Một số nội dung cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 . Một số nội dung cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 . Một số nội dung cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Một số nội dung cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 . Một số nội dung cơ bản của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Mục lục

    Khái quát về Luật Cạnh tranh của Việt Nam 

    Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2005. Về phạm vi điều chỉnh, Luật Cạnh tranh gồm 6 chương, cụ thể như sau: 

    – Chương I những quy định chung bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền cạnh tranh trong kinh doanh, nguyên tắc áp dụng Luật Cạnh tranh, trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh. 

    – Chương II bao gồm các quy định về kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh 

    – Chương III quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh 

    – Chương IV quy định về cơ quan cạnh tranh bao gồm: cơ quan quản lý cạnh tranh và hội đồng cạnh tranh 

    – Chương V quy định về trình tự thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh và các hình thức xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh 

    – Chương VI điều khoản thi hành Về đối tượng áp dụng Luật Cạnh tranh 2004 quy định như sau: 

    Thứ nhất: Là “tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”. Có thể nói với cách quy định như vậy, đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh rất rộng, bao gồm cả cá nhân có đăng kí kinh doanh và cá nhân không có đăng kí kinh doanh (cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh), nhưng đều được gọi chung là “doanh nghiệp”.

    Điều này khiến khái niệm “doanh nghiệp” trong Luật Cạnh tranh 2004 có sự khập khiễng so với khái niệm “doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh là “doanh nghiệp nước ngoài”. Mặc dù rất mong muốn đối tượng áp dụng Luật được mở rộng, tức là khái niệm “doanh nghiệp nước ngoài sẽ bao gồm cả doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam và cả doanh nghiệp chưa có hiện diện thương mại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà làm luật đều cho rằng đối tượng áp dụng Luật Cạnh tranh mới chỉ dừng lại là các tổ chức, cá nhân kinh doanh Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. 

    Thứ hai: Là các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam. Đây là một trong những điểm tiến bộ của Luật Cạnh tranh 2004, khi xác định đối tượng áp dụng là “hiệp hội ngành nghề”. Bởi thực tiễn xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh cho thấy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ các chủ thể kinh doanh tham gia các-ten (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) là rất lớn. Tuy nhiên, mặc dù quy định “hiệp hội” là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2004, nhưng các nhà làm luật lại không quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của hiệp hội. Hiệp hội chỉ bị xử lý với hành vi duy nhất quy định tại Điều 47 Luật Cạnh tranh 2004 liên quan đến phân biệt đối xử với các doanh nghiệp khi tham gia hoặ rút khỏi hiệp hội. 

    Thị trường liên quan và sức mạnh thị trường 

    Thị trường liên quan và sức mạnh thị trường chính là căn cứ đầu tiên khi xác định vụ việc hạn chế cạnh tranh. Có xác định được thị trường liên quan, mới có thể xác định được ranh giới cạnh tranh giữa các chủ thể trên thị trường. Từ đó mới khẳng định được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường, có khả năng chi phối thị trường, thậm chí là bóp méo cạnh tranh trên thị trường. 

    Cụ thể, tại khoản 1, Điều 3 của Luật Cạnh tranh 2004 quy định thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó, “thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả” còn “thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận”.

    Ví dụ, đối với các sản phẩm như Cocacola, Pepsi hay Seven Up, đây đều là những sản phẩm có thể thay thế được cho nhau (do có những đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả tương tự nhau). Do đó có thể coi thị trường sản phẩm liên quan của chúng là thị trường nước ngọt giải khát có gas. Việc tính thị phần của doanh nghiệp sản xuất các loại đồ uống này cũng phải giới hạn trong phạm vi thị trường sản phẩm liên quan đó. Thị trường địa lý liên quan của các sản phẩm này có thể là phạm vi toàn quốc. Do chúng được cung cấp trên phạm vi toàn quốc với các điều kiện tương tự nhau. 

    Sức mạnh thị trường có thể được hiểu là khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh hoặc giảm chất lượng hoặc sản lượng xuống dưới mức cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận’. Sức mạnh thị trường của doanh nghiệp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sức mạnh về vốn, về trình độ khoa học kĩ thuật, thậm chí là hệ thống mạng lưới phân phối… Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam không đưa ra khái niệm sức mạnh thị trường, nhưng lại sử dụng tiêu chí về mặt thị phần là yếu tố cốt lõi để xác định doanh nghiệp có hay không sức mạnh thị trường.

    Theo đó, mức 30% thị phần trên thị trường liên quan, được xem là ngưỡng suy đoán sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp. Đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, hầu hết đều dựa vào ngưỡng này để đưa ra các quy định cấm hay kiểm soát. Điều này làm giảm đi đặc tính quan trọng của pháp luật cạnh tranh, là tính “mềm dẻo”, khiến các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam trở nên phiến diện và có phần cứng nhắc. 

    Cách xác định thị phần được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 và Mục 2 Nghị định 116/2005/NĐ-CP. Theo đó “thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hóa dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm”. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định doanh thu, doanh số để tính thị phần cho các doanh nghiệp không đơn giản.

    Bởi những thông tin, số liệu về doanh thu của doanh nghiệp là nguồn tài liệu rất khó tiếp cận. Những số liệu báo cáo trên giấy tờ thậm chí cũng phản ánh không chính xác tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Ví dụ như trong vụ các doanh nghiệp khởi kiện công ty TNHH Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh, để chứng minh Megastar có vị trí thống lĩnh (trên 30% thị phần trên thị trường liên quan), các doanh nghiệp khởi kiện đã phải “thuyết phục” Cục Quản lý cạnh tranh chấp thuận các số liệu thu thập được từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đi khiếu nại, số liệu từ các thống kê, khảo sát mà nội bộ ngành điện ảnh trong nước cũng như thế giới đang thực hiện. 

    Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh 

    Trong kinh tế học, hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được nhìn nhận là sự thống nhất cùng hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh”. Về cơ bản, khi kinh doanh trên thị trường, mỗi doanh nghiệp đều có quyền tự do kinh doanh, tự do khế ước, vậy nên việc các doanh nghiệp thỏa thuận hợp tác với nhau không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên khi những thỏa thuận ấy trở thành hành vi phản cạnh tranh và bóp méo thị trường thì Nhà nước cần phải có thái độ nghiêm khắc. Pháp luật cạnh tranh chính là công cụ để Nhà nước điều chỉnh mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong trường hợp này.

    Dưới góc độ pháp lý có thể hiểu: “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất ý chí của từ hai chủ thể kinh doanh trở lên được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, có hậu quả làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường”. Theo cách định nghĩa này thì dấu hiệu hậu quả chính là cách để chúng ta nhận biết đâu là thỏa thuận được phép và đâu là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Những hành vi thỏa thuận với mục tiêu phản cạnh tranh được cho là có hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả đối với các hành vi mang dấu hiệu hình sự như “trộm cắp tài sản”. Bởi hành vi này có sức ảnh hưởng tới cả thị trường, xâm hại lợi ích của tất cả người tiêu dùng nói chung chứ không chỉ một cá nhân riêng lẻ. 

    Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam không đưa ra khái niệm thế nào là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mà chỉ coi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một trong các dạng hành vi hạn chế cạnh tranh điển hình. Tại khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi làm giảm sai lệch và cản trở cạnh tranh trên thị trường”. Cũng tại Điều 8 Luật Cạnh tranh 2004, liệt kê tám (08) dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Theo đó chỉ có tám hành vi này mới được coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đây là cách thức định nghĩa liệt kê theo hướng đóng. Quy định như vậy, giúp cơ quan cạnh tranh phần nào dễ dàng hơn trong việc xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên nó cũng làm mất đi tính “mềm dẻo” của Luật Cạnh tranh, khiến việc thực thi các quy định của luật trở nên khó khăn. 

    Dấu hiệu nhận diện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh 

    Thứ nhất: Là dấu hiệu nhận biết về mặt chủ thể. Chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động độc lập. 

    Căn cứ vào Điều 2 của Luật Cạnh tranh 2004, khái niệm “doanh nghiệp” bao gồm tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó có cả các cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh. Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể là là đối thủ của nhau, hoạt động trên cùng một thị trường liên quan hoặc giữa các bên không phải là đối thủ của nhau. Ví dụ, trong các dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 8 Luật Cạnh tranh 2004, thỏa thuận ấn định giá thường là các thỏa thuận giữa các đối thủ trên cùng một thị trường liên quan. Tuy nhiên thỏa thuận áp đặt cho các doanh nghiệp khác điều kiện kí kết hợp đồng, mua bán hàng hóa dịch vụ có thể là thỏa thuận giữa một bên là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và một bên là doanh nghiệp đóng vai trò khách hàng sử dụng hàng hóa đó hoặc phân phối các sản phẩm hàng hóa đó. Những doanh nghiệp này không nằm trên cùng một thị trường liên quan. 

    Ngoài ra các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng phải hoạt động độc lập với nhau. Điều này nghĩa là khi tham gia thỏa thuận, các bên hoàn toàn tự do ý chí và mong muốn xác lập thỏa thuận. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi với các nhà làm luật và nghiên cứu luật hiện nay đó là sự độc lập này được thể hiện như thế nào? Độc lập về ý chí hay độc lập về chủ thể. Liệu rằng những mô hình như công ty mẹ – công ty con hoặc công ty tập đoàn và các công ty thành viên có phải là những chủ thể độc lập? Hay như việc các Hiệp hội ngành nghề ra quyết định và bắt buộc các thành viên tuân thủ có được coi là thỏa thuận độc lập giữa những doanh nghiệp thành viên. Vấn đề này phải đánh giá ở bản chất của từng hành vi cụ thể cũng như mức nguy hại sẽ xảy đến với môi trường cạnh tranh khi hành vi này được thực hiện. 

    Thứ hai: Dấu hiệu nhận biết về mặt hành vi. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã thống nhất cùng nhau thực hiện những hành vi phản cạnh tranh, bóp méo thị trường

    Đây là dấu hiệu đặc trưng, giúp phân biệt hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và các hành vi hạn chế cạnh tranh còn lại như lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của nhóm doanh nghiệp. Ở hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, dấu hiệu về “sự thống nhất ý chí” là dấu hiệu quan trọng nhất. Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất về các yếu tố được cho là có tác động đáng kể tới môi trường cạnh tranh.

    Những yếu tố có thể kể đến như là giá cả, số lượng, chất lượng của hàng hóa dịch vụ, thị trường phân phối, hay thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào… Ngoài ra các doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận về các vấn đề khác như quy chuẩn kĩ thuật của sản phẩm, các điều kiện chung về giao hàng, phương thức thanh toán… Nhưng các thỏa thuận này sẽ không được xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh vì không làm ảnh hưởng tới cạnh tranh trên thị trường. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc không văn bản, cách thức tiến hành có thể thỏa thuận công khai hoặc thỏa thuận ngầm.

    Tuy nhiên cơ quan cạnh tranh sẽ bắt buộc phải tìm ra bằng chứng về sự thỏa thuận giữa những doanh nghiệp bị điều tra để kết luận về hành vi vi phạm. Đây cũng là một thách thức lớn đặt ra đối với các chuyên viên điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin, khi các doanh nghiệp luôn cố tìm cách che đậy các hành vi vi phạm của mình. 

    Cũng cần lưu ý rằng, trong đặc điểm về hành vi của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các nhà làm luật chỉ nhấn mạnh tới sự thống nhất về mặt ý chí”, mà không nhắc tới việc hành vi phản cạnh tranh đã và đang diễn ra trên thị trường. Như vậy, có thể khẳng định, đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, việc các doanh nghiệp đã thực hiện hành vi phản cạnh tranh như tăng giá, hay phân chia thị trường…không phải là điều kiện tiên quyết để xác định hành vi vi phạm. Cụ thể, trong vụ xử 19 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh’, rất nhiều doanh nghiệp bị xử phạt đã khiếu nại lên Cơ quan quản lí cạnh tranh cho rằng, mình mới chỉ kí kết bản thỏa thuận mà chưa thực hiện việc tăng giá, đề nghị được xem xét.

    Tuy nhiên căn cứ vào đặc điểm này có thể khẳng định rằng, dù các doanh nghiệp bảo hiểm đó đã thực hiện hay chưa thực hiện hành vi tăng giá như cam kết thì cũng đã đủ cấu thành hành vi để kết luận các doanh nghiệp này đã vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

    Thứ ba: Hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là làm giảm sức ép cạnh tranh, làm sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. 

    Đây là dấu hiệu chung cho cả ba loại hành vi hạn chế cạnh tranh, song với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì hậu quả nói trên được chứng minh bằng sự xóa bỏ cạnh tranh giữa những doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận bằng sự thống nhất cùng hành động. Khi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hình thành, các doanh nghiệp đang là đối thủ cạnh tranh của nhau sẽ tạo ra những tiêu chuẩn chung, ví dụ về giá, tiêu chuẩn kĩ thuật, điều kiện giao kết hợp đồng… chính điều này đã khiến các doanh nghiệp này không còn cạnh tranh với nhau nữa và hình thành một nhóm doanh nghiệp có sức mạnh thị trường lớn, có thể tạo ra sức ép, những điều kiện bất lợi cho khách hàng cũng như các doanh nghiệp khác trong cùng thị trường liên quan.

    Khách hàng sẽ bị hạn chế về quyền lựa chọn sản phẩm, hay phải mua sản phẩm ở một mức giá nhất định, mà mức giá này có thể cao hơn mức giá thông thường, còn các doanh nghiệp khác thì bị yếu thế về mặt cạnh tranh, mất khách hàng, không lưu thông được hàng hóa, thậm chí có thể bị loại khỏi thị trường nếu sức cạnh tranh quá yếu. 

    Phân loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh 

    Việc phân loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có ý nghĩa không chỉ về mặt nghiên cứu mà còn cả thực thi pháp luật cạnh tranh. Bởi việc phân loại giúp các nhà lập pháp xác định được ngay từ đầu những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có ảnh hưởng xấu tới môi trường cạnh tranh và những thỏa thuận cạnh tranh được phép. Thông thường dựa vào vị trí của các chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong chuỗi quá trình sản xuất kinh doanh, có thể phân thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang. Thỏa thuận theo chiều ngang (horizontal agreementscartel) là thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh trong cùng ngành hàng và cùng khâu của quá trình kinh doanh (ví dụ: thỏa thuận giữa các nhà sản xuất, những người bán buôn với nhau, giữa những người bán lẻ với nhau).

    Thỏa thuận theo chiều dọc (vertical agreement vertical restraints) là thỏa thuận hợp tác giữa hai hoặc nhiều doanh nghiệp hoạt động ở những khâu khác nhau trong quá trình sản xuất, hoặc phân phối trên thị trường. Thỏa thuận dọc thường tập trung vào các điều kiện kinh doanh trên thị trường thứ cấp như giá bán lại, khu vực phân phối, sản lượng phân phối, khách hàng giao dịch, điều kiện phân phối… Nhìn chung, các thỏa thuận theo chiều dọc phần lớn ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cạnh tranh so với thỏa thuận theo chiều ngang.

    Ngay cả ở thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang, cũng có thể phân loại thành thỏa thuận ngang nghiêm trọng (hardcore cartel) và thỏa thuận theo chiều ngang ít nghiêm trọng (non – hardco cartel)’. Theo khuyến nghị về các hoạt động hiệu quả chống hardcore cartel của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) (1998), “hardcore cartel là một thỏa thuận hay thống nhất ý chí cùng hành động giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm ấn định giá, gian lận thầu (thông đồng đấu thầu), hạn chế sản lượng hoặc hạn ngạch, phân chia thị trường theo nhóm khách hàng, nguồn cung ứng, khu vực địa lý hay các kênh thương mại”.

    Ngược lại có những thỏa thuận ngang mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, mà còn làm lợi cho cả người tiêu dùng. Những thỏa thuận ngang như thế có thể gọi là thỏa thuận hợp tác, hay thỏa thuận ngang ít nghiêm trọng. Ví dụ như những thỏa thuận nghiên cứu phát triển (R&D) hay thỏa thuận định chuẩn… Việc phân loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của Việt Nam, rất tiếc không dựa trên những tiêu chí chung như vừa phân tích. Dựa vào tác động của hành vi đối với môi trường cạnh tranh, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004 được chia thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện.

    Trong đó không phân rõ đâu là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang, đâu là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc. Những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối cũng không đồng nhất với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang có tính chất nghiêm trọng (hardcore cartel). Bởi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường theo Luật Cạnh tranh 2004 lại thuộc thỏa thuận bị cấm có điều kiện. Điều này khiến tiêu chí xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của Việt Nam trở nên khập khiễng và khó thực thi. 

    Các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh Việt Nam 

    Luật Cạnh tranh năm 2004 và Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dưới hình thức liệt kê các hành vi cụ thể và mô tả chi tiết về nội dung, hình thức của các loại thỏa thuận này. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm 08 dạng thỏa thuận quy định tại Điều 8, Luật Cạnh tranh 2004 và được quy định chi tiết tại các Điều từ 14 đến 21 của Nghị định 116/2005/NĐ-CP. 

    Cụ thể như sau: Theo Điều 8, Luật Cạnh tranh 2004, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: 

    – Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; 

    – Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ; 

    – Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ; 

    – Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; 

    – Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng

    – Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; 

    – Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận; 

    – Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ. 

    Mỗi loại thỏa thuận trên được mô tả chi tiết tại từ Điều 14 đến Điều 21, Nghị định 116/2005/NĐ-CP. Như vậy, phạm vi các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị điều chỉnh chỉ nằm trong khuôn khổ các hành vi được quy định trong Luật và Nghị định hướng dẫn. 

    Quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh Việt Nam

    Như đã đề cập ở phần phân loại thỏa thuận hạn chế cạn tranh, quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa vào tính chất nguy hiểm của hành vi gây ra đối với môi trường cạnh tranh. Theo đó, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm ở hai mức độ: cấm tuyệt đối (trong mọi trường hợp) và cấm khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan chiếm từ 30% trở lên. Mặc dù vậy, căn cứ các quy định hiện hành, có thể thấy rằng Luật Cạnh tranh của Việt Nam sử dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên khi đánh giá các hành vi thỏa thuận. 

    Thứ nhất: Là các hành vi bị cấm tuyệt đối quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Cạnh tranh 2004, bao gồm: (i) thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh (khoản 6 Điều 8); (ii) thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận (khoản 7 Điều 8); (iii) thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ (khoản 8 Điều 8).

    Những hành vi này được cho là luôn hàm chứa những tác hại xấu tới môi trường cạnh tranh, do vậy pháp luật cần nghiêm cấm dưới mọi hình thức mà không cần xem xét đến sức mạnh thị trường cũng như sức ảnh hưởng của doanh nghiệp khi thực hiện hành vi. Ngoài ra, đối với những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối cũng không cho phép hưởng miễn trừ. 

    Thứ hai: Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện được áp dụng đối với các thỏa thuận quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 

    Điều 8, Luật Cạnh tranh năm 2004, bao gồm: 

    – Thỏa thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; 

    – Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ; 

    – Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ; 

    – Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; 

    – Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Theo đó các thỏa thuận trên chỉ có thể bị cấm khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Ngoài ra nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh 2004 thì những thỏa thuận này còn có thể xem xét để được hưởng miễn trừ. 

    Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *