Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là gì? Đặc điểm chế tài phạt vi phạm hợp đồng?
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là gì? Đặc điểm chế tài phạt vi phạm hợp đồng?
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là gì? Đặc điểm chế tài phạt vi phạm hợp đồng?
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là gì? Đặc điểm chế tài phạt vi phạm hợp đồng?
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là gì?
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một hình thức trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với cả các vi phạm nghĩa vụ dân sự và các vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại. Trước hết, theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ trường hợp hành vi này thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.
Bên cạnh đó, tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 về thỏa thuận phạt vi phạm, chế tài này được định nghĩa là: sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.
Về khái niệm này, trước khi phạt vi phạm hợp đồng được quy định trong Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, các văn bản pháp luật như Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, Bộ luật Dân sự 1995 hay Luật Thương mại 1997 cũng đã có quy định về chế tài này. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế 1989, “bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán phải bị phạt vi phạm hợp đồng”.
Hay theo quy định tại Điều 227 Luật Thương mại 1997, căn cứ phát sinh quyền đòi tiền phạt bao gồm hai căn cứ: Không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Như vậy, theo những quy định này, phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài luật định, theo đó, trong trường hợp các bên tranh chấp không thỏa thuận trước về việc áp dụng chế tài này thì khi tranh chấp xảy ra, bến bị vi phạm vẫn có quyền được yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng chế tài nếu có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Vấn đề này hiện nay đã được các nhà làm luật quan niệm khác đi nhằm bảo đảm tính tương thích của pháp luật hợp đồng Việt Nam với các điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế. Cụ thể: cả Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 đều tiếp cận khái niệm phạt vi phạm hợp đồng theo hướng coi đây là một trong các hình thức trách nhiệm pháp lý được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đồng thời, trách nhiệm pháp lý này sẽ được áp dụng khi các bên trong quan hệ hợp đồng thỏa thuận áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng.
Không chỉ thế, theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là một trong những nội dung các bên có quyền thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, có thể nói rằng ngày nay, phạt vi phạm hợp đồng không phải là điều khoản bắt buộc đối với mọi hợp đồng dân sự nói chung, hợp đồng thương mại nói riêng, cũng không phải là một chế tài có thể được áp dụng theo quy định của pháp luật mà thay vào đó, đây là chế tài thỏa thuận, tức là để có thể thực hiện việc phạt hợp đồng thì tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc khi sửa đổi, bổ sung, phụ lục hợp đồng các bên phải thỏa thuận về điều này.
Đặc điểm của chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Từ định nghĩa trên có thể rút ra một số đặc điểm của chế tài phạt vi phạm hợp đồng như sau:
Thứ nhất: Về bản chất
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một hình thức trách nhiệm pháp lý được các bên trong quan hệ hợp đồng thỏa thuận áp dụng để xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Theo quy định của Luật Thương mại 2005, nếu như chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng được áp dụng khi phát sinh hành vi vi phạm; hay chế tài bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng có thể được áp dụng theo các căn cứ luật định thì chế tài phạt vi phạm hợp đồng là chế tài chỉ được áp dụng khi có thỏa thuận của các bên. Xét đến cùng, bất cứ hợp đồng thương mại nào cũng đều được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và thiện chí.
Trong khi đó, việc áp dụng chế tài này còn tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của bên vi phạm, do đó, chỉ khi các bên trong quan hệ hợp đồng cùng nhất trí về việc sử dụng chế tài phạt vi phạm như một hình thức trách nhiệm pháp lý để xử lý hành vi vi phạm hợp đồng thì khi đó, chế tài này mới có thể được áp dụng. Sự thay đổi trong quan niệm của nhà làm luật khi quy định phạt vi phạm hợp đồng là chế tài thỏa thuận thay vì quy định đây là chế tài luật định vì vậy hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, theo Điều 324 Bộ luật Dân sự 1995, “phạt vi phạm” là một “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Vì vậy, để coi một cam kết là thỏa thuận về phạt vi phạm thì chế tài này phải được thiết lập nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Ngày nay, Bộ luật Dân sự 2005 coi thỏa thuận phạt vi phạm là một “nội dung của hợp đồng”. Việc thay đổi cách quy định về phạt vi phạm này thiết nghĩ không làm mất đi bản chất của thỏa thuận phạt vi phạm”.
Ở đây, khi đưa ra điều khoản phạt vi phạm, không bên nào trong quan hệ hợp đồng mong muốn hành vi vi phạm nghĩa vụ xảy ra, vì điều đó đồng nghĩa với mục đích của việc giao kết hợp đồng sẽ khó có thể đạt được. Tuy nhiên, một hợp đồng có điều khoản về phạt vi phạm sẽ có tác dụng trong việc bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng của các bên. Bởi vì nếu một trong các bên không nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng thì lợi ích kinh tế của bên vi phạm có thể sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Như vậy, xét về bản chất, phạt vi phạm không chỉ là một chế tài thỏa thuận mà còn giống như một biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Thứ hai: Về tính chất
Theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, áp dụng chế tài phạt vi phạm đồng nghĩa với việc bên vi phạm sẽ phải trả một khoản tiền phạt do hành vi vi phạm hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng thương mại, các bên đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Chính vì vậy, họ luôn cố gắng giảm thiểu tối đa những chi phí phát sinh không cần thiết cho việc thực hiện những hợp đồng dạng này, vì những chi phí đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, khi một trong các bên thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và trong hợp đồng có điều khoản về phạt vi phạm thì bên vi phạm sẽ bị mất đi một khoản tiền để chịu trách nhiệm cho vi phạm của mình. Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chủ yếu do các bên thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Mức 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, xét trên tổng giá trị hợp đồng có thể là một số tiền không nhỏ và việc mất đi số tiền này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mà bên vị phạm được hưởng nếu hợp đồng này được thực hiện thành công. Đó còn chưa kể đến việc uy tín của bên vi phạm trong mắt đối tác cũng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Như vậy, xét về tính chất, phạt vi phạm là chế tài thương mại có tính tài sản, vì việc áp dụng chế tài này sẽ đánh thẳng vào lợi ích kinh tế của bên vi phạm. Đồng thời, đặt ra chế tài phạt vi phạm trên thực tế có chức năng bổ sung thêm một quyền yêu cầu về vật chất (quyền yêu cầu trả tiền phạt) của bên bị vi phạm và tương ứng là một nghĩa vụ vật chất (nghĩa vụ trả tiền phạt) của bên vi phạm và qua đó tăng cường ý thức tuân thủ hợp đồng của các bên.
Thứ ba: Về chủ thể có quyền lựa chọn và áp dụng chế tài
Như trên đã đề cập, chế tài phạt vi phạm là chế tài thỏa thuận. Như vậy, nếu trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng hoặc các văn bản về sửa đổi, bổ sung hợp đồng có đề cập đến việc áp dụng chế tài này thì khi hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng xảy ra, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt theo mức mà các bên đã thỏa thuận nhằm chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của bên vi phạm.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là từ sự không rõ ràng của các điều khoản trong hợp đồng hay từ những tình huống mới phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mà trước đó các bên không dự liệu hết được nên khi xác định hành vi được coi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hay giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, quan điểm giữa các bên trở nên không thống nhất.
Hay cũng có những trường hợp, mặc dù khi giao kết hợp đồng, bên vị phạm đã chấp thuận điều khoản về phạt vi phạm nhưng đến khi hành vi vi phạm xảy ra, bên này lại không tự nguyện, thiện chí thực hiện yêu cầu trả tiền phạt của bên bị vi phạm. Tất cả những tình huống trên đều dẫn đến sự xung đột về quyền, lợi ích và tranh chấp xảy ra là điều khó tránh khỏi. Lúc này, nếu như các bên không thể tự thương lượng, hòa giải được với nhau về phương án giải quyết tranh chấp thì bên có quyền/lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại như Trọng tài thương mại để yêu cầu các cơ quan này giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp này, kèm theo đơn khởi kiện bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan này áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với bên vi phạm. Trên cơ sở xác định các căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm, Tòa án/Trọng tài thương mại sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có áp dụng được hay không chế tài này và mức phạt vi phạm đối với bên vi phạm cụ thể là bao nhiêu. Về nguyên tắc, khi Tòa án/Trọng tài thương mại đã ra phán quyết, các bên phải có nghĩa vụ thi hành phán quyết đó.
Thứ tư: Về mục đích
Phạt vi phạm là một trong những điều khoản mà các bên có thể thỏa thuận đưa vào hợp đồng để nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực. Vào thời điểm đưa ra thỏa thuận này vẫn chưa xuất hiện bất cứ hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nào, vì vậy, trước hết, mục đích đặt ra chế tài phạt vi phạm là nhằm răn đe để hướng các bên tới việc thực hiện một cách nghiêm túc nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đã xảy ra các bên bị vi phạm mới đưa ra yêu cầu bên vi phạm phải trả một khoản tiền do vi phạm nghĩa vụ và bên bị vi phạm cũng chấp thuận yêu cầu này. Tuy nhiên, thỏa thuận này thiết nghĩ không thể là thỏa thuận phạt vi phạm với tư cách là một chế tài thương mại theo quy định của Luật Thương mại vì thỏa thuận này không còn nhằm mục đích răn đe để hướng đến việc thực hiện nghĩa vụ do hành vi vi phạm đã xảy ra trước khi có thỏa thuận.
Bên cạnh đó, chế tài phạt vi phạm còn được áp dụng nhằm mục đích trừng phạt bên vi phạm. Một khi hợp đồng thương mại được giao kết đã có hiệu lực pháp luật thì việc tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng được coi là yêu cầu bắt buộc đối với các bên. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng đồng nghĩa với việc bên vi phạm đã không thực hiện tốt nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng này. Để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho bên bị vi phạm pháp luật cho phép bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bên vi phạm phải trả tiền phạt nhằm mục đích trừng phạt đối với vi phạm đã xảy ra.
Thông qua đó, để tránh việc tiếp tục chịu tổn thất không đáng có về kinh tế, bên vi phạm sẽ có ý thức chấn chỉnh việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc yêu cầu trả tiền phạt không nhằm mục đích bù đắp thiệt hại về vật chất mà chủ yếu nhằm răn đe và yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý cho vi phạm của mình (bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm ngay cả khi chưa có thiệt hại thực tế xảy ra, và Luật Thương mại 2005 cũng không coi thiệt hại thực tế là căn cứ áp dụng chế tài này).
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc