Chế tài bồi thường thiệt hại là gì? Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Chế tài bồi thường thiệt hại là gì? Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
Chế tài bồi thường thiệt hại là gì? Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Chế tài bồi thường thiệt hại là gì? Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
Chế tài bồi thường thiệt hại là gì?
Theo quan điểm của Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp một bên khi thực hiện nghĩa vụ dân sự mà có hành vi vi phạm nghĩa vụ và gây ra thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Đồng thời, khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại 2005 cũng quy định: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.
Đặc điểm của chế tài bồi thường thiệt hại
Từ định nghĩa về chế tài bồi thường thiệt hại có thể rút ra một số đặc điểm pháp lý của chế tài này như sau:
Thứ nhất, về bản chất
Bồi thường thiệt hại là một chế tài luật định nhằm yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Theo nguyên tắc, người nào gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, nếu thiệt hại xảy ra xuất phát trực tiếp từ hành vi vi phạm của người đó.
Nguyên tắc này không chỉ đặt ra trong lĩnh vực thương mại mà còn đặt ra trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội như hành chính, hình sự, dân sự. Không chỉ thế, vấn đề bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng cũng được quy định khá thống nhất ở các văn bản pháp luật trong nước từ trước đến nay (không phân biệt luật chung và luật riêng như Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005) và cả các văn bản pháp luật quốc tế như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế hay Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, chế tài bồi thường thiệt hại không phải là chế tài thỏa thuận như phạt vi phạm hợp đồng mà là chế tài luật định. Cụ thể hơn, kể cả trong trường hợp giữa các bên không tồn tại một thỏa thuận về bồi thường thiệt hại từ trước thì khi thiệt hại xảy ra, bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường một khoản tiền nhất định tương ứng với thiệt hại mà bên đó đã gây ra do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, miễn là hành vi của bên vi phạm đáp ứng đầu đủ các điều kiện để có thể áp dụng chế tài này.
Không chỉ thế, nếu như chế tài phạt vi phạm hợp đồng được coi như một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, tức là việc đặt ra chế tài này chủ yếu nhằm giúp các bên nghiêm túc hơn trong việc thực hiện hợp đồng và khi chưa có bất cứ hành vi vi phạm nào xuất hiện thì vẫn có thể thỏa thuận về phạt vi phạm, thì chế tài bồi thường thiệt hại được đặt ra để yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi vi phạm hợp đồng của mình, mà cụ thể là yêu cầu bên vi phạm phải bỏ tiền ra để bù đắp những tổn thất về kinh tế đã gây ra cho bên bị vi phạm.
Thứ hai, về tính chất
Vì nghĩa vụ của bên vi phạm đặt ra trong trường hợp này là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, mà cụ thể là bên vị phạm phải trả một khoản tiền tương ứng với thiệt hại vật chất thực tế của bên bị vi phạm, nên có thể khẳng định: tương tự như chế tài phạt vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại cũng là chế tài có tính tài sản, và hậu quả pháp lý bất lợi dành cho bên vi phạm khi áp dụng chế tài này đó là lợi ích kinh tế của bên vi phạm sẽ bị ảnh hưởng vì hành vi vi phạm nghĩa vụ họ đã thực hiện.
Như vậy, cũng giống như phạt vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại đã bổ sung thêm một quyền yêu cầu về vật chất (quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại) của bên bị vi phạm, đồng thời bổ sung thêm một nghĩa vụ về vật chất (nghĩa vụ bồi thường thiệt hại) đối với bên vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, về chủ thể được quyền lựa chọn và áp dụng chế tà
Vì hợp đồng thương mại được xây dựng trên cơ sở sự tự nguyện của các bên nên việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cũng là do các bên hoàn toàn tự nguyện. Do đó, khi xảy ra hành vi vi phạm nghĩa vụ, khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, mà cụ thể là có thiệt hại xảy ra, bên bị vi phạm có quyền tự mình yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi việc xác định hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế làm căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại không hề dễ dàng nên trong nhiều trường hợp, các bên trở nên mâu thuẫn với nhau và từ đó phát sinh tranh chấp.
Những tranh chấp này có thể được giải quyết bởi các cơ quan tiến hành tố tụng và có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại như Tòa án/Trọng tài thương mại. Khi giải quyết tranh chấp, những cơ quan này cũng hoàn toàn có quyền được yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm theo yêu cầu của bên bị vi phạm và trên cơ sở tính toàn một cách hợp lý giá trị bồi thường.
Thứ tư, về mục đích áp dụng
Đối với phạt vi phạm, khi các bên thỏa thuận về chế tài này chưa xuất hiện hành vi vi phạm và cũng chưa có bất cứ thiệt hại thực tế nào xảy ra. Chính vì vậy mà mục đích đầu tiên và chủ yếu của chế tài phạt vi phạm là nhằm răn đe và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Trong khi đó, khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại vật chất thực tế đã xảy ra nên mục đích của chế tài này chính là nhằm khôi phục, bù đắp những tổn hại về lợi ích vật chất của bên bị vi phạm, qua đó làm cho hành vi vi phạm hợp đồng trở nên vô hại về mặt vật chất đối với bên bị vi phạm.
Xét trong lĩnh vực thương mại, một chủ thể có thể trở thành một bên trong nhiều quan hệ hợp đồng khác nhau, có thể chủ thể đó là bến bán trong quan hệ hợp đồng này nhưng lại trở thành bên mua trong quan hệ hợp đồng khác, hay ngược lại, một chủ thể là bên mua trong quan hệ hợp đồng này nhưng lại trở thành bên bán trong quan hệ hợp đồng với chủ thể khác…Bởi vì bản chất của việc thực hiện hoạt động thương mại chính là việc mua đi bán lại sản phẩm hàng hóa trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Do đó, thiệt hại phát sinh trong quan hệ hợp đồng này hoàn toàn có thể khiến cho bên bị vi phạm vướng phải những thiệt hại phát sinh trong quan hệ hợp đồng khác nên thiệt hại trên thực tế của bên bị vi phạm có thể rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh tế của họ. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại của bên vi phạm có thể giúp giảm thiểu thời bù đắp những thiệt hại đã xảy ra. Đây hoàn toàn là quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm.
Mặt khác, sau khi đã phải bỏ một chi phí không nhỏ để bồi thường thiệt hại, bên vi phạm cũng sẽ phải có ý thức hơn trong việc thực hiện hợp đồng nếu không muốn tiếp tục mất đi những chi phí không đáng có, ảnh hưởng đến việc tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh.
Căn cứ và điều kiện áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Vì đây là chế tài luật định nên Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 quy định khá chi tiết về chế tài này. Trong Bộ luật Dân sự 2015, các quy định về chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ chủ yếu được quy định từ Điều 360 đến Điều 364; còn trong Luật Thương mại, chế tài này được quy định từ Điều 302 đến Điều 307 và Điều 316.
Trước hết, theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005 thì trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294, bồi | thường thiệt hại phát sinh khi có đủ ba điều kiện, đó là: (i) hành vi vi phạm hợp đồng, (ii) thiệt hại xảy ra trong thực tế và (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng
Như ở phần 1 đã phân tích, hành vi vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng được chia làm hai loại: vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản. Tuy nhiên, đối với chế tài bồi thường thiệt hại, chỉ cần xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng nói chung là đã có thể nghĩ đến việc áp dụng chế tài này chứ không cần bắt buộc đó phải là hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Hay nói cách khác, bất cứ hành vi vi phạm nghĩa vụ nào của hợp đồng cũng đều có thể được coi là căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, có thiệt hại xảy ra trong thực tế
Có thiệt hại xảy ra là vì nếu hành vi vi phạm chưa làm phát sinh thiệt hại thì bên bị vi phạm không thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại được mà chỉ có thể yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt (nếu có thỏa thuận), buộc thực hiện đúng hợp đồng hay tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng.
Thiệt hại thực tế ở đây bao gồm cả những thiệt hại trực tiếp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại gián tiếp là những khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Có thể thấy, Luật Thương mại 2005 chỉ căn cứ vào thiệt hại vật chất thực tế để xác định giá trị bồi thường thiệt hại của bên vi phạm. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ dân sự bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần; và bên vi phạm nghĩa vụ dân sự phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại này cho bên bị vi phạm.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra trong thực tế
Có mối quan hệ nhân quả tức là hành vi vi phạm nghĩa vụ phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại thực tế, còn thiệt hại thực tế là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ. Nếu hành vi vi phạm nghĩa vụ không trực tiếp gây ra thiệt hại, và thiệt hại thực tế cũng không phải xuất phát từ hành vi vi phạm nghĩa vụ nêu trên thì bên bị vi phạm không được quyền yêu bồi bên vị phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu như đáp ứng đầy đủ cả ba điều kiện nêu trên thì bên bị vi phạm mới được quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, và khi vụ tranh chấp được đưa ra trước cơ quan có thẩm quyền như Tòa án/Trọng tài thương mại, những cơ quan này chỉ được yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại khi xác định có đủ cả ba điều kiện trên, nếu không việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ trở nên không hợp pháp.
Thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại
Việc thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại trên thực tế cần lưu ý một số vấn đề như sau:
– Chỉ buộc bên vi phạm phải bồi thường các thiệt hại mà bên bị vị phạm yêu cầu khi bên bị vi phạm có đầy đủ căn cứ để chứng minh cho các tổn thất do có hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
. – Phải xem xét bên bị vi phạm hợp đồng đã áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất xảy ra hay không. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng biện pháp hạn chế mà để mặc cho tổn thất xảy ra thì bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được nếu bên bị vi phạm đã áp dụng biện pháp khắc phục.
– Không buộc các bên phải có thỏa thuận trước về việc bồi thường thiệt hại, chỉ cần có thỏa thuận trước về mức phạt hợp đồng là có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Thứ nhất, xác định giá trị bồi thường thiệt hại
Nếu như Bộ luật Dân sự 2015 yêu cầu bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần đã gây ra cho bên bị thiệt hại thì Luật Thương mại 2005 lại có quy định khác đi về vấn đề này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 303 Luật Thương mại 2005 thì giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Như vậy, phạm vi bồi thường thiệt hại cho hành vi vi phạm bao gồm hai loại thiệt hại là: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
(i) Tổn thất thực tế là thiệt hại đã xảy ra:
Ví dụ (1): A (Bên ủy thác) và B (Bên nhận ủy thác) giao kết với nhau hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, trong đó B nhận ủy thác mua cho A 1.000 tấn da nguyên liệu có xuất xứ từ Hàn Quốc để phục vụ cho việc sản xuất giày da xuất khẩu của công ty A, giá trị hợp đồng là 800 triệu đồng, thỏa thuận giao hàng ngày 05/07/2016. Sau đó, A tiếp tục giao kết hợp đồng bán 5.000 đôi giày da do công ty sản xuất (dự kiến sẽ được làm bởi 1.000 tấn da nguyên liệu đã ủy thác cho B
mua) với giá trị hợp đồng là 02 tỷ đồng với C, thời hạn giao hàng 05/092016.
Trong hợp đồng có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm với mức phạt là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng 05/07/2016, B chỉ giao được 500/1.000 tấn da nguyên liệu xuất xứ Hàn Quốc nên A buộc phải cho tạm dừng một số dây chuyền sản xuất do không có nguyên liệu sản xuất giày.
Vì sự việc này nên A chỉ giao được 2.500/5.000 đôi giày da cho C và đã bị C phạt vi phạm 80 triệu đồng. Ở Ví dụ (1), chúng ta xác định 80 triệu đồng là tổn hại thực tế của A trong trường hợp C thực hiện quyền yêu cầu trả tiền phạt. Ngược lại, nếu như C từ bỏ quyền đòi tiền phạt thì khoản tiền phạt có thể được tính toán theo hợp đồng giữa A với C sẽ không được coi là thiệt hại thực tế của A.
(ii) Tổn thất trực tiếp là thiệt hại phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên vi phạm.
Trong ví dụ (1) thì khoản tiền phạt vi phạm mà A phải trả cho C khi C thực hiện quyền đòi tiền phạt là thiệt hại trực tiếp của A, vì nếu B giao đầy đủ số lượng da nguyên liệu nhập khẩu cho A theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng thì A cũng không vi phạm hợp đồng với C do giao hàng thiếu. Không chỉ thế, vì việc giao thiếu hàng của B nên A đã phải cho tạm dừng một số dây chuyền sản xuất. Chi phí cố định cho dây chuyền sản xuất tạm ngưng đó cũng được coi là thiệt hại trực tiếp của A.
(iii) Khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm:
Đây là khoản lợi mà bên bị vi phạm chưa có trên thực tế, nhưng nếu không xảy ra hành vi vi phạm và căn cứ theo mục đích mà bên bị vi phạm đặt ra đối với hợp đồng đó cũng như các mối quan hệ hợp đồng mà bên bị vi phạm đã hoặc có thể thiết lập với bên thứ ba thì khoản lợi đó là có thể đạt được.
Trong ví dụ (1) nói trên, khoản lợi mà A đáng lẽ được hưởng trong trường hợp này bằng khoản tiền chênh lệch giữa giá bán cho C trừ đi khoản tiền mua nguyên liệu (da), phí thù lao ủy thác trả cho B và tiếp tục trừ đi các chi phí sản xuất của A. Khi đặt ra các quy định về chế tài thương mại, mục đích của các nhà làm luật không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm mà còn nhằm bảo vệ lợi ích của bên vi phạm.
Theo quy định tại Điều 304 Luật Thương mại 2005, trước khi thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại và trước khi bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ bồi thường, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có nghĩa vụ “chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Đồng thời, Điều 305 Luật Thương mại 2005 cũng quy định “bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”.
Ngoài các quy định trên, cũng cần lưu ý về trường hợp ngoại lệ khi xác định giá trị bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hợp đồng thương mại, đó là trường hợp liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được quy định tại Điều 238 Luật Thương mại 2005, cụ thể: “trừ trường hợp có thỏa thuận khác, toàn bộ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hóa”.
Tuy nhiên, giới hạn này sẽ không được áp dụng nếu “người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra”.
Thứ hai, xác định mối quan hệ giữa chế tài bồi thường thiệt hại với các chế tài khác
(1) Mối quan hệ với chế tài phạt vi phạm:
Như đã phân tích ở mục 3, phần II, quy định về mối quan hệ giữa chế tài bồi thường thiệt hại với chế tài phạt vi phạm có sự khác nhau trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005. Theo đó, nếu như Bộ luật Dân sự 2015 chỉ cho phép kết hợp hai chế tài này khi các bên có thỏa thuận thì Luật Thương mại 2005 không đòi hỏi phải có sự thỏa thuận giữa các bên mới cho phép kết hợp chế tài bồi thường thiệt hại với chế tài phạt vi phạm. Trong trường hợp này, chỉ cần các điều kiện áp dụng hai loại chế tài này xuất hiện đầy đủ là đã có căn cứ áp dụng chế tài.
Cụ thể hơn, tại Điều 307 Luật Thương mại 2005: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Ở đây, ngoại lệ của Điều 307 là Điều 266 Luật Thương mại 2005. Điều 266 coi hành vi vi phạm nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định và hình thức lỗi (lỗi vô ý và lỗi cố ý) để xác định chế tài áp dụng là phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại.
(ii) Mối quan hệ với các chế tài thương mại khác:
Theo quy định tại các Điều 309, Điều 311 và Điều 314 Luật Thương mại 2005: khi đã áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng thì bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Không chỉ thế, Điều 316 Luật Thương mại 2005 cũng quy định: “một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác”. Như vậy, chế tài bồi thường thiệt hại hoàn toàn có thể áp dụng đồng thời với tất cả các chế tài thương mại khác, miễn là đáp ứng đầy đủ các điều kiện áp dụng theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc