Hợp đồng đại điện cho thương nhân là gì?
Trong nội dung bài viết này, luật Hoàng Phi sẽ tư vẫn về nội dung: Hợp đồng đại điện cho thương nhân là gì?
Hợp đồng đại điện cho thương nhân là gì?
Trong nội dung bài viết này, luật Hoàng Phi sẽ tư vẫn về nội dung: Hợp đồng đại điện cho thương nhân là gì?
Khái niệm hợp đồng đại điện cho thương nhân
Luật Thương mại 2005 không đưa ra khái niệm hợp đồng đại diện cho thương nhân mà chỉ đưa ra khái niệm đại diện cho thương nhân, theo đó: “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện” (Điều 141 Luật Thương mại năm 2005). Căn cứ vào khái niệm này và khái niệm hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, có thể định nghĩa: “Hợp đồng đại diện cho thương nhân là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên đại diện nhận uỷ nhiệm của bên giao đại diện để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của bên giao đại diện và được hưởng thù lao về việc làm đại diện”.
Như vậy, đại diện cho thương nhân thực chất là một dạng của hoạt động uỷ quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự; và hợp đồng đại diện cho thương nhân về bản chất là hợp đồng uỷ quyền, theo đó, bên giao đại diện (bên uỷ quyền) uỷ quyền cho bên đại diện (bên được uỷ quyền) thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn và vì lợi ích của bên giao đại diện.
Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân
Hợp đồng đại diện cho thương nhân mang các đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất: Chủ thể của hợp đồng đại diện cho thương nhân phải là thương nhân
Hợp đồng đại diện cho thương nhân được giao kết giữa hai chủ thể: bên giao đại diện và bên đại diện. Bên giao đại diện là thương nhân, uỷ quyền cho thương nhân khác thay mặt và nhân danh mình thực hiện các hoạt động thương mại. Bên đại diện cũng là thương nhân, nhận uỷ quyền của thương nhân khác để thực hiện hoạt động thương mại trong phạm vi được uỷ quyền và được hưởng thù lao về việc đại diện. Đặc điểm này khiến hợp đồng đại diện cho thương nhân, mặc dù mang bản chất của hợp đồng uỷ quyền vẫn khác biệt so với hợp đồng uỷ quyền trong dân sự, vì chủ thể của hợp đồng uỷ quyền trong dân sự là bất kỳ ai miễn là đáp ứng đủ điều kiện về năng lực chủ thể của hợp đồng.
– Theo Luật Thương mại 2005, thương nhân là chủ thể của hợp đồng đại diện cho thương nhân có thể là thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Thương nhân Việt Nam có thể được thuê làm đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, hoặc thương nhân Việt Nam thuế thương nhân nước ngoài làm đại diện cho mình ở nước ngoài. Thương nhân nước ngoài nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, được thực hiện các hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua chi nhánh của mình. Chi nhánh không được thực hiện chức năng đại diện cho thương nhân khác (Điều 21 Nghị định 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam)
Thứ hai: Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện chứ không nhân danh chính mình.
Như đã phân tích trên, bản chất của quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ uỷ quyền trong dân sự. Vì thế, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với khách hàng, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện chứ không nhân danh chính mình. Hợp đồng do bên đại diện thiết lập với khách hàng trong phạm vi thẩm quyền đại diện trực tiếp mang lại quyền, nghĩa vụ pháp lý cho bên giao đại diện. Hay nói cách khác, mặc dù bên đại diện giao kết hợp đồng với khách hàng, nhưng chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ được bên đại diện thiết lập với khách hàng lại là bên giao đại diện và khách hàng, không phải là bên đại diện.
Như vậy, bên giao đại diện vừa là chủ thể của hợp đồng đại diện với bên đại diện, vừa là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng đại diện cho thương nhân và hợp đồng đại lý thương mại, khi hợp đồng được thiết lập giữa bên đại lý (bên thực hiện dịch vụ) với khách hàng mang lại quyền, nghĩa vụ pháp lý cho bên đại lý chứ không phải cho bên giao đại lý (bên thuê dịch vụ). Do đó, trong hợp đồng đại diện cho thương nhân, bên giao đại diện và bên đại diện gắn bó mật thiết với nhau khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ với khách hàng.
Thứ ba: Hợp đồng đại diện cho thương nhân là hợp đồng dịch vụ thương mại, theo đó bên đại diện thực hiện công việc đại diện cho thương nhân (bên giao đại diện) để hưởng một khoản tiền thù lao
Cũng giống như hợp đồng đại lý thương mại, bên làm đại diện cho thương nhân tham gia hợp đồng đại diện cho thương nhân với tư cách là bên cung cấp dịch vụ thương mại. Bên làm đại diện cho thương nhân thực hiện công việc làm đại diện cho bên giao đại diện, cụ thể là làm các việc như: nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, lựa chọn khách hàng, tác động vào ý chí muốn giao kết hợp đồng của khách hàng tiềm năng…. Mọi hành vi của bên đại diện nhằm tiến tới mục đích giao kết được hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng.
Khi hoàn thành công việc của mình, bên đại diện sẽ được hưởng một khoản tiền thù lao từ bên giao đại diện. Còn bên giao đại diện sẽ được thụ hưởng các tiện ích mà hoạt động đại diện của bên đại diện mang lại, cụ thể, bên giao đại diện sẽ bán được hàng hoá, cung ứng được dịch vụ của mình cho khách hàng mà không phải trực tiếp tìm kiếm, lựa chọn, lôi kéo khách hàng.
Thứ tư: Hợp đồng đại diện cho thương nhân có giá trị trong suốt thời gian bên đại diện làm đại diện cho bên giao đại diện trong việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với khách hàng
Cũng giống như đại lý thương mại, quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ mang tính thời hạn, chứ không mang tính vụ việc như quan hệ môi giới hay uỷ thác mua bán hàng hoá. Vì thế, hai bên ràng buộc nhau không phải trong một công việc cụ thể, mà trong thời gian bên đại diện cung cấp dịch vụ đại diện cho bên giao đại diện. Trong thời gian này, khi hợp đồng đại diện cho thương nhân đang có hiệu lực, mọi hành vi của bên đại diện xác lập với khách hàng trong phạm vị thẩm quyền đại diện đều mang lại quyền, nghĩa vụ pháp lý cho bên giao đại diện.
Thứ năm: Về hình thức, hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương
Theo Điều 142 Luật Thương mại 2005, hình thức của hợp đồng đại diện cho thương nhân là văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử) và các hình thức thông tin điện tử khác. Như vậy, đối với những hợp đồng đại diện cho thương nhân mà xác lập dưới hình thức lời nói hay hành vi, các bên phải xác lập lại dưới hình thức văn bản, nếu không sẽ bị vô hiệu theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015).
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc