ra, khi xem xét các bộ phận cấu thành Luật Cạnh tranh, các nhà làm luật còn quan tâm đến cả cách thức thực thi luật như vấn đề về tổ chức hoạt động của các cơ quan cạnh tranh, trình tự thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc